|
Nhiều nhân viên chưa bàn giao xong công việc đã tự ý bỏ việc, ảnh hưởng xấu tới hoạt động kinh doanh và uy tín của doanh nghiệp. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Liên kết trao đổi thông tin về nhân viên “nhảy việc” là sáng kiến của Câu lạc bộ Outsourcing với sự tham gia của 7 lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công phần mềm (gồm CMCSoft, VNext, IFI Solution, CNC, Seta, Joom Solution,…) và ông Lâm Quang Nam, Giám đốc Ban Đào tạo & Phát triển nguồn nhân lực của Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ Việt Nam (VINASA).
Ngành gia công phần mềm Việt Nam có phạm vi hẹp, song đang phải đối mặt với hiện trạng nhân viên “nhảy việc”. Không ít trường hợp “nhảy việc” đã tác động xấu tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như không bàn giao xong công việc gây ảnh hưởng tới tiến độ dự án, ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp.
Để hạn chế tối đa tác động tiêu cực của hiện trạng “nhảy việc”, các doanh nghiệp trong nhóm Câu lạc bộ Outsourcing đã quyết định liên kết trao đổi thông tin với nhau, mỗi khi nhận hồ sơ của một nhân viên mới thì gọi điện cho công ty cũ của nhân viên đó để tìm hiểu về những thông tin liên quan như: đã giải quyết dứt điểm công việc hay chưa, vị trí làm việc như thế nào, có tinh thần trách nhiệm hay không… Nếu biết nhân viên vẫn đang làm dở dự án ở công ty cũ thì nhất quyết không nhận vào công ty mới.
Trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Nguyễn Tất Đắc, Tổng Giám đốc Công ty VNext Software cho biết: “Ứng viên một khi đã quyết định nghỉ việc thì doanh nghiệp không giữ. Chúng tôi liên kết không phải để chống lại hiện tượng chuyển việc này, mà chỉ muốn kiểm chứng lại chính xác thông tin quá khứ của ứng viên được nhanh gọn, chính xác. Tuyển đúng người sẽ giúp cả doanh nghiệp lẫn ứng viên cùng phát triển tốt. Ngoài ra, làm dở việc tại công ty cũ rồi chuyển ngay mà không bàn giao đầy đủ sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về cả dự án lẫn hình ảnh của công ty”.
“Khi tuyển dụng, doanh nghiệp đặc biệt coi trọng sự trung thực. Nhờ sáng kiến liên kết này, chúng tôi đã tiết kiệm được nhiều thời gian khi từ chối rất nhanh hàng trăm trường hợp xin việc vì ứng viên đã nói không chính xác về kinh nghiệm, vị trí của mình ở công ty cũ”, ông Đắc cho biết thêm.
Được biết, cách đây khoảng 1 năm, VINASA cũng đã công bố giải pháp “Sổ nghề” nhằm chống lại tình trạng nhân viên nhảy việc không đàng hoàng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Tuy nhiên đến giờ việc triển khai vẫn chưa được như mong muốn.
Đánh giá cao sáng kiến liên kết trao đổi thông tin về nhân viên “nhảy việc” của Câu lạc bộ Outsourcing, ông Lâm Quang Nam, Giám đốc Ban Đào tạo & Phát triển nguồn nhân lực của VINASA cho biết thêm: Dự kiến năm nay sẽ mở rộng hơn phạm vi hợp tác, liên kết giữa Câu lạc bộ Outsourcing với nhiều doanh nghiệp khác nữa. Tuy nhiên, phạm vi liên kết dự kiến sẽ vẫn chỉ được thực hiện giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ có chung những đặc điểm như luôn thiếu người, thiếu việc nhưng không cố giữ người vì mọi giá.
Cũng theo ông Nam cho biết, năm ngoái đã có trường hợp một nhân viên của công ty phần mềm Việt bỏ việc ra nước ngoài làm khi chưa bàn giao hết công việc ở cơ quan cũ. Giám đốc công ty phần mềm này đã nhờ các doanh nghiệp phần mềm khác cùng vào cuộc để truy tìm tung tích của nhân viên. Sau 2 tuần, nhân viên đó đã chủ động quay lại để bàn giao nốt công việc.
Theo Ictnews.vn