|
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh
Ảnh: Chinhphu.vn/Nhật Bắc
|
Vào khoảng năm 1990, Uỷ ban khoa học Nhà nước có báo cáo gửi Chính phủ, Trung ương Đảng nói rằng bây giờ thế giới có một cái mà người ta gọi là “xa lộ” thông tin, tức là thông tin với nội dung hết sức phong phú đưa vào một hệ thống rất rộng mà cho tất cả các nước, tốc độ rất nhanh.
Nhiều nhà khoa học có đề nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước rằng nếu Việt Nam có “xa lộ” đó thì nước ta biết được tin tức của toàn thế giới mà thế giới cũng biết tin tức của nước ta rất nhanh. Một số nhà khoa học cho rằng, nếu ta tiếp thu được qua những “xa lộ” đó rất nhiều thông tin từ các nguồn tài liệu khác nhau, đó là con đường đi lên của giới khoa học và cũng là con đường đi lên sau này của nước ta về các mặt. Lúc bấy giờ đại đa số thành viên Chính phủ tán thành ý kiến này, đặc biệt là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ủng hộ, khuyến khích ủng hộ Ủy ban Khoa học Nhà nước báo cáo và đề nghị mạnh mẽ vấn đề này lên Chính phủ.
Cũng vào khoảng năm đầu thập kỷ 1990, khi đó có một tổ chức khoa học của Pháp và một vài công ty của Pháp vào Việt Nam để thiết lập mối quan hệ hợp tác khoa học, kỹ thuật, trong đó có những tổ chức có kinh doanh về máy tính. Khi ấy cũng chưa có Internet, tôi là người đồng ý đề nghị của Văn phòng Chính phủ về việc trang bị máy tính.
Từ năm 1990 tới năm 1997 Chính phủ và các cơ quan quản lý, nghiên cứu khoa học đã chuẩn bị rất tích cực về mọi mặt. Đó là vào thời kỳ đầu đổi mới của Việt Nam và cũng là giai đoạn chúng ta phải giải quyết vấn đề tư tưởng, vấn đề nhận thức về Internet, về “xa lộ” thông tin.
Nhạy bén đổi mới
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh nhớ lại: Lúc đó có rất nhiều ý kiến khác nhau về ứng dụng Internet, “xa lộ” thông tin. Thế nên trong thảo luận có 2 luồng ý kiến. Luồng ý kiến ủng hộ thì nhiều hơn vì giới khoa học rất đông và ai cũng mong điều đó. Cũng có luồng ý kiến nói “phải làm nhưng cũng phải rất cẩn thận, thận trọng”.
Lúc bấy giờ Chính phủ đã nhận thấy không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nếu không có công nghệ thông tin, không thể phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập nếu không có Internet. Bây giờ mà không phát triển công nghệ thông tin thì cũng giống như trước đây nếu không phát triển máy in, nhà máy in thì không thể phát triển báo chí, truyền thông, phát triển văn hóa. Đa số ý kiến thấy là phải đưa Internet vào Việt Nam.
Hồi năm 1996, Chính phủ đã ra một văn bản đồng ý cho mở hoạt động công nghệ thông tin nhưng ở mức độ “quản lý được đến đâu thì làm đến đó”. Tôi cũng tán thành quan điểm ấy. Đến năm 1997 thì đã chín muồi rồi, tất cả mọi người đều nhất trí và các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã ban hành văn bản chính thức để Việt Nam hòa mạng internet toàn cầu.
Tôi cho rằng năm 1997 là mốc rất quan trọng. Diễn biến của sự phát triển Internet giai đoạn đầu rất là khó khăn, nhưng lãnh đạo nước ta, các cơ quan, ban, ngành cũng thích ứng với đổi mới, phải nói là nhạy bén với đổi mới.
Quyết định đồng ý mở mang công nghệ thông tin ở Việt Nam, gia nhập thông tin toàn cầu của Đảng và Chính phủ đã đưa Việt Nam chúng ta hội nhập về kinh tế, văn hóa, xã hội một cách mạnh mẽ và có hiệu quả cao
Bất ngờ về tốc độ phát triển Internet
Nguyên Phó Thủ tướng nói: Đúng là tôi không nghĩ Internet ở Việt Nam có thể tiến rất nhanh trong 15 năm vừa qua như vậy. Tôi cũng không nghĩ là Internet, công nghệ thông tin lại được ứng dụng sớm và rộng rãi trong hoạt động của Chính phủ và các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và các địa phương nhanh như vậy, và sự ra đời của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (ban đầu là Trang tin điện tử Chính phủ) là dấu hiệu minh chứng rằng công nghệ thông tin đã “đi vào” hoạt động của Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất tốt và Văn phòng Chính phủ có công trong đó.
Năm 2004, tôi có dự một hội nghị trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hội nghị đó đã báo hiệu một sự thay đổi lớn trong quản lý hành chính, trong sự điều hành trước hết của Chính phủ.
Mặc dù hiện nay các cơ quan Nhà nước của ta chưa thay đổi hoàn toàn được tình trạng giấy tờ, hội họp quá nhiều, cũng chưa tận dụng tối đa công nghệ thông tin, nhưng tôi cho là qua Internet chúng ta đang có những bước tiến mới quan trọng trong việc đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ, của Văn phòng Chính phủ.
Hiện nay, phần lớn văn bản, giấy tờ của Văn phòng Chính phủ đều được xử lý thông qua hệ thống mạng, mọi công việc trong ngày của các đơn vị và cá nhân cán bộ phải được hoàn thành đúng hạn và báo cáo kịp thời cho lãnh đạo. Theo tôi, đấy là một sự đôn đốc và kiểm soát tốt nhất.
Trách nhiệm của người quản lý
Về câu chuyện làm sao để hạn chế mặt trái của Internet như việc lợi dụng mạng Internet truyền bá các thông tin sai trái, lệch lạc làm mất niềm tin của người dân đối với Đảng, Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh có ý kiến: Nói là mặt trái do Internet mang lại thì cũng không đúng lắm. Nó là mặt trái của việc sử dụng. Bản thân Internet không có tội, nhưng người sử dụng thì khác nhau, cách làm khác nhau và đây có trách nhiệm của người quản lý. Không phải chỉ có Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương mà đông đảo người dân với tư tưởng và trình độ khác nhau cũng dùng Internet. Thế nên Internet cũng có thể bị những phần tử xấu lợi dụng . Nhưng trong sự phát triển xã hội bao giờ cũng có mối quan hệ giữa cái tốt và cái xấu, đó là phép biện chứng, là chuyện rất tự nhiên huống chi mạng thông tin này, rất nhanh, mạnh, ai cũng cần dùng.
Tôi khẳng định chúng ta phải tiếp tục phát triển Internet mạnh hơn nữa. Nhưng bên cạnh đó, phải có những giải pháp về pháp lý, chính sách, về tuyên truyền, giáo dục, về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. Phải hoàn thiện những quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, Internet trong cơ quan Nhà nước, đoàn thể nhân dân, trong doanh nghiệp, trong đời sống.
Ta có hai hướng, một là về mặt công nghệ thì phát triển nhanh, chất lượng cao, từ chỗ ứng dụng đến chỗ có sản phẩm để mình cạnh tranh với thế giới. Đây là con đường đi nhanh nhất mà Việt Nam có đủ sức làm việc này, đã làm rất nhanh trong 15 năm. Nhưng từ nay đến năm 2020 và sau 2020, thế giới sẽ tiếp tục thay đổi rất nhanh thì mình càng phải làm việc này nhanh hơn nữa. Hai là, về mặt nội dung, mở rộng hơn nữa việc sử dụng Internet vào hoạt động của tất cả các ngành, các lĩnh vực. Đương nhiên, quan trọng nhất là các công việc phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành, quản lý của Nhà nước.
Công nghệ thông tin, Internet mà được sử dụng tốt còn là công cụ để phát huy nền dân chủ, để lãnh đạo Đảng và Nhà nước càng gần dân hơn, có được thông tin về cuộc sống của dân, về ý kiến của dân nhiều hơn và nhanh hơn Trong điều kiện hiện nay, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc đưa những thông tin chính thức, chủ động hơn và nhanh hơn, để công nghệ thông tin phát huy được vai trò và hiệu quả của nó trong việc hiện đại hóa công tác lãnh đạo, quản lý của Chính phủ ta.
Theo Chinhphu.vn