|
Tính đến 1/6/2010, mật độ điện thoại cố định vùng công ích đạt 16 máy/100 dân (vượt mục tiêu đề ra là 5 máy/100 dân). |
Lần đầu tiên chính sách VTCI đi vào thực tiễn
Năm 2002, Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông ra đời tạo cơ sở pháp lý cho viễn thông Việt Nam mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế và bắt đầu có sự cạnh tranh. Đến năm 2004 đã có 6 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông là: Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty CP Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT), Công ty CP Viễn thông Hà Nội (Hà Nội Telecom), Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVN Telecom), Công ty Thông tin Điện tử Viễn thông hàng hải (Vishipel).
Vào thời điểm đó, mặc dù viễn thông có tốc độ phát triển nhanh nhưng mức độ phổ cập dịch vụ còn thấp, không đồng đều giữa các vùng, miền. Đến năm 2004, mật độ điện thoại cả nước mới đạt khoảng 10 máy/100 dân. Trong đó vùng nông thôn đạt khoảng 3,5 máy/100 dân; vùng sâu, vùng xa, núi cao, biên giới, biển đảo có nơi chưa tới 1 máy/100 dân. Cả nước còn gần 600 xã chưa có thông tin điện thoại. Dịch vụ Internet mới ở thời kỳ đầu, chất lượng thấp, ở vùng nông thôn hầu như chưa có.
Khi đó, Nhà nước chưa có chính sách cụ thể về phân định giữa hoạt động kinh doanh và nghĩa vụ công ích của các doanh nghiệp viễn thông. Nhà nước giao cho VNPT thực hiện cung cấp dịch vụ viễn thông công ích (VTCI) với phương thức tự bù chéo giữa các dịch vụ, các vùng là chủ yếu. Điều này dẫn đến nghịch lý là những thị trường có lợi nhuận cao, dễ đầu tư hạ tầng thì có cạnh tranh rất mạnh. Còn ở vùng sâu, vùng xa việc đầu tư hạ tầng tốn chi phí lớn, doanh thu thấp thì chỉ có một mình VNPT đầu tư và chịu lỗ. Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi phải có sự tách biệt rõ ràng và minh bạch giữa kinh doanh về viễn thông nói chung của doanh nghiệp với việc thực hiện nghĩa vụ của Nhà nước về VTCI nói riêng. Bối cảnh đó đòi hỏi Nhà nước cần có chính sách để phát triển viễn thông bền vững, trong đó có chính sách về VTCI.
Trước thực tế khả năng tiếp cận dịch vụ của các khu vực trong cả nước chênh lệch khá lớn, mật độ điện thoại tại nhiều khu vực thấp dưới 2,5 máy/100 dân và dự kiến khả năng phát triển của thị trường viễn thông, Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) đã phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng chính sách cung cấp dịch vụ VTCI trên 2 quan điểm: Một là, đẩy mạnh phổ cập dịch vụ điện thoại cố định tại các khu vực có mật độ dưới 2,5 máy/100 dân để nâng mật độ chung của cả vùng công ích lên trên 5 máy/100 dân; Hai là, tạo cơ hội để người dân tại khu vực khó khăn được tiếp cận và sử dụng dịch vụ viễn thông (kể cả những vùng rất khó phát triển thuê bao cá nhân, hộ gia đình thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp duy trì các điểm truy nhập viễn thông công cộng).
Ngày 7/4/2006 ,Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 74/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ VTCI đến năm 2010 (Chương trình 74). Mục tiêu tổng thể là: Đẩy nhanh việc phổ cập các dịch vụ viễn thông và Internet đến mọi người dân . Trong đó, tập trung phát triển phổ cập dịch vụ cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, nhằm rút ngắn khoảng cách về sử dụng dịch vụ viễn thông và Internet giữa các vùng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Điện thoại, Internet về thôn, bản
Chương trình 74 đặt ra 3 nhiệm vụ chính là: Hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông và các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng. Hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông chi phí duy trì cung ứng dịch vụ VTCI. Hỗ trợ các nhiệm vụ công ích khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, các doanh nghiệp viễn thông được sử dụng nguồn vốn từ Quỹ Dịch vụ VTCI để xây dựng hạ tầng và cung cấp Dịch vụ viễn thông phổ cập, bao gồm: điện thoại tiêu chuẩn, Internet tiêu chuẩn và dịch vụ viễn thông bắt buộc tới các huyện có mật độ điện thoại cố định thấp hơn 2,5 máy/100 dân, tới các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Khi đó, mọi người dân có khả năng truy nhập dịch vụ VTCI tại các điểm truy nhập viễn thông công cộng và các chủ thuê bao là những cá nhân, hộ gia đình sinh sống tại các khu vực được cung cấp dịch vụ VTCI. Chương trình đặt mục tiêu sẽ nâng mật độ sử dụng điện thoại cố định ở vùng công ích lên 5 máy/100 dân.
Với khoản kinh phí hơn 5.100 tỷ đồng, đến cuối năm 2010, dịch vụ VTCI đã cung cấp tới 203 huyện và 904 xã (ngoài 203 huyện trên) và 41 đảo xa bờ. Với tổng số 4.349 xã và 41 đảo xa bờ (chiếm tỷ lệ 39% số đơn vị hành chính cấp xã) và hơn 20 triệu người (chiếm tỷ lệ 24% dân số cả nước). Tính đến 31/12/2010 đã có 318 điểm truy nhập viễn thông công cộng tại các đồn biên phòng và đơn vị quốc phòng, đạt 53,36% kế hoạch; hỗ trợ duy trì 16 đài thông tin duyên hải phục vụ nghề cá.
Mật độ điện thoại ở các địa phương thuộc vùng được cung cấp dịch vụ VTCI đạt trên 16 máy/100 dân (gấp 3 lần mục tiêu là 5 máy/100 dân), đã có 40% số hộ dân trong vùng công ích có điện thoại cố định. Tỷ lệ xã có điểm truy nhập điện thoại công cộng là khoảng 97% (chỉ còn một số xã mới được tách, thành lập và khó khăn đặc biệt), mọi người dân trong vùng công ích được truy nhập miễn phí khi sử dụng các dịch vụ viễn thông bắt buộc. Đối với người dân còn khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ viễn thông cơ bản cũng có thể sử dụng dịch vụ tại hơn 3.000 điểm truy nhập viễn thông công cộng.
Chương trình 74 là động lực, là biện pháp kích cầu của Nhà nước để các doanh nghiệp phát triển hạ tầng viễn thông hiện đại ở những vùng khó khăn. Nhờ vậy mà 96% số xã đã có đường truyền cáp quang, 90% số xã có cáp đồng; vùng phủ sóng thông tin di động 2G và tiến tới là 3G đã đến hầu hết các khu dân cư trên cả nước (99% số xã có điện thoại cố định không dây).
Chương trình 74 còn có ý nghĩa quan trọng, đó là lần đầu tiên ở nước ta đã tách bạch rõ ràng về nghĩa vụ và quyền lợi của các doanh nghiệp viễn thông trong cung cấp dịch vụ VTCI, góp phần bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Danh mục dịch vụ VTCI bao gồm:
a. Dịch vụ viễn thông phổ cập:
- Dịch vụ điện thoại tiêu chuẩn;
- Dịch vụ truy nhập Internet tiêu chuẩn.
b. Dịch vụ viễn thông bắt buộc:
- Liên lạc khẩn cấp về cấp cứu y tế (115), cứu hoả (114), công an (113);
- Trợ giúp tra cứu số thuê bao nội hạt (116);
- Các dịch vụ viễn thông và Internet do Bộ TT&TT yêu cầu doanh nghiệp phục vụ theo đối tượng, phương thức liên lạc, phạm vi liên lạc, trong thời gian cụ thể đối với các trường hợp khẩn cấp sau:
+ Khẩn cấp về quốc phòng, an ninh;
+ Khẩn cấp phục vụ chống lụt, bão, hỏa hoạn, thiên tai, thảm họa khác;
+ Khẩn cấp phục vụ phòng chống dịch bệnh;
+ Khẩn cấp phục vụ tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ;
+ Hoạt động điều hành, ứng cứu khẩn cấp sự cố nhằm đảm bảo an toàn của mạng lưới viễn thông và Internet;
+ Các liên lạc khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
*Mục tiêu đến năm 2010:
+ Mật độ điện thoại cố định tại các vùng được cung cấp dịch vụ VTCI đạt trên 5 máy/100 dân;
+ 100% số xã trên toàn quốc có điểm truy nhập dịch vụ điện thoại công cộng;
+ 70% số xã trên toàn quốc có điểm truy nhập dịch vụ Internet công cộng;
+ Mọi người dân được truy nhập miễn phí khi sử dụng các dịch vụ viễn thông bắt buộc.
*Các chỉ tiêu hoàn thành:
- Tính đến 1/6/2010, mật độ điện thoại cố định vùng công ích đạt 16 máy/100 dân (vượt mục tiêu đề ra là 5 máy/100 dân).
- Tỷ lệ số xã có điểm truy nhập điện thoại công cộng đạt khoảng 97%; hoàn thành cơ bản mục tiêu 100% xã có điểm truy nhập điện thoại công cộng.
*Các chỉ tiêu chưa hoàn thành:
- Tỷ lệ số xã trên toàn quốc có điểm truy nhập Internet công cộng đạt 55%, (chưa hoàn thành mục tiêu đề ra là 70%).
- Chỉ tiêu về mật độ thuê bao điện thoại cố định đạt cao nhưng không đều. Tại thời điểm 01/6/2010 cả nước còn 21 xã chưa có điện thoại cố định tới các hộ gia đình, 4 huyện có mật độ dưới 5 máy/100 người dân.
- Còn 5% số xã ở vùng nông thôn chưa có cáp quang, 4,5% số xã vùng nông thôn chưa được phủ sóng thông tin di động, 12,4% số xã ở vùng nông thôn chưa có tuyến cáp đồng.
Theo Ictnews.vn