|
Bao giờ Việt Nam có thể trở thành nước mạnh về CNTT-TT? Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Rất nhiều lực cản đã và vẫn đang khiến cho “hành trình” trở thành nước mạnh về CNTT-TT của Việt Nam có thể kéo dài hơn dự kiến nếu không sớm được tháo gỡ.
Câu chuyện "đầu tiên - tiền đâu"
“Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT” (còn có tên khác là “Tăng tốc” hoặc “Nước mạnh”) là một “siêu” Đề án bao gồm rất nhiều đề án thành phần liên quan tới các Bộ, ngành, địa phương, được chuẩn bị trong khoảng thời gian dài tới gần 2 năm, và đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt ngày 22/9/2010.
Tuy nhiên, những hào hứng, phấn khích trong giai đoạn xây dựng dự thảo và chính thức phê duyệt Đề án không kéo dài được bao lâu, khi thực tế triển khai vấp phải “lực cản” lớn là nguồn kinh phí.
Trao đổi với phóng viên ICTnews về vấn đề này, đại diện Vụ CNTT, Bộ TT&TT chia sẻ: “Đây là một đề án lớn, mang tính định hướng và chiến lược. Đề án được phê duyệt gồm rất nhiều hoạt động liên quan, bao gồm cả 7 quy hoạch, kế hoạch, chương trình. Trong đó, có một số chương trình, kế hoạch đã phê duyệt và đang triển khai, có một số chương trình, kế hoạch đang trong quá trình xây dựng để trình ban hành. Tại nhiều địa phương, phần lớn các kế hoạch đã được phê duyệt lại chưa được triển khai do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu vẫn tập trung ở khâu xác định nguồn vốn”.
Quay lại thời điểm ban hành Đề án (tháng 9/2010), đây là thời điểm đã hết hạn xây dựng kế hoạch năm 2010 nên không thể “xin” được vốn ngân sách để triển khai. Từ năm 2011 đến nay, cả nước thực hiện chính sách hạn chế đầu tư công theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, nên hầu hết các nhiệm vụ, dự án mới liên quan đến Đề án đều không được phê duyệt kinh phí.
Để có lời giải cho bài toán “đầu tiên – tiền đâu”, Bộ TT&TT đề xuất phương án Chính phủ cho phép một số chương trình, dự án trọng điểm thuộc Đề án không thuộc đối tượng phải áp dụng biện pháp hạn chế đầu tư công theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Còn các Bộ, ngành, địa phương áp dụng cơ chế ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để triển khai các chương trình, dự án trọng điểm thuộc Đề án đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có ý kiến chính thức về việc có phê duyệt hay không những đề xuất vừa nêu.
“Bí” kinh phí vẫn tiếp tục là “điểm nghẽn” khiến tiến độ triển khai các nhiệm vụ, dự án, đề án thành phần của Đề án “Nước mạnh” ở các Bộ, ngành, địa phương chỉ nhúc nhích từng chút một.
Trong các bản kế hoạch, báo cáo năm, quý, tháng của các Bộ, ngành, địa phương (ngoại trừ Bộ TT&TT), hiếm thấy nội dung nào đề cập tới kết quả, thậm chí chỉ là dự kiến triển khai các nhiệm vụ, dự án thành phần của Đề án “Nước mạnh”. Có vẻ như việc triển khai Đề án này vẫn chỉ là nhiệm vụ của riêng Bộ TT&TT, trong khi đúng ra đây là đề án có quy mô quốc gia, để có được một nước mạnh về CNTT-TT thì từng Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, thậm chí từng công dân cũng phải mạnh về CNTT-TT.
Cộng đồng CNTT-TT cùng hiến kế
Không chỉ vấp phải lực cản kinh phí, quá trình triển khai Đề án “Nước mạnh” còn phải đối mặt với khá nhiều thách thức, khó khăn khác. Dưới đây là những ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của cộng đồng CNTT-TT để đẩy nhanh tiến trình đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT.
TS. Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT: "Cần tổng kết hàng năm để "hâm nóng" cộng đồng CNTT-TT"
Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT đã được kỳ vọng là “kim chỉ nam” để những người làm CNTT-TT Việt Nam có nhận thức, hành động đúng đắn và đồng thuận, qua đó sớm đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu trên lĩnh vực CNTT-TT. Tuy nhiên, trên thực tế, gần 3 năm đã qua, dù việc tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức đã được tiến hành khá tốt, nhưng việc tổ chức hành động thì vẫn lúng túng, gần như không đạt được tiến độ như mong muốn. Những gì đã làm được rất khiêm tốn so với những gì có thể làm được. “Bức tranh” chung của đất nước đang có sự phát triển không đều do sự chỉ đạo không đều và quyết tâm không đều.
Để đẩy nhanh hơn tiến độ triển khai Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT, tôi nghĩ quan trọng nhất bây giờ là các cơ quan quản lý Nhà nước cần tổng kết lại những gì đã làm được để rút ra những bài học kinh nghiệm, biểu dương những gương tốt, nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu ở những đơn vị làm chưa tốt, chỉ rõ những vướng mắc, khó khăn đối với quá trình triển khai rồi cùng tìm hướng giải quyết… Ít nhất mỗi năm một lần, vào dịp kỷ niệm ngày Đề án được phê duyệt (22/9), cần phải có tổng kết đánh giá để “hâm nóng” quyết tâm cho cả cộng đồng.
TS. Nguyễn Ái Việt, Viện trưởng Viện CNTT, Đại học Quốc gia Hà Nội: "Thiếu tổ chức "chân rết" như khi triển khai Đề án 112"
Nước mạnh về CNTT-TT cần có các tiêu chí nhận biết như có nhiều sản phẩm có thể xuất khẩu; ứng dụng CNTT phải tiên tiến; về nhân lực thì cả người dùng và người sản xuất đều phải thực sự xuất sắc; về hạ tầng, cần đưa cáp quang tới các xã, hộ gia đình, và có được máy tính giá rẻ.
Nhìn vào thực tế ở Việt Nam thì nhu cầu ứng dụng vẫn thường dừng ở mức tầm tầm; về hạ tầng thì đã nói rất nhiều tới máy tính giá rẻ nhưng Nhà nước vẫn đang phó mặc cho các doanh nghiệp làm theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”...
Quá trình triển khai Đề án vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập như không có cơ chế tài chính, cơ chế tổ chức và chỉ đạo. Tối thiểu cũng phải có được tổ chức “chân rết” toàn quốc như khi triển khai Đề án 112 thì mới có thể làm được.
Ông Lê Văn Lợi, Viện trưởng Viện Tin học Doanh nghiệp, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam: "Nản chí vì dự án nhỏ bị "chặn" dù theo đúng định hướng của Đề án"
Nhìn lại Đề án thấy có hàng loạt nhiệm vụ, dự án thành phần về ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước, trong khi ứng dụng CNTT trong cộng đồng doanh nghiệp thì gần như chẳng có dự án thành phần nào.
Khi Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT được phê duyệt, chúng tôi đã rất kỳ vọng rằng nhờ Đề án này sẽ có thể tiếp tục được phê duyệt triển khai giai đoạn 2 hoặc 1 đề án tương tự như Đề án 191 (Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT-TT phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2005 - 2010” do Chính phủ giao cho Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam - VCCI chủ trì thực hiện). Trong nhiệm vụ thứ 5 nêu trong Đề án “Tăng tốc” cũng đã khẳng định phải “ứng dụng hiệu quả CNTT-TT trong các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước và trong các doanh nghiệp”. Thế nhưng khi chúng tôi bám theo tinh thần đó để xin triển khai giai đoạn 2 của Đề án 191 thì lại không được phê duyệt.
Theo chúng tôi, trong chủ trương lớn như Đề án “Tăng tốc” có rất nhiều chủ trương ở mức thấp hơn, dự án nhỏ hơn. Để hiện thực hóa mục tiêu của đề án lớn thì cần phải thông đường triển khai các dự án nhỏ. Và theo đặc điểm “hiệu ứng domino” vốn có trong hoạt động phát triển ứng dụng CNTT-TT Việt Nam thì khi một chủ trương nhỏ được hỗ trợ triển khai tốt sẽ tạo đà để nhiều chủ trương nhỏ khác noi gương khởi động theo. Còn nếu những đề án nhỏ bị “chặn” thì sẽ dễ gây ra tâm lý nản chí.
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam: "Đột phá nên nhiều thách thức đối với khả năng hiện thực hóa"
Cá nhân tôi đã kỳ vọng nhờ Đề án "Nước mạnh" sẽ có những chính sách cụ thể thật sự ưu đãi cho lĩnh vực CNTT&TT, qua đó đạt được các mục tiêu về truyền dẫn, về nguồn nhân lực và về hoạt động nghiên cứu - phát triển (R&D), sản xuất; “bung” ra nhiều sản phẩm, dịch vụ CNTT-TT Việt Nam gần gũi với đời sống của người dân; tạo bước nhảy vọt đáng kể cho Chính phủ điện tử Việt Nam. Hơn thế, Đề án sẽ động viên được lực lượng CNTT, nâng tầm lĩnh vực CNTT-TT của Việt Nam trong tương quan quốc tế.
Quan điểm chỉ đạo của Đề án là “đột phá” nên các chỉ tiêu đều “cao hơn, nhanh hơn” nhiều so với hiện trạng. Đó chính là thách thức đối với khả năng hiện thực hóa.
Hiện việc triển khai Đề án vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn về việc tổ chức thực hiện đúng kế hoạch, về sự phối hợp đồng bộ, về năng lực quản trị từng chương trình, dự án, về năng lực kiểm soát mục tiêu thật, về chống rủi ro, về khoảng cách pháp lý và văn hóa khi hội nhập quốc tế…
Cơ chế, con người và tài chính là các yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến tính khả thi. Hiện chính sách, cơ chế đã trong tầm tay rồi. Phải có phương pháp t tốt thì hai yếu tố còn lại mới khả thi.
Ông Nguyễn Viết Thế, nguyên Cục trưởng Cục Tin học nghiệp vụ, Bộ Công an: "Năng lực triển khai Đề án Quốc gia còn yếu"
Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT đã được xây dựng khá công phu, đã tổ chức khá nhiều hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, các nhà khoa học và các nhà quản lý. Điều này đảm bảo cho tính khoa học và thực tiễn, tính khả thi của Đề án khi triển khai và khả năng hiện thực hoá các mục tiêu của Đề án đặt ra.
Tuy nhiên, năng lực quản lý và triển khai một đề án quốc gia lớn như vậy ở Việt Nam còn nhiều bất cập, thậm chí có thể nói là yếu kém. Để đảm bảo Đề án thành công, cần có đội ngũ quản trị điều hành chuyên nghiệp giỏi và xây dựng được một nguồn nhân lực CNTT-TT đủ mạnh cả về lượng và chất.
Theo Ictnews.vn