|
Theo Bkav, số lượng tin nhắn rác mỗi ngày có thể còn cao hơn con số 9,8 triệu (Ảnh minh họa). Nguồn: Internet |
Trước những thông tin nghi ngờ việc Bkav có được kết quả khảo sát từ 50.000 khách hàng là do gặp trực tiếp chủ thuê bao hay họ cài phần mềm gián điệp tự động theo dõi khách hàng, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và phát triển Bkav cho biết, cuộc khảo sát được Bkav thực hiện trong vòng một tháng với tập 50.000 người dùng bất kì đang sử dụng phần mềm bảo vệ smartphone Bkav Mobile Security tại Việt Nam (theo thống kê trên Google Play, phần mềm Bkav Mobile Security đang có số lượt tải trong khoảng từ 100.000-500.000 lượt-PV). Tin nhắn rác được lọc thông qua hệ thống Smart Filter tích hợp sẵn trong phần mềm, kết nối trực tuyến với hệ thống máy chủ thống kê tin nhắn rác của Bkav. "Khi phần mềm chặn được tin nhắn rác, nó sẽ chỉ thông báo số lượng tin nhắn đã được chặn trong ngày về cho hệ thống của Bkav, tương tự như việc thống kê lượt truy cập của các báo điện tử", ông Sơn khẳng định.
Cũng theo ông Sơn, con số "có ít nhất 30 triệu thuê bao thực đang hoạt động" mà Bkav lấy làm dẫn chứng được trích từ kết quả cuộc điều tra thống kê phổ cập dịch vụ điện thoại, Internet và nghe-nhìn toàn quốc 2010 mà Bộ TT&TT công bố năm 2011. "Còn theo số liệu khác như Sách trắng CNTT-TT 2012, số thuê bao điện thoại di động 2G và 3G khoảng 127.318.045 thuê bao thì chắc chắn số tin nhắn rác người dùng nhận được có thể sẽ lên đến 41 triệu tin nhắn rác", ông Sơn cho biết thêm. Vì thế, Bkav chỉ đưa ra con số tin nhắn rác dựa trên thuê bao thực đang hoạt động tối thiểu và các trường hợp phần mềm Bkav chặn được nên không loại trừ khả năng con số thực tế sẽ lớn hơn nhiều.
Còn về việc các tổ chức, cá nhân sử dụng các gói cước giá rẻ Q-Student (MobiFone), TalkEZ (VinaPhone), Hi School, Tomato Green (Viettel) để nhắn tin với mức cước chỉ còn khoảng 40 đồng/SMS nội mạng, ông Sơn cũng cho rằng, đúng là không loại trừ khả năng những người phát tán tin nhắn rác sử dụng các gói cước giá rẻ nhưng mỗi gói cước này chỉ nhắn được khoảng 100 tin/ngày. Và như vậy, với tốc độ phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo có khả năng lên đến 10.000 tin nhắn/giờ (tương đương 240.000 tin nhắn/ngày) thì các tổ chức, cá nhân sẽ phải cần đến 2.400 SIM sử dụng gói cước giá rẻ mỗi ngày. Bkav cũng là một công ty kỹ thuật, hiểu rõ việc chuyển đổi liên tục hàng nghìn SIM vào các modem GSM sẽ vất vả và mất nhiều thời gian như thế nào nên nói rằng 9,8 triệu tin nhắn rác mỗi ngày đều gửi từ các gói cước giá rẻ, SIM sinh viên là không có cơ sở. "Chưa kể đến việc các tin nhắn rác như rao bán SIM, xổ số... vẫn có những trường hợp nhắn tin ngoại mạng cho tất cả các thuê bao chứ không phải chỉ nhắn tin nội mạng hay cho một số đối tượng nhất định. Vì thế, Bkav mới chia trung bình và lấy mức giá 300 đồng/SMS", ông Sơn kết luận.
Về mục đích Bkav đưa ra số liệu tin nhắn rác là do Bkav thấy rằng suốt vài năm qua, tình hình tin nhắn rác đã trở thành một vấn đề "bức xúc" của toàn xã hội. Vì vậy, Bkav mới quyết tâm đưa ra hệ thống Smart Filter tích hợp trên Bkav Mobile Security để ngăn chặn "vấn nạn" này, từ đó giúp người dùng tránh được cảm giác khó chịu. Trên cơ sở đó, nếu phần mềm Bkav thực sự giải quyết tốt nạn tin nhắn rác thì sẽ được người dùng tự động đón nhận chứ không cần phải làm trầm trọng hóa để thúc đẩy bán phần mềm. Việc công bố con số tin nhắn rác là do từ trước đến giờ chưa có bất kì cơ quan, tổ chức nào đưa ra được một con số cụ thể để người dân định lượng. "Sau khi đưa ra con số mỗi ngày có 9,8 triệu tin nhắn rác và nhà mạng thu về 3 tỷ đồng, mọi người mới có sự hình dung cụ thể về tình trạng tin nhắn rác hiện đã "khủng khiếp" như thế nào", ông Sơn nói.
Theo Ictnews.vn