Tại phiên giải trình về cơ chế tài chính huy động nguồn lực đầu tư phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 22/9, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, do không quy định bắt buộc doanh nghiệp phải trích 10% lợi nhuận trước thuế để phát triển KHCN nên nhiều doanh nghiệp không thực hiện.
Nay cần quy định lại việc bắt buộc doanh nghiệp phải trích lập 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho nhiệm vụ phát triển KHCN (doanh nghiệp Nhà nước thì bắt buộc ở mức này, còn các loại hình doanh nghiệp khác có thể thấp hơn).
Đi kèm với quy định này, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, sẽ có cơ chế sử dụng số kinh phí 10% trích lập nói trên. Chẳng hạn, doanh nghiệp sẽ sử dụng nó để tự đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với đặc điểm ở nước ta, nhiều doanh nghiệp nhỏ thì mức trích 10% lợi nhuận trước thuế cũng không đủ lớn thì các doanh nghiệp dành phí đó cho Quỹ KHCN của địa phương. Quỹ ở địa phương sẽ sử dụng để tập trung đầu tư cho các doanh nghiệp chủ chốt khác ở địa phương sử dụng, qua đó nâng cao hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng KHCN.
Hiện ở nước ta có 24 tỉnh, thành phố đã có Quỹ KHCN. Các quỹ này mỗi năm được cấp lần đầu, rồi sau đó tự bảo toàn vốn. Vì thế, khi địa phương tài trợ cho công trình nghiên cứu thì sẽ mất vốn. Trong khi các doanh nghiệp không sử dụng hết 10% tỷ lệ trích thì sẽ chuyển sang đóng góp cho Quỹ này để bảo toàn vốn, đóng góp cho nghiên cứu khoa học.
Ở một khía cạnh khác theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, hiện hàng năm Nhà nước dành 2% tổng chi ngân sách cho phát triển KHCN (tương đương 0,5% GDP). Đây là mức đầu tư cao trong các quốc gia đang và đã phát triển, tuy nhiên nước ta chỉ chủ yếu sử dụng nguồn 2% này còn các nước khác lại tận dụng được nguồn đầu tư từ xã hội, gấp 3- 5 lần đầu tư của nhà nước. Ngành KHCN đặt mục tiêu đầu tư xã hội cho nghiên cứu KHCN sẽ phải chiếm 1% GDP, do đó rất cần đóng góp của các doanh nghiệp và cơ chế thu hút đầu tư của nước ngoài.
Về việc sử dụng 2% kinh phí từ ngân sách Nhà nước hàng năm, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết theo quy định mới của Chính phủ, Bộ KHCN sẽ tham gia phân bổ, thẩm định nội dung đầu tư và giám sát việc thực hiện các đề tài KHCN của các bộ, ngành, địa phương. Với cách thức này, Bộ trưởng cho biết Bộ KHCN sẽ có đầy đủ thông tin để đánh giá, kiểm soát được việc thực hiện hiệu quả mức phân bổ kinh phí này, tránh đầu tư dàn trải.
Mặc dù nghiên cứu KHCN ở Việt Nam còn một số hạn chế nhưng Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định: Không có nước nào có đầu tư ít cho KHCN mà lại có thành quả như Việt Nam. Chợ KHCN vừa khai trương cách đây 2 ngày đã cho thấy các sản phẩm KHCN của nước ta có trình độ không kém thế giới như trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, dầu khí, công nghệ thông tin.
Theo Baodientu.chinhphu.vn