|
Việt Nam khó có thể phát triển CNTT-TT nếu nhân lực CNTT-TT vừa thiếu vừa yếu. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Phát biểu tại Hội nghị đánh giá các Chương trình công nghiệp CNTT đến năm 2012 và định hướng đến năm 2020 diễn ra ngày 7/11/2012, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ thực trạng 3 năm gần đây, lượng sinh viên đăng ký thi vào ngành CNTT của các trường đại học, cao đẳng ngày càng giảm. Mức giảm trung bình 10 - 15%/năm.
Cách đây 5 năm, điểm đầu vào của ngành CNTT thuộc Top 3 trong tổng số các ngành tuyển sinh. Thế nhưng, giờ đã “rớt” xuống Top 8. Rất nhiều trường đã phải giảm điểm đầu vào xuống dưới điểm sàn.
“Với hiện trạng này, khoảng 2 năm nữa, ngành CNTT-TT Việt Nam sẽ phải đối mặt với chuyện giảm chất lượng kỹ sư, cử nhân CNTT ra trường”, ông Tiến nhấn mạnh.
Ông Tiến cũng bày tỏ sự lo lắng về việc thiếu hụt nhân lực làm phần mềm trong thời gian tới. Bởi theo thống kê từ các trường đại học, mỗi năm có khoảng 8.000 - 10.000 nhân lực trẻ làm phần mềm ra trường. Trong khi đó, chỉ riêng FSoft năm 2012 đã tuyển mới 1.200 sinh viên và năm 2013 dự kiến tuyển gần 2.000 em. Với đà tăng trưởng quy mô của FSoft cứ sau 3 năm lại tăng gấp đôi thì việc có đủ nhân lực đáp ứng nhu cầu sẽ tiếp tục là bài toán nan giải.
Những nhận định của ông Tiến có vẻ khá bi quan, nhưng Vụ CNTT của Bộ TT&TT lại công bố những con số, nhận định lạc quan.
Cũng chính tại Hội nghị đánh giá các Chương trình công nghiệp CNTT đến năm 2012 và định hướng đến năm 2020 diễn ra sáng nay, Vụ CNTT lại cho biết nhờ các chính sách và biện pháp thực hiện đồng bộ, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực CNTT, trong đó có công nghiệp phần mềm và nội dung số đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Số lượng cơ sở đào tạo về CNTT tăng lên đáng kể.
Chỉ tiêu đào tạo đại học và cao đẳng ngành CNTT hàng năm đều tăng (từ 2004 đến nay tăng trung bình 1.000 chỉ tiêu/năm. Trong giai đoạn 2007 - 2012 đã xuất hiện một số điển hình về đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên CNTT và đào tạo CNTT bằng ngoại ngữ, nhiều trường đã xây dựng được mô hình hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực CNTT. Bên cạnh hệ thống đào tạo chính quy, đã xuất hiện nhiều trung tâm đào tạo CNTT chất lượng cao.
Vụ CNTT dẫn lời các chuyên gia trong ngành cho rằng so với 3 năm trước đây, chất lượng nguồn nhân lực CNTT đã được cải thiện đáng kể. Về cơ bản, Việt Nam đã chấm dứt tình trạng những doanh nghiệp trong và ngoài nước không thể tuyển được lao động trong lĩnh vực CNTT như các năm trước đây. Chỉ riêng ở một số lĩnh vực đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam mới còn hạn chế về số lượng và chất lượng, chưa thể tham gia thị trường lao động chất lượng cao quốc tế.
Theo Ictnews.vn