Thứ bảy, 20/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 13/10/2012
Một thương hiệu Việt mới trong CNTT

Trong khi nhiều công ty làm phần mềm ở Việt Nam hiện nay xoay xở tồn tại bằng cách gia công phần mềm, hoặc phân phối lại sản phẩm của nước ngoài, thậm chí tệ hơn là sao chép sản phẩm của nhau, iNet Solutions Corp. là một trong số ít doanh nghiệp đi theo một con đường khác đầy thử thách.
Đó là tự lực đầu tư nghiên cứu để cung cấp những chuỗi sản phẩm đa dạng, phục vụ nhiều đối tượng, bao gồm cả khối cơ quan Nhà nước lẫn các doanh nghiệp.


Với năng lực của mình, những kỹ sư của iNet Solutions Corp. (Công ty CP Tin học Giải pháp tích hợp mở) hoàn toàn có thể đi làm gia công phần mềm cho nước ngoài để hưởng mức thu nhập dư dả hơn rất nhiều, cao khoảng gấp đôi mức lương mà họ hiện đang được trả, theo lời Lương Quang Tùng – Giám đốc Kinh doanh sản phẩm phục vụ khối cơ quan Nhà nước của iNet Solutions. Nhưng mức lương hiện nay đã là tương đối cao so với trước đây khi công ty gặp rất nhiều khó khăn. Đó là thời kỳ CEO Nguyễn Văn Hiền của iNet Solutions – người từng hi sinh công việc ổn định thu nhập cao ở Mỹ để về thành lập công ty ở Việt Nam năm 2006 – phải bán đi một số bất động sản là tài sản cá nhân của anh để nuôi công ty, vừa đủ trả cho nhân viên mức thu nhập hết sức tối thiểu.

Câu chuyện về những doanh nhân phải bán tài sản cá nhân để nuôi doanh nghiệp không phải là hiếm ở Việt Nam, nhất là trong giai đoạn kinh tế trong nước và thế giới cùng gặp khó khăn như những năm vừa qua, nhưng điều gây ấn tượng ở iNet Solutions là sự đồng lòng của toàn công ty, từ CEO tới tất cả tập thể nhân viên, cùng chấp nhận những thử thách và thiệt thòi để hướng tới một mục đích chung không thuần túy giá trị vật chất. “Điều chúng tôi mong muốn là làm ra thương hiệu sản phẩm CNTT riêng của người Việt”, anh Tùng nói.

Với mong muốn hướng tới tính độc lập và bản sắc riêng trong công nghệ như vậy, các sản phẩm của iNet Solutions đều được dựa trên nền tảng mã nguồn mở thay vì dùng những nền tảng hoàn chỉnh có sẵn của các tập đoàn lớn trên thế giới như IBM hay Oracle. Điều này khiến doanh nghiệp phải kéo dài thời gian nghiên cứu và phát triển ban đầu để hoàn chỉnh công nghệ. Nhưng bù lại, sau khi vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, họ có được một nền tảng công nghệ riêng biệt, có tính tự chủ cao. Đến nay, iNet Solutions đã đi vào quỹ đạo phát triển ổn định, với nguồn doanh thu lên tới hàng chục tỷ đồng – không phải là nhỏ so với một doanh nghiệp CNTT chỉ vẻn vẹn 25 người. Cơ cấu hoạt động và đầu tư của doanh nghiệp khá ổn định với 30% doanh thu được dành cho đầu tư R&D, và 18 người thường xuyên làm công tác nghiên cứu.

Phục vụ khối cơ quan Nhà nước từ nền tảng nguồn mở

Do làm chủ được nền tảng công nghệ nên iNet Solutions không phải e ngại việc nền tảng cho các sản phẩm của mình bị lệ thuộc và can thiệp bởi nước ngoài. Đây là một ưu điểm quan trọng, đặc biệt là đối với những sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ khối cơ quan Nhà nước ở Việt Nam. Đồng thời, giá những sản phẩm của công ty cũng thấp hơn nhiều lần so với giá các sản phẩm tương đương của nước ngoài do hoàn toàn dựa trên kết quả tự lực nghiên cứu, không hề phải mua lại bản quyền sở hữu trí tuệ của nơi khác.

Hiện nay, các sản phẩm của iNet Solutions đã phục vụ cho các cơ quan Nhà nước ở các tỉnh Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Tây Ninh, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai. 4 sản phẩm chủ đạo phục vụ khối cơ quan Nhà nước của công ty bao gồm iDesk (văn phòng điện tử), iOneGate (hệ thống một cửa điện tử), iMail (hệ thống thư điện tử), và iCloudPlatform (hệ thống tích hợp nhiều ứng dụng trên nền tảng ‘điện toán đám mây cục bộ’). Đây là những sản phẩm hữu ích, giúp các cơ quan Nhà nước tiết kiệm được thời gian và các nguồn lực so với cách quản lý thuần túy trên giấy tờ.

Hệ thống văn phòng điện tử iDesk giúp các nhà quản lý có thể khai thác, tra cứu dữ liệu một cách nhanh chóng và tiện dụng, ví dụ như những cán bộ xuống địa phương tiếp dân chỉ cần phải mang theo một máy laptop là có thể truy cập được toàn bộ những dữ liệu cần thiết, thay vì phải ôm theo toàn bộ hồ sơ trên giấy. Còn với iOneGate, hệ thống một cửa điện tử này cho phép các nhà quản lý cũng như người dân đều có thể liên tục theo dõi được hồ sơ các vụ việc đang nằm ở đâu, do ai đang phụ trách, qua đó giúp tăng tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý Nhà nước, và tăng khả năng giám sát của người dân.

Mở rộng sang các sản phẩm phục vụ doanh nghiệp

Trong giai đoạn 2006 – 2010, iNet Solutions chỉ tập trung vào những sản phẩm phục vụ khối cơ quan Nhà nước. Đây là một lựa chọn có tính chiến lược phù hợp với điều kiện và mục tiêu của công ty, vì trong thời kỳ khởi nghiệp, họ phải dồn lực xây dựng một nền tảng công nghệ riêng, và chưa thể phát triển được nhiều dòng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu phong phú đa dạng của các doanh nghiệp. “Mỗi doanh nghiệp thường muốn được cung cấp một sản phẩm được ‘may đo’ theo đặc thù riêng của mình”, anh Hiền nhận xét.      

Bắt đầu từ năm 2011, iNet Solutions đã bắt đầu triển khai những sản phẩm phục vụ các doanh nghiệp. Hiện nay tỉ trọng doanh thu của công ty giữa 2 loại đối tượng là 8/2, với 80% từ các sản phẩm phục vụ khối cơ quan Nhà nước, 20% từ các sản phẩm phục vụ doanh nghiệp. Dự kiến trong năm 2013, tỷ lệ này sẽ dịch chuyển thành 7/3, anh Hiền cho biết.

Tuy phát triển sau nhưng do đã có nền tảng công nghệ vững chắc nên hiện nay những giải pháp công nghệ của iNet Solutions phục vụ cho các doanh nghiệp khá phong phú và đa dạng, bao gồm những công cụ quản lý cho các nhà phân phối và bán lẻ, quản lý từ tài chính kế toán, hàng hóa, tới nhân sự, quan hệ khách hàng (các chương trình khuyến mãi hay chiết khấu). Những công cụ này cho phép người quản lý có thể dễ dàng theo dõi tình hình kinh doanh và điều hành giá cả một cách chi tiết và tức thời ở nhiều nơi cùng một lúc, chỉ thông qua một chiếc điện thoại di động.

Nền tảng công nghệ web browser cho phép công cụ của iNet Solutions có thể được dễ dàng và nhanh chóng cài đặt bởi chính những người sử dụng, thay vì công ty phải cho người đến cài đặt từng máy của khách hàng. Ưu điểm này cũng giúp iNet Solutions tiết kiệm được nhiều chi phí, tạo thành lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các đối thủ. Tính đến nay, iNet Solutions đã có hàng trăm doanh nghiệp khách hàng, như Nokia Care, Bưu chính Viettel, và nhiều chuỗi bán lẻ có tên tuổi trên thế giới đang hoạt động tại Việt Nam.

Mục tiêu hướng đến trong năm 2013 của công ty là tiếp tục tăng cường sự tiện dụng và giảm chi phí cho khách hàng, với phương châm “kinh doanh phần mềm như một dịch vụ”, khẳng định của Nguyễn Hữu Đồng – Giám đốc Kinh doanh sản phẩm phục vụ doanh nghiệp của iNet Solutions. Để làm được điều này, họ sẽ phải phát triển được đội ngũ những chuyên gia phát triển sản phẩm có sự am hiểu tường tận nghiệp vụ của từng loại hình đối tượng doanh nghiệp khách hàng, từ đó hoàn thiện nên những sản phẩm hoạt động “nhanh nhất, ít sai sót, và đơn giản nhất”. Đây cũng chính là thách thức khó khăn nhất đối với những người làm sản phẩm phần mềm phục vụ các doanh nghiệp, anh Đồng nhận định.

Những gian nan không đáng có

Mặc dù đa số các doanh nghiệp khách hàng đều thừa nhận chất lượng sản phẩm của iNet Solutions, nhưng họ thường trả giá thấp hơn nhiều so với sản phẩm của nước ngoài. Thậm chí có trường hợp khách hàng sau khi đã dùng thử sản phẩm nước ngoài thấy không ổn, khi dùng sang sản phẩm của iNet Solutions thì hoàn toàn ưng ý, nhưng vẫn quyết ép giá chỉ bằng một nửa so với sản phẩm của nước ngoài mà họ đã từ bỏ, anh Đồng cho biết.

Nhưng sự thiên vị trong hành xử của khách hàng càng làm thôi thúc điều mong mỏi của những người làm việc ở iNet Solutions về một thương hiệu Việt được thừa nhận rộng rãi trong ngành CNTT. Qua rất nhiều nỗ lực, đến nay họ đã phần nào gây dựng được một thương hiệu riêng, nhưng sẽ thuận lợi và công bằng cho họ hơn nếu ở Việt Nam có những cơ quan đánh giá chất lượng sản phẩm CNTT, hay những giải thưởng uy tín trong ngành công nghiệp này. Mặc dù những năm vừa qua ở Việt Nam đã có một vài giải thưởng cho các sản phẩm CNTT nhưng chúng không hoàn toàn thực chất, vì hầu như chỉ dựa vào số lượng bình chọn, ít dựa trên các đánh giá chuyên môn, theo nhận xét của Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công nghệ của iNet Solutions.

Sự thiếu vắng những cơ quan chức năng hoặc những tổ chức trung gian uy tín chuyên đánh giá chất lượng sản phẩm khiến các cơ quan Nhà nước khi tiếp cận với sản phẩm của iNet Solutions thường không tránh khỏi sự nghi ngại, nhất là khi công cụ quản lý hành chính điện tử vẫn còn khá xa lạ với nhiều cơ quan Nhà nước. Có những cơ quan đầu tư mua phần mềm về nhưng ít sử dụng, gây lãng phí và kém hiệu quả. Vì vậy, mong muốn của Lương Quang Tùng là những cơ quan chức năng một khi đã dùng tiền của Nhà nước cho việc đầu tư mua phần mềm thì phải có ý thức khai thác, tận dụng cao hơn, đồng thời tích cực phát hiện và báo lỗi để nhà cung cấp có thể khắc phục và cải tiến sản phẩm cho tốt hơn.

Hiện nay Nhà nước vẫn chưa có một hệ thống văn bản pháp quy hướng dẫn đầy đủ về quản lý hành chính bằng các công cụ phần mềm quản lý điện tử, dẫn tới sự lãng phí đáng kể trong khai thác sử dụng. Nhiều khi các cơ quan nhận được văn bản điện tử rồi nhưng phải chờ tới khi nhận được văn bản bằng giấy mới chịu xử lý và giải quyết, khiến ưu điểm về tính kết nối tức thời giữa các đơn vị quản lý không được phát huy, anh Tùng cho biết. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý về CNTT cũng chưa xây dựng những quy chuẩn đầy đủ, chi tiết, khiến các địa phương, các cơ quan chức năng có thể dùng những công cụ quản lý riêng, và chúng chưa chắc đã tương thích với nhau để có thể kết nối được với nhau mà không gây sai sót. Đây sẽ là một trở ngại cho tiến trình xây dựng một nền hành chính điện tử hoạt động hiệu quả.

Tuy nhiên, sự đầu tư không đồng bộ và thiếu hoàn chỉnh của các cơ quan Nhà nước mới là vấn đề đau đầu nhất cho nhà cung cấp phần mềm, anh Tùng khẳng định. Nhiều khi có tình trạng dự án đầu tư trang thiết bị trình lên cấp trên được viết rất đầy đủ, nhưng vì thiếu vốn mà dự án bị cắt đi một số trang thiết bị cần thiết, gây ra tình trạng phần mềm được trang bị không chạy được do thiếu phần cứng. Đến khi được phép mua phần cứng thì chi phí bị đội lên mà người chịu thiệt chính là nhà thầu CNTT. Chưa kể các cơ quan Nhà nước thường quan niệm mua phần mềm về thì không cần trả phí bảo trì, hoặc cho rằng chi phí bảo trì không đáng kể. Những quan niệm sai như vậy luôn gây “thiệt thòi cho doanh nghiệp”, anh Tùng chia sẻ.
  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0