|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Không thể phủ nhận rằng, từ khi những chiếc điện thoại “táo cắn dở” ra đời đã khơi mào cho một cuộc “soán ngôi” đầy ngoạn mục của các sản phẩm di động, chiếm lĩnh thị trường công nghệ.
Sức mạnh từ những sản phẩm cầm tay
Nếu như vài năm trước, một anh chàng mang theo ba lô to tướng trên vai hoặc xách cặp táp bước vào trường học hay quán cà phê rồi từ tốn lấy ra chiếc laptop bóng cáu chắc chắn thu hút mọi ánh nhìn xung quanh thì việc đó nay đã rất… thường. Giờ đây, một anh chàng ung dung bước đi nhẹ hẫng chỉ với một chiếc di động thông minh mang cả thế giới trong tầm tay mới là “đẳng cấp”. Với nhịp sống sôi động đến mức hối hả và CNTT không ngừng phát triển, những sản phẩm “hi-tech” nhỏ gọn, dễ di chuyển nhưng tích hợp nhiều ứng dụng tùy biến đang dần thay thế máy tính bàn và laptop. Cuộc chạy đua của các hãng công nghệ lớn trong việc sáng tạo ra những siêu phẩm di động những năm gần đây chính là minh chứng thuyết phục cho sự lên ngôi này. Chắc hẳn sẽ không có gì ngạc nhiên khi Lập trình ứng dụng cho thiết bị di động đang trở thành một nghề sáng giá.
Cơn khát ứng viên “đạt chuẩn”
Với những dấu hiện dự báo sự “hút hàng” của lĩnh vực lập trình di động, số lượng sinh viên theo học ngành này không hề ít nhưng để tìm được ứng viên “đạt chuẩn” vẫn là điều khiến các doanh nghiệp đau đầu. Ông Lê Nguyễn Bá Khang - giám đốc Marketing Công ty Micro Game, đơn vị phát triển game và mạng xã hội Ola cho di động đang được các bạn trẻ dùng rộng rãi, chia sẻ: “Quan điểm của chúng tôi là chỉ tuyển dụng dựa trên năng lực ứng viên chứ không quan tâm về bằng cấp và bậc học (đại học, cao đẳng hay trung cấp). Dù vậy, trong năm vừa qua, công ty chỉ chọn được 6 trên 70 người ứng tuyển. Với khối lượng dự án đang có, năm tới chúng tôi cần bổ sung thêm 30 - 50 lập trình viên nữa. Đây thực sự là vấn đề nan giải.”
Theo nhận định của ông Phí Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội tin học TP.HCM: “Các doanh nghiệp hiện nay không xem kiến thức chuyên môn là tiêu chí quyết định việc ứng viên mới tốt nghiệp có được tuyển dụng hay không, mà đó là kỹ năng bổ trợ và thái độ làm việc. Ngược lại, phần lớn các đơn vị đào tạo và sinh viên lại chỉ tập trung bồi dưỡng chuyên môn trên sách vở, đến khi tiếp nhận công việc thực tế, các bạn đều tỏ ra bỡ ngỡ, không biết cách xử lý. Như vậy, đã có sự mâu thuẫn trong cách nhìn giữa nhà tuyển dụng với ứng viên, hơn cả là với chính các đơn vị đào tạo.”
Cách tốt nhất để giải quyết thỏa đáng mâu thuẫn trên là doanh nghiệp phải trực tiếp tham gia huấn luyện chuyên môn và kỹ năng nghề để cùng với nhà trường kiểm soát chất lượng đầu ra. Tiên phong áp dụng hình thức kết hợp ưu việt này vào đào tạo chính quy nghề Lập trình trên thiết bị di động có thể kể đến trường Cao đẳng nghề CNTT iSpace. Cụ thể, nhà trường đã mời chuyên gia từ các doanh nghiệp chuyên về lập trình, trong đó có công ty Micro Game sang tham gia vào giảng dạy. Doanh nghiệp sẽ cung cấp những dự án phần mềm của công ty để sinh viên thực tập và trực tiếp sát hạch năng lực làm việc của các bạn qua từng giai đoạn. Ngoài ra, mỗi sinh viên sẽ có 500 giờ trải nghiệm công việc thực tế dưới sự hướng dẫn của chính doanh nghiệp để rèn nghề và dần hình thành văn hóa làm việc trong môi trường doanh nghiệp. Ứng viên đạt yêu cầu sẽ được ký hợp đồng lao động và trả lương ngay trong quá trình học. Nhằm phục vụ mục tiêu năm 2013, công ty Micro Game đã đặt hàng iSpace đào tạo 30 - 50 học viên chuyên về Lập trình di động. Sinh viên tốt nghiệp được cam kết tuyển dụng với mức lương khởi điểm 60 - 80 triệu đồng/năm.
Thiết nghĩ, đây là phương án vẹn cả đôi đường và mang đến lợi ích lâu dài cho sinh viên theo học. Không những yên tâm về những kiến thức, kỹ năng được đào tạo sẽ hoàn toàn tương thích với yêu cầu doanh nghiệp mà sinh viên cũng không phải thấp thỏm về cơ hội việc làm trong bối cảnh đây đang là nỗi lo canh cánh của hầu hết sinh viên ra trường.
Theo Ictnews.vn