Bạn biết thông tin về Hội Tin học Việt Nam thông qua?
Cập nhật: 17/10/2012
Huawei, ZTE ồ ạt vào VN: Cơ chế “không chọn không được”!
Giá bỏ thầu của họ cạnh tranh nhất, thiết bị quá rẻ, các nhà cung cấp khác không đấu lại được, trong khi, cơ chế đấu thầu của mình thì không chọn họ không được.
Phó giám đốc một nhà mạng lớn cho biết, phần hạ tầng quan trọng nhất là hệ thống chuyển mạch thì hoàn toàn không có thiết bị của Huawei và ZTE.
Lãnh đạo một nhà mạng lớn đã lý giải như vậy về việc các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam phần lớn sử dụng các thiết bị hạ tầng mạng của hai nhà cung cấp Huawei và ZTE (Trung Quốc) để xây dựng, phát triển hệ thống mạng lưới viễn thông của mình.
Giá quá rẻ
Năm 1998, Huawei thành lập văn phòng đại điện tại Việt Nam và đến năm 2008 hãng công nghệ này chính thức thành lập Công ty TNHH Công nghệ Huawei Việt Nam và từ đây Huawei “có đóng góp quan trọng vào sự phát triển bùng nổ của ngành viễn thông Việt Nam”, như lời Huawei Việt Nam tự giới thiệu.
Các giải pháp công nghệ do Huawei cung cấp đã và đang phục vụ cho hoạt động của đa số các mạng viễn thông di động Việt, và theo khẳng định của Huawei là “an toàn, ổn định và chưa từng xảy ra một sự cố lớn nào gây mất an toàn, an ninh mạng của các mạng viễn thông Việt Nam”.
Với cơ chế đấu thầu của mình, chúng tôi không chọn họ không được, vì nếu sau này thanh tra “sờ” đến, doanh nghiệp sẽ không biết giải trình kiểu gì! Lãnh đạo một nhà mạng viễn thông trong nước cho biết.
Trước khi Huawei hay ZTE ồ ạt vào Việt Nam, các nhà mạng viễn thông trong nước, trước đây, chủ yếu sử dụng các thiết bị hạ tầng mạng của các tập đoàn (thuộc các nước phát triển trong nhóm G7) như Motorola, Siemens, Ericsson… nhưng sau đó, phần lớn thiết bị hạ tầng mạng của các tập đoàn trên nhanh chóng được thay thế bởi thiết bị của Huawei và ZTE.
“Các tập đoàn trên thế giới đã không thể cạnh tranh được với giá bỏ thầu của các nhà cung cấp của Trung Quốc, giá thiết bị của họ quá cạnh tranh, chỉ bằng 40 - 50% so với giá trên thị trường”, vị lãnh đạo nhà mạng trên lý giải về nguyên do dẫn đến việc sử dụng thiết bị hạ tầng mạng của Huawei và ZTE.
Ông giải thích, vì giá bỏ thầu của họ quá rẻ, trong khi việc đầu tư, xây dựng phát triển hạ tầng mạng của các doanh nghiệp (đều là doanh nghiệp Nhà nước - PV) đều dựa trên cơ chế đấu thầu để lựa chọn nhà cung cấp thiết bị. Vì thế, “với cơ chế đấu thầu của mình, chúng tôi không chọn họ không được, vì nếu sau này thanh tra “sờ” đến, doanh nghiệp sẽ không biết giải trình kiểu gì!”.
Số thiết bị viễn thông của Huawei và ZTE ồ ạt vào Việt Nam đến giờ vẫn chưa có một con số thống kê cụ thể. Vì thế, bao nhiêu phần trăm thiết bị trên toàn hệ thống mạng của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đang sử dụng của Huawei và ZTE là một câu hỏi được đặt ra.
Một số thông tin không chính thức cho rằng, số thiết bị của Huawei và ZTE chiếm tới 70 - 80% trên toàn hệ thống mạng của các doanh nghiệp viễn thông. Tuy nhiên, phó giám đốc một nhà mạng lớn khẳng định, tỷ lệ thiết bị của Huawei và ZTE trên hệ thống mạng chỉ chiếm khoảng 40 - 50%, và phần hạ tầng quan trọng nhất là hệ thống chuyển mạch thì hoàn toàn không có thiết bị của Huawei và ZTE.
“Phần thiết bị này nhà mạng tuyệt đối chỉ sử dụng sản phẩm của các nước phát triển”, vị phó giám đốc này cho biết.
Theo ông, các thiết bị của Huawei và ZTE mà nhà mạng đang sử dụng trên hệ thống mạng chủ yếu là hệ thống trạm BTS, nên mức độ liên quan đến bảo mật an ninh, nếu có, cũng không quá nghiêm trọng như hệ thống chuyển mạch. Sẽ đề phòng
“Mặc dù các nhà mạng đều có ý thức trong việc sử dụng các thiết bị của các đối tác ngoại, nhưng vì yếu tố giá cả nên mỗi doanh nghiệp, ở từng mức độ khác nhau đều đã nhập thiết bị của đối tác về đầu tư hạ tầng mạng lưới và cung cấp thiết bị tiêu dùng”, vị phó giám đốc của một nhà mạng khác nói.
Ngoài thiết bị hạ tầng mạng, trên thị trường Việt Nam, Huawei và ZTE còn hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông cung cấp ra thị trường các thiết bị đầu cuối như USB 3G, điện thoại giá rẻ, modem phát Wi-fi … trong đó, đặc biệt là các thiết bị USB 3G, cơ bản là của hai doanh nghiệp này.
Hiện tại, mặc dù Viettel, nhà mạng đầu tiên của Việt Nam công bố đã sản xuất được USB 3G và có thể bắt đầu chủ động về nguồn thiết bị này, tuy nhiên, một chuyên gia công nghệ cho rằng, trong USB 3G có rất nhiều chi tiết và chi tiết quan trọng nhất là chip và khả năng phần chi tiết này Viettel vẫn phải nhập của đối tác Trung Quốc nên việc đảm bảo an toàn tuyệt đối hoàn toàn chưa thể khẳng định được.
Nhà nước cần phải có những đổi mới về cơ chế đấu thầu để doanh nghiệp không phải chọn nhà thầu có giá thấp nhất.
Đại diện nhiều doanh nghiệp viễn thông cho rằng, hiện chưa có bằng chứng cụ thể khẳng định sử dụng các thiết bị điện tử cũng như các linh kiện của Huawei hay ZTE có khả năng bị lộ thông tin cá nhân hay liên quan đến vấn đề an ninh.
Phó giám đốc một nhà mạng thừa nhận, không chỉ đối với các thiết bị hạ tầng mạng mà cả các thiết bị đầu cuối, nhìn cấu trúc và thực thể bên ngoài, sản phẩm Huawei và ZTE có chất lượng khá tốt và giá rẻ, tuy nhiên, vấn đề an ninh bên trong thì doanh nghiệp không thể biết được và cũng không dám chắc là tuyệt đối không sao, vì những yếu tố này chưa thể hiện ra bên ngoài.
Theo ông, muốn biết được các thiết bị của Huawei và ZTE có liên quan đến vấn đề an ninh hay không thì phải cần tới sự phân tích, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ông này cho rằng, với những thông tin rộ lên về Huawei và ZTE gần đây, thời gian tới, nhà mạng cũng sẽ đề phòng, tính toán cẩn thận trước khi sử dụng các thiết bị của các nhà cung cấp này.
Ngoài việc các doanh nghiệp viễn thông có thể chủ động lựa chọn nhà cung cấp về thiết bị đầu cuối, tuy nhiên với các phần thiết bị hạ tầng mạng mà được triển khai theo cơ chế đấu thầu thì theo vị phó giám đốc trên, Nhà nước cần phải có những đổi mới về cơ chế đấu thầu để doanh nghiệp không phải chọn nhà thầu có giá thấp nhất. Hoặc, theo ông, phải có định hướng, chỉ đạo của cấp trên về quy chuẩn trong việc lựa chọn nhà cung cấp thiết bị hạ tầng mạng, để doanh nghiệp lấy đó làm cơ sở thực hiện.
HỘI TIN HỌC VIỆT
NAM Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông
Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All
rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet
JSC) - Powered by MVC-Web CMS
2.0