Trương Đình Anh trong chương trình Người đương thời
Mặc dù còn nhiều tranh cãi về chuyện lý và tình với Trương Đình Anh nhưng không ai có thể chỉ ra lý thế nào là đủ, còn tình thế nào là vừa khi điều hành trong một lĩnh vực kinh doanh khốc liệt như dịch vụ Internet – nơi được mệnh danh là mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Còn với Tập đoàn FPT nói chung, ngoại trừ 2 công ty do Đình Anh điều hành trước đó, hầu hết các đơn vị khác đều gặp phải khó khăn lớn và suy giảm tăng trưởng mạnh khi đương đầu với khủng hoảng kinh tế.
Bất chấp những lời dèm pha, đàm tiếu của “người đời”, Đình Anh vẫn hành động theo cách của mình. FPT Telecom cũng như FPT Online – 2 “đứa con” mà anh lập ra vẫn tiến bước qua khủng hoảng, với tỷ lệ tăng trưởng đáng mơ ước của bất kỳ công ty Internet nào tại Việt Nam (có 5 năm tăng trưởng doanh thu bình quân trên 50%).
Trước khi được bổ nhiệm vào chức Tổng giám đốc FPT, “người mơ làm Thủ tướng năm 40 tuổi” từng làm một việc rất khó tin, mời nhân vật có thể coi như “nhà tư tưởng” đương đại của ngành viễn thông Việt Nam về làm CEO của FPT Telecom. “Tôi mời ‘thầy’ ấy về làm Tổng giám đốc FPT Telecom, còn tôi chỉ làm Chủ tịch thôi”, Đình Anh chia sẻ. Tất nhiên, lời đề nghị này không thành công.
Bài diễn văn "không tự do"
Tháng 2/2011, Hội đồng quản trị FPT ra quyết định bổ nhiệm Trương Đình Anh làm Tổng giám đốc (CEO). Trên thực tế, trước đó 3 tháng, ông Nguyễn Thành Nam – người tiền nhiệm, đã xin từ chức và Đình Anh được đề nghị giữ chức danh này. Tuy nhiên, vị Phó tổng giám đốc FPT từ chối vì cho rằng mình sẽ không có đủ quyền hành động như một CEO thực sự - điều anh vẫn làm tại FPT Telecom.
Hội đồng quản trị FPT phải mất 3 tháng để thuyết phục Đình Anh, cũng như họp và thống nhất việc bổ nhiệm CEO mới. Theo những tiêu chí do Ủy ban nhân sự FPT đặt ra cho CEO thế hệ kế tiếp, Trương Đình Anh là người duy nhất đáp ứng được các yêu cầu.
Khi họp hội đồng quản trị, nhiều thành viên tham dự đều hiểu rằng, nếu không phải là “bàn tay thép” như Đình Anh, FPT sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tái cấu trúc mạnh mẽ để trở nên mạnh khỏe hơn và tăng hiệu quả. Thêm vào đó, Trương Đình Anh sẽ là người phù hợp nhất cho mục tiêu cực kỳ tham vọng với FPT – lọt vào danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu của Forbes (trong Forbes Global 2.000) trong vòng 10 năm tới.
Thế nhưng, người vốn đã gây nhiều tranh cãi tại FPT thêm một lần nữa gây ra những cuộc khẩu chiến lớn tại cuộc họp hội đồng quản trị. Tầng 13 của tòa nhà FPT – nơi diễn ra cuộc họp trở nên ầm ĩ hiếm có khi thảo luận về việc bầu tổng giám đốc mới. Sau 2 ngày cuối tuần họp ròng rã với những trận tranh cãi nảy lửa, hội đồng quản trị cũng đi đến thống nhất phê duyệt việc bổ nhiệm Trương Đình Anh.
Chiều 25/3/2011, Đình Anh làm lễ nhậm chức Tổng giám đốc. Buổi trưa hôm đó, người sắp chính thức làm CEO FPT kỳ cạch gõ máy tính bài diễn văn nhậm chức để “các anh còn duyệt” – điều mà Đình Anh chưa từng làm trước đó. Khi phát biểu, tân CEO cũng phải cầm giấy đọc chứ không tự phóng tác như thường lệ. Trong phần khởi đầu diễn văn, Trương Đình Anh nói: “Trong một hoàn cảnh khác, tôi không muốn cầm giấy đâu, nhưng vấn đề cũng hơi trầm trọng nên xin phép được đọc…”.
Trương Đình Anh trong lễ nhậm chức Tổng giám đốc FPT
Trở về với chính mình
Kể từ khi trở thành CEO FPT, Đình Anh quyết tâm thực hiện nhiều thay đổi tại công ty này. Đề ra mục tiêu tăng trưởng và hiệu quả cao, loại bỏ các bộ phận thiếu sức cạnh tranh, thậm chí là buộc những nhân sự không làm việc tốt phải rời đi… tân tổng giám đốc mong muốn tạo ra một làn gió mới.
Thế nhưng, dù bước đầu tạo được những thay đổi mang tính nền tảng, Đình Anh vẫn khó cải thiện mối quan hệ với các thành viên hội đồng quản trị khác. Cũng vì thế, không ít kế hoạch, định hướng chiến lược không nhận được sự đồng thuận và cuộc cải cách mạnh mẽ của Trương Đình Anh khó có thể tăng tốc. Mệt mỏi vì sự khác biệt với các thành viên trong hội đồng quản trị trong phương thức điều hành cũng như định hướng chiến lược, lại gặp thêm một số vấn đề sức khỏe, Đình Anh xin nghỉ phép 2 tháng để tĩnh dưỡng và chữa bệnh (từ 1/8 đến 30/9/2012).
Theo tiết lộ của một lãnh đạo FPT, đây là “liều thuốc thử cuối cùng” của CEO với hội đồng quản trị trong việc giải quyết bất đồng. Năm 1997, khi chưa thành lập FPT Internet (tiền thân FPT Telecom), Trương Đình Anh từng xin nghỉ phép một tháng và dự kiến sẽ rời FPT sau đó vì không đạt được sự đồng thuận với lãnh đạo trong việc đầu tư cung cấp dịch vụ Internet. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được đơn xin nghỉ phép 1 tháng, ông Trương Gia Bình đã gọi ngay Đình Anh lên và đồng ý việc đầu tư. Còn lần này lại khác.
|
Nhiều người vẫn mong Trương Đình Anh sẽ sớm trở lại. |
Vào cuối tháng 8/2012, CEO FPT đã có bài phỏng vấn trên báo nội bộ Chúng ta về kế hoạch trở lại làm việc vào ngày 17/9/2012 – chấm dứt nghỉ phép sớm hơn dự kiến. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một tuần kể từ khi Trương Đình Anh đi làm trở lại, ngày 26/9/2012, Công ty FPT ra công bố thông tin về việc từ nhiệm của Tổng giảm đốc.
Không giống như bài diễn văn nhậm chức, lý do CEO Trương Đình Anh từ nhiệm được công bố đúng với phong cách thường thấy của anh: thẳng thắn và không thỏa hiệp. Theo công bố, Trương Đình Anh xin từ nhiệm vì những khác biệt trong hoạch định chiến lược và phương thức điều hành với Hội đồng quản trị FPT. Trong khi đó, thông cáo báo chí về việc từ nhiệm cho biết, HĐQT FPT đánh giá Trương Đình Anh là một lãnh đạo giỏi, có nhiều cống hiến cho tập đoàn và việc từ nhiệm là "đáng tiếc".
Trước đó, chưa một công ty niêm yết nào (đặc biệt là tổ chức lớn, cổ phiếu thuộc hàng blue-chip như FPT) lại công bố lý do từ nhiệm của lãnh đạo theo cách như vậy. Phần lớn việc từ nhiệm của VIP công ty niêm yết được công bố với lý do cá nhân, sức khỏe… hoặc một lý do chung chung, vô thưởng vô phạt nào đó.
Đối với không ít người, đặc biệt là những nhân viên từng làm việc với Trương Đình Anh nhiều năm, việc từ nhiệm không chỉ đáng tiếc mà còn đáng buồn với FPT. Họ vẫn mong một ngày không xa Đình Anh sẽ trở lại để cùng với FPT hoàn thành giấc mơ Top 500 của Forbes. "Làng" viễn thông (đặc biệt là Internet) mà thiếu Trương Đình Anh thì thật buồn.
Theo Ictnews.vn