Thứ tư, 15/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 29/10/2012
Viettel, VNPT bị ảnh hưởng nặng do bão Sơn Tinh

Hai doanh nghiệp viễn thông lớn nhất là Viettel và VNPT đều bị ảnh hưởng nặng như đứt cáp, gẫy cột do bão Sơn Tinh. Hiện cả hai doanh nghiệp này đang thống kê thiệt hại do cơn bão này gây ra.

ac1.jpg
Nhiều nơi cột ăng ten bị đổ do bão Sơn Tinh. Ảnh: VnExpress

VNPT cho biết, chiều và đêm ngày 28/10/2012, bão Sơn Tinh (bão số 8) đã ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh. Trong đó đặc biệt gió bão mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14 cùng mưa rất to đã ảnh hưởng trực tiếp đến Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình. 

VNPT cho biết, bão số 8 có cấp độ lớn cùng với mưa rất to, điện lưới mất trên diện rộng đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến mạng lưới của các đơn vị. Tuy nhiên các tuyến truyền dẫn trục nội tỉnh cơ bản được đảm bảo, đảm bảo thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền. Theo báo cáo sơ bộ, tính đến sáng nay (29/10), các địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của cơn bão gồm Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh đã bị đổ một số cột Anten tại các trạm BTS, đứt một số đoạn cáp quang do cây đổ, cột đổ… Hiện nay VNPT đang tiếp tục tăng cường trực chỉ đạo các đơn vị khắc phục hậu quả bão lụt và rà soát, thống kê các trạm BTS quan trọng bị mất liên lạc để khẩn trương xử lý, khắc phục.

Trước đó, ngày 26/10/2012, Thường trực PCLB đã có điện gửi các công ty dọc, đơn vị bảo dưỡng, Bưu điện Trung ương và VNPT các tỉnh có nguy cơ ảnh hưởng của bão yêu cầu tổ chức trực, triển khai công tác chuẩn bị phòng chống bão số 8. Trong đó đặc biệt lưu ý việc kiểm tra thiết bị dự phòng, xăng dầu, máy nổ, thử thiết bị thông tin vệ tinh Inmasat, và tổ chức thông tin phục vụ công tác chỉ đạo. Tối 26/10/2012, Thường trực PCLB đã chỉ đạo Bưu điện Trung ương điều động xe thông tin cơ động (1 thiết bị Inmarsat tự bám, 3 thiết bị Inmarsat Bgan, 2 thiết bị Isatphone và thiết bị VTSN) vào Hà Tĩnh phục vụ đoàn công tác của Ban chỉ đạo PCLBTW do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát dẫn đầu kiểm tra, chỉ đạo điều hành phòng chống bão số 8 tại Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình.

Ngày 27/10 VNPT các tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng chống bão; tổ chức các đoàn kiểm tra xuống các đơn vị cơ sở, các vị trí trọng điểm. Đồng thời tăng cường lực lượng ứng trực sẵn sàng xử lý, ứng cứu thông tin, kiểm tra, thử tốt các thiết bị thông tin vệ tinh Inmarsat. Ngày 28/10 VNPT Thanh Hóa đã lập Sở chỉ huy ứng phó báo số 8 tại Nga Sơn, Thanh Hóa.

Trao đổi với ICTnews sáng nay, ông Tào Đức Thắng, Giám đốc Công ty Mạng lưới của Viettel cho biết, bão số 8 đã gây ra sự cố đứt cáp, gẫy cột thu phát sóng di động ở nhiều nơi. Trong đó, Viettel bị thiệt hại nặng nhất ở Nam Định. Hiện Viettel đang khẩn trương khắc phục sự cố này.

Tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Minh Hồng, Giám đốc Sở TT&TT cho ICTnews biết, nước lũ dâng cao và mưa, gió lớn đã gây mất điện trên diện rộng đã gây ảnh hưởng đến hoạt động của mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê sơ bộ, Viettel tại Quảng Ninh bị đứt tuyến cáp quang tại một số nơi như Bình Miêu, Đầm Hà, Uông Bí. Đồng thời, Viettel có 363 trạm BTS bị mất điện lưới, VNPT có 161 trạm BTS bị mất điện lưới, phải xử lý bằng chạy máy phát điện. Thêm vào đó, cột ăng-ten cao 15 mét của Đài Phát thanh Truyền hình thị xã Quảng Yên đã bị gió quật gẫy.

Từ suốt đêm 28/10 cho đến sáng ngày 29/10, do mưa to, nước trên nguồn đổ về đã khiến nước sông Ba Chẽ đoạn chảy qua thị trấn Ba Chẽ dâng cao. Tại Bưu điện huyện Ba Chẽ, nước đã ngập đến tầng 1 tuy nhiên không gây ảnh hưởng nghiêm trọng do việc di dời thiết bị lên tầng 2 đã được thực hiện kịp thời.

Ông Nguyễn Minh Hồng cho biết, hiện cơn bão số 8 đã đi qua tỉnh Quảng Ninh, các đơn vị chức năng và doanh nghiệp viễn thông đang tích cực phối hợp, triển khai các biện pháp cấp bách để có thể khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất.

ICTnews sẽ tiếp tục cập nhật về tình hình thiệt hại do bão Sơn Tinh gây ra tại đây.

15h 

Theo thông tin ICTnews nhận được vào đầu giờ chiều nay từ ông Lê Thế Lữ, Phó Giám đốc Sở TT&TT Thanh Hóa thì trong các ngày 28-29/10/2012, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 531 trạm thu phát sóng thông tin di động bị mất điện lưới; các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai phương án chạy máy nổ luân phiên để đảm bảo cấp nguồn cho các trạm trung tâm, khu vực trọng điểm và các khu vực đông dân cư. Tuy nhiên trong đêm 28/10/2012, vẫn có 74 trạm mất liên lạc luân phiên ở các vùng sâu, vùng xa, khu vực dung lượng thấp, do mất nguồn điện lưới AC. Đến 13h ngày 29/10/2012 các trạm thu phát sóng thông tin di dộng đã hoạt động bình thường.

Tính đến trưa nay, 29/10/2012, cơn bão số 8 đã làm gãy, đổ 100 cột bê tông (treo cáp) tại các huyện Thạch Thành, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hà Trung; đứt hỏng 500m cáp quang loại 12 sợi; trên 500 thuê bao cố định hữu tuyến đã bị mất liên lạc do đứt dây thuê bao.

Được biết, để chuẩn bị phòng chống bão số 8, Sở TT&TT Thanh Hóa đã ban hành các văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng văn hóa và thông tin triển khai phương án đảm bảo thông tin liên lạc trên địa bàn các huyện; chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông triển khai các phương án đảm bảo thông tin liên lạc, đặc biệt tại các khu vực trọng yếu có khả năng gây sạt lở đất, lũ quét, gây ngập úng; chỉ đạo Đài Thông tin duyên hải Thanh Hoá phối hợp với Đồn Biên phòng, UBND các huyện, thị xã ven biển thông báo, kêu gọi và hướng dẫn các tàu thuyền đang hoạt động trên biển về đất liền hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn; duy trì nghiêm chế độ trực canh thông tin cấp cứu - khẩn cấp; tổ chức thường trực tại Văn phòng Sở 24/24h trong ngày để nắm bắt, chỉ đạo điều hành đảm bảo thông tin liên lạc, sẵn sàng điều phối, xử lý kịp thời các tình huống mất liên lạc xảy ra. Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông cũng đã tổ chức lực lượng giao thông hỏa tốc tại trung tâm Bưu điện tỉnh, các bưu điện huyện; huy động bổ sung lực lượng thường trực sẵn xử lý ứng cứu tại huyện Bá Thước, Quan Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc, sẵn sàng ứng cứu kịp thời các tình huống xảy ra. 

Tại Nam Định, theo ông Nguyễn Mạnh Hiền – Giám đốc Sở TT&TT, Nam Định là một trong những địa phương nằm trong tâm bão số 8 nên khi đi qua, cơn bão đã gây ảnh hưởng nặng nề. Trao đổi với ICTnews lúc 1h chiều nay, ông Hiền dẫn thống kê ban đầu do Sở cập nhật cho thấy: Nam Định đã có 35 trạm BTS bị đổ (trong đó VNPT có 17 trạm, Viettel 11 trạm, có trạm đổ vào nhà dân gây hư hại…), 63 tuyến cáp quang bị đứt, hàng nghìn cột treo cáp quang và cáp đồng đến các xã đã bị đổ gãy.

Những địa phương bị thiệt hại nặng nhất là các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Trực Ninh…

Riêng tháp truyền hình cao 180 mét (cao nhất miền Bắc) của Đài Phát thanh Truyền hình Nam Định đã bị đổ sập vào tối 28/10, hiện tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị chức năng gấp rút khắc phục để chậm nhất là đến tối nay sóng truyền hình của tỉnh sẽ truyền phát trở lại.

“Tỉnh đang chỉ đạo một số phương án khắc phục như chuyển tiếp qua kênh truyền hình cáp Nam Định, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam treo thiết bị phát ở phạm vi hẹp, đồng thời thực hiện khắc phục, sửa chữa cột truyền hình đã đổ”, ông Nguyễn Mạnh Hiền nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hiền, con số thiệt hại ước tính hiện đã lên hàng trăm tỷ đồng và khả năng sẽ còn cao hơn do đến nay công tác thống kê vẫn đang được cập nhật. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn do điện vẫn bị mất trên diện rộng khiến điện thoại cố định bị tê liệt, điện thoại di động không sạc được.

Tại Ninh Bình, ông Trần Đức Mạnh, Phó phòng Viễn thông, Sở TT&TT Ninh Bình cho biết bão số 8 đã khiến 30 trạm BTS không hoạt động được, hơn 6.000 thuê bao cố định bị mất liên lạc, hơn 1.000 thuê bao Internet bị mất liên lạc; 60 cột treo cáp bị gãy, 160 cột bị nghiêng, 25 tuyến cáp quang và 61 tuyến cáp đồng bị đứt, 150 hộp tủ cáp bị hỏng, 2 bộ tập trung thuê bao bị hỏng. Nhìn chung thì Viettel có tỷ lệ thuê bao điện thoại mất sóng liên lạc nhiều hơn cả, còn Viễn thông Ninh Bình (VinaPhone) có thiệt hại lớn hơn các “nhà mạng” khác về số lượng cột, hộp cáp bị gãy, hỏng. Địa bàn có tỷ lệ thuê bao điện thoại mất liên lạc nhiều nhất là các huyện Yên Khánh, Kim Sơn.

Theo Ictnews.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0