Tại dự thảo này, đối với dịch vụ viễn thông cố định mặt đất, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định VNPT là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường đối với 3 loại dịch vụ: Điện thoại đường dài trong nước; dịch vụ kênh thuê riêng nội hạt và dịch vụ kênh thuê riêng đường dài trong nước.
Theo đó, VNPT phải thông báo giá cước đối với dịch vụ điện thoại đường dài trong nước và dịch vụ kênh thuê riêng nội hạt. Còn đối với dịch vụ kênh thuê riêng đường dài trong nước thì phải thực hiện đăng ký giá cước.
Còn nhóm doanh nghiệp Viettel, VNPT thống lĩnh thị trường dịch vụ điện thoại quốc tế; nhóm doanh nghiệp VNPT, Viettel, SPT thống lĩnh thị trường dịch vụ kênh thuê riêng quốc tế và nhóm doanh nghiệp VNPT, FPT, Viettel thống lĩnh thị trường dịch vụ truy nhập Internet băng rộng. Các nhóm doanh nghiệp này sẽ phải thực hiện đăng ký giá cước.
Riêng dịch vụ điện thoại nội hạt, dự thảo nêu rõ đây là dịch vụ viễn thông quan trọng và phổ cập nên tất cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đều phải đăng ký giá cước.
Đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất, theo dự thảo, nhóm doanh nghiệp Viettel, VMS, VNPT có vị trí thống lĩnh thị trường dịch vụ điện thoại và dịch vụ nhắn tin, dịch vụ truy nhập Internet. Do vậy, các doanh nghiệp này phải đăng ký giá cước hòa mạng, cước thuê bao, cước thông tin, giá bộ SIM cũng như giá cước dịch vụ truy nhập Internet.
Hiện dự thảo đang được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố lấy ý kiến nhân dân. Dự thảo thông tư này có đối tượng áp dụng gồm cơ quan quản lý nhà nước có liên quan hoạt động quản lý giá cước dịch vụ viễn thông; doanh nghiệp viễn thông được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông; người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Theo Điều 11, Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có tổng thị phần từ 30% trở lên; nhóm 02 doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có tổng thị phần từ 50% trở lên và nhóm 03 doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có tổng thị phần từ 65% trở lên.
|
Theo