Đại học FPT cũng chiếm giữ được một trong ba giải Vàng của cuộc thi với sự nỗ lực của đội tuyển Spear of Triam. Hai giải Vàng còn lại thuộc về đội tuyển HTTP của Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, và đội tuyển Accepters của Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM.
4 giải Bạc thuộc về đội tuyển DiscreteMath của Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, đội tuyển Unknown của Đại học FPT, đội tuyển TNT của Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, đội tuyển Database của Đại học Công nghệ.
4 giải Đồng thuộc về đội tuyển BK_FA của Đại học Bách khoa Tp HCM, đội tuyển ComputerArchitecture của Đại học Công nghệ, đội tuyển GreenHornet của Đại học Nha Trang, và đội tuyển bkVIT của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên ICTNews, ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức kỳ thi lập trình ACM/ICPC Hanoi (dành cho khu vực châu Á) năm 2012 cho biết kỳ thi Quốc gia ngày 27/10 vừa qua được tổ chức trực tuyến (online) theo quy định của Ban Tổ chức khu vực châu Á nhằm chuẩn bị cho kỳ thi ACM/ICPC Hanoi sẽ diễn ra ngày 29 - 30/11/2012 tại Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Đã có 233 đội tuyển với 700 thành viên (sinh viên lập trình - coder) đăng ký tham dự kỳ thi trực tuyến lần đầu tiên này tại Việt Nam, trong đó 84 đội thi tại Hà Nội, 78 đội thi ở TP.HCM, và các đội còn lại thi ở Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang, Cần Thơ, Hưng Yên.
Căn cứ vào kết của cuộc thi ngày 27/10, 91 đội tuyển giải được từ 2 bài trở lên được quyền đăng ký thi đấu vòng khu vực Châu Á - ACM/ICPC Hanoi 2012. Ngoài ra, Ban Tổ chức sẽ chọn thêm từ 10 đến 15 đội tuyển đã ít nhất giải được 1 bài, và giành 2 “suất” cho các trường có đội tuyển lần đầu đăng ký thi ACM/ICPC và Olympic Tin học năm 2012.
Theo ông Long, một trong những yếu tố đem lại sự thành công trong lần đầu tổ chức online cuộc thi ACM/ICPC quốc gia vừa qua là sự hỗ trợ cho khâu ra đề thi của các cựu Siêu Cup OPL Tin học Sinh viên Việt Nam các năm trước cũng như các cựu sinh viên đoạt giải ACM/ICPC đang làm việc trong nước và nước ngoài; cũng như sự hỗ trợ về kỹ thuật của FPT cho một cuộc thi trực tuyến.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Long cũng cảm thấy hơi buồn khi cả nước có 290 trường đại học, cao đẳng về CNTT nhưng chỉ có 53 trường cử đội tuyển tham gia kỳ thi lập trình ACM/ICPC Quốc gia. Một số trường chuyên đào tạo CNTT như trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt – Hàn và một số trung tâm đào tạo CNTT có tên tuổi cũng không có sinh viên dự thi.
"Giải thuật và lập trình là nền tảng cơ bản trong đào tạo CNTT. Thiết nghĩ các trường có đào tạo ngành CNTT nên suy nghĩ lại điều này. Đặc biệt, khối sư phạm cũng không còn nhiều trường tham gia kỳ thi lập trình, điều này khiến tôi lo lắng cho việc bổ sung nguồn lực sẽ đào tạo môn Tin học ở bậc phổ thông với nền tảng thuật toán và lập trình", ông Long chia sẻ thêm.
OLP’12 và ACM/ICPC Hà Nội dự kiến sẽ tụ hội của gần 1000 sinh viên CNTT-TT ưu tú từ gần 100 trường Đại học và Cao đẳng đến từ khắp mọi miền đất nước và quốc tế, trong đó có gần 20 đội tuyển sinh viên từ các trường đại học danh tiếng của Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Indonesia, Thai lan Philippin và Singapore. Sau kỳ thi ACM/ICPC Châu Á tại Đại học Công nghiệp Hà Nội, sẽ có 1 - 2 đội tuyển được lựa chọn vào Chung kết ACM/ICPC toàn cầu tổ chức tại St. Petersburg - Nga vào 6/2013.
Mọi thông tin về kỳ thi ACM/ICPC ở Việt Nam năm nay được cập nhật liên tục tại http://www.facebook.com/acmicpc.vietnam.
|
BM