Chủ nhật, 12/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 26/09/2012
MICA - mô hình hợp tác nghiên cứu khoa học xuất sắc của Việt Nam

“Tôi đánh giá cao hợp tác nghiên cứu khoa học (NCKH) giữa Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện nghiên cứu quốc tế MICA, trình độ rất cao của sinh viên Việt Nam và chất lượng đào tạo” là phát biểu trân trọng bằng tiếng Việt của Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Jean Noel Poirier tại Lễ kỷ niệm 10 năm Viện nghiên cứu quốc tế về Thông tin đa phương tiện, Truyền thông và Ứng dụng - MICA, Đại học Bách khoa Hà Nội hôm nay 24/9 tại Hà Nội.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân đánh giá MICA là “một mô hình hợp tác NCKH xuất sắc của Việt Nam”.

GS. Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng trưởng ĐHBK Hà Nội; GS. Anne Doucet, Đại diện Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp; GS. Briggite Plateau, Tổng điều hành Viện ĐHBK quốc gia Grenoble ký kết thỏa thuận giữa Trường ĐHBK Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp, Viện ĐHBK quốc gia Grenoble dưới sự chứng kiến của Đại sứ Jean Noel Poirier, Bộ Trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý tại lễ Kỷ niệm 10 năm thành lập MICA

Một đơn vị nghiên cứu quốc tế hỗn hợp đầu tiên về khoa học máy tính ở Việt Nam

Được sự cho phép của Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) Hà Nội, sự trợ giúp của Viện ĐHBK Quốc gia Grenoble, Trung tâm NCKH quốc gia (CNRS) và Đại sứ quán Pháp, tháng 11/2002 Trung tâm Nghiên cứu quốc tế MICA đã ra đời đánh dấu mối quan hệ hợp tác hiệu quả vốn có giữa trường ĐHBK Hà Nội và Viện ĐHBK quốc gia Grenoble.

Trung tâm MICA được thành lập với 3 nhiệm vụ trọng tâm: Nghiên cứu phát triển các công nghệ mới trong lĩnh vực lĩnh vực xử lý tiếng nói, xử lý hình ảnh, tương tác người - máy đa phương thức, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Tham gia đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ kết hợp với các đối tác nước ngoài, đào tạo chuyên môn, đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực xử lý tiếng nói, xử lý ảnh, tương tác người - máy và xử lý thông tin đa phương tiện và Phát triển nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhà trường và doanh nghiệp.

Năm 2003, sau một năm chính thức đi vào hoạt động, với những kết quả ban đầu trong đào tạo và NCKH, Trung tâm đã khẳng định được định hướng đúng đắn của Nhà trường và được Viện ĐHBK Quốc gia Grenoble chính thức công nhận là một Đơn vị liên kết nước ngoài của mình.

Với sự nỗ lực và phấn đấu không ngừng trong hội nhập quốc tế, ngày 16/5/2006, Trung tâm NCKH Quốc gia Pháp (CNRS), sau hai vòng đánh giá, đã chính thức công nhận Trung tâm MICA là 1 trong 7 đơn vị nghiên cứu quốc tế hỗn hợp của Trung tâm NCKH Quốc gia Pháp tại nước ngoài (với mã số quốc tế UMI-2954).

Trong 10 năm qua, MICA đã tham gia và chủ trì: 23 dự án quốc tế (trong đó chủ trì 11 dự án, 15 dự án đã kết thúc được đánh giá cao, 8 dự án đang được thực hiện), tham gia và chủ trì nhiều dự án trong nước bao gồm 12 dự án liên kết với các đối tác công nghiệp, 7 đề tài cấp nhà nước, nhiều đề tài cấp bộ và cấp trường và hai mạng lưới quốc tế về NCKH chất lượng cao (CONE và SPAN). Trung tâm đã tiếp đón hơn 285 lượt nhà NCKH quốc tế đến làm việc, tham gia xây dựng hai nhóm nghiên cứu mới trong lĩnh vực đa phương tiện cho Viện Công nghệ Campuchia và Đại học quốc gia Lào, tham gia xây dựng phòng thí nghiệm DATIC cho trường ĐHBK Đà Nẵng.

GS. Eric Castelli, Đồng viện trưởng, Phụ trách khoa học MICA cho biết hiện nay MICA đã tham gia vào nhiều dự án tại Việt Nam và quốc tế, châu Âu, song phương và đa phương. Các nghiên cứu viên của MICA còn hợp tác với các nhóm nghiên cứu quốc tế như Australia, Bỉ, Campuchia, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Malaysia, Hà Lan, Singapore, Thụy Sỹ, Mỹ… Là viện nghiên cứu quốc tế theo chuẩn Pháp, nhưng MICA có những hướng phát triển riêng, ứng dụng công nghệ theo đặc thù của Việt Nam như các ứng dụng xử lý ngôn ngữ vào các hoạt động thiết thực của đời sống.

Trong 5 năm tới, MICA nỗ lực đạt ngang tầm với 6 đơn vị nghiên cứu quốc tế hỗn hợp khác của Trung tâm NCKH quốc gia Pháp tại nước ngoài, GS. Eric Castelli cho biết.

Là người đã ở Việt Nam 12 năm từ khi chuẩn bị và đồng lãnh đạo Viện MICA đến nay, GS. Eric Castelli cho biết môi trường NCKH ở ĐHBK Hà Nội rất thuận lợi. Ông đã làm quen, nghiên cứu văn hóa Việt Nam để ứng dụng vào công tác NCKH.

Nhiều sản phẩm tiềm năng ứng dụng cao trong công nghiệp và đời sống

Kiên trì thực hiện định hướng phát triển sản phẩm trên những nghiên cứu cơ bản của chính mình, đến nay, một số kết quả nghiên cứu của các cán bộ nghiên cứu đã được phối hợp phát triển với các công ty công nghệ để phát triển sản phẩm:

Sản phẩm Robot hướng dẫn bảo tàng: Robot có khả năng hiểu các câu hỏi khách tham quan về các hiện vật trong bảo tàng, qua đó để cung cấp các thông tin phù hợp cho khách tham quan. Robot này đã được thử nghiệm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và hướng dẫn khách tham quan:

“Xin chào quý khách, tôi là robot hướng dẫn bảo tàng. Tôi có thể giúp gì quý khách? Quý khách đang thăm quan khu vực trưng bày hiện vật văn hóa của người Chăm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Bên phải quý khách là nơi trưng bày đồ gốm với hàng trăm hiện vật, được làm ra bởi chính bàn tay khéo léo, sự cần cù, thông minh, sáng tạo của người Chăm”.

Sản phẩm Robot này có thể được phát triển thành một robot dịch vụ cho nhiều ứng dụng khác trong cuộc sống.

Phòng thông minh điều khiển bằng tiếng nói: ứng dụng cho việc điều khiển các thiết bị trong gia đình (ti vi, điều hòa, đèn,…)  một cách tự nhiên bằng tiếng nói. Ngoài ra sản phẩm có thể ứng dụng trong việc ra lệnh điều khiển giám sát bằng tiếng nói quá trình sản xuất tại phòng điều khiển Trung tâm của các nhà máy.

Phần mềm tổng hợp tiếng nói tiếng Việt trên thiết bị di động: Phần mềm tổng hợp tiếng nói tiếng Việt cài đặt trên thiết bị di động hệ điều hành Android, cho phép đọc tin nhắn SMS tự động.

Phần mềm phát hiện lỗi vải dệt bằng xử lý ảnh: Phần mềm có các chức năng phát hiện, phân loại và định vị 5 họ lỗi vải dệt từ ảnh chụp vải dệt trợ giúp cho việc phân loại vải tự động trong các dây truyền dệt vải tại các nhà máy dệt - may.

Phần mềm nhận dạng họ cây trên thiết bị di động: việc nhận dạng họ cây dựa trên các thông tin mô tả về họ cây từ người sử dụng (đặc điểm lá, thân, hoa…) thông qua một giao diện đồ họa. Là một công cụ hữu ích cho các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực thực vật, cây thuốc nam…

Khai thác hơn 700.000 USD cho đào tạo

GS. Phạm Thị Ngọc Yến, Giám đốc MICA cho biết cùng với hoạt động NCKH của mình, Trung tâm đã tham gia tích cực đào tạo một đội ngũ cán bộ khoa học trẻ với trình độ và chất lượng hội nhập quốc tế. Cho đến nay, Trung tâm đã tham gia đào tạo được 38 Tiến sỹ (22 Tiến sỹ đã tốt nghiệp), hàng trăm Thạc sỹ, hướng dẫn tốt nghiệp cho hàng trăm lượt sinh viên của các khoa liên quan trong trường. Các nghiên cứu sinh (NCS) làm việc theo chế độ đồng hướng dẫn, mỗi năm làm việc ½ thời gian ở MICA và ½ thời gian tại các phòng thí nghiệm đối tác quốc tế. 

Trong 10 năm qua, tổng kinh phí học bổng tiến sĩ, thạc sĩ, thực tập sinh ngắn hạn ở nước ngoài do Trung tâm MICA khai thác được thông qua quan hệ hợp tác nghiên cứu với các đối tác quốc tế đạt tới hơn 700.000 USD. Tổng kinh phí chi trả học bổng cho NCS, cao học và cấp cho cán bộ trẻ theo học các khóa bồi dưỡng chuyên môn ngắn hạn từ nguồn kinh phí của các đề tài, dự án NCKH của Trung tâm lên tới hàng tỷ đồng.

Đánh giá về công tác đào tạo của MICA trong 10 năm qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý cho biết đây là một chủ trương đúng đắn và đột phá về sự hợp tác NCKH Pháp - Việt. Mô hình đào tạo đồng hướng dẫn như ở MICA cần được nhân rộng. Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích phát triển mô hình này.

Theo Ictpress.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0