Thứ bảy, 20/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 22/09/2012
Thị trường Internet cũng sẽ có những vụ sáp nhập?

Do 3 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường dịch vụ Internet (ISP) là VNPT, Viettel, FPT có thị phần khá chênh lệch và hàng chục ISP nhỏ có thị phần chỉ vài % nên khả năng sắp tới, để tồn tại, các ISP nhỏ sẽ phải sáp nhập, liên kết lại để tạo thành 3-4 ISP có thị phần tương đồng.

Netnam.jpg
Không cạnh tranh được với các "ông lớn" về hạ tầng, nhưng các ISP vừa và nhỏ như NetNam vẫn có đất để sống, bằng các dịch vụ gia tăng trên nền dịch vụ Internet.

Chỉ doanh nghiệp có hạ tầng rộng mới tồn tại được

Theo Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/7/2012, để đảm bảo thị trường viễn thông phát triển bền vững theo hướng chất lượng, hiệu quả trên cơ sở tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, mỗi thị trường dịch vụ viễn thông quan trọng như di động, Internet băng rộng, cố định đường dài và quốc tế phải có ít nhất 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để đảm bảo cạnh tranh thông qua các chính sách cấp phép, kết nối, kiểm soát bình ổn thị trường và quy hoạch tài nguyên phù hợp.

Tuy nhiên, theo Sách trắng CNTT và Truyền thông 2012, trong khi 3 doanh nghiệp di động lớn nhất bao gồm VinaPhone, MobiFone, Viettel có thị phần khá tương đồng và chiếm đến hơn 95% thị phần thì trong lĩnh vực dịch vụ truy nhập Internet băng rộng hữu tuyến năm 2011, VNPT chiếm đến 63,31% thị phần, gấp gần 3 lần doanh nghiệp đứng vị trí thứ 2 là FPT Telecom (22,29%) và gấp hơn 7 lần Viettel-doanh nghiệp đứng vị trí thứ 3 với 8,85% thị phần. Các ISP còn lại như SPT, CMC TI, NetNam, SCTV chiếm từ 0,6% đến 2% thị phần. Ngoài ra, năm 2011 có khoảng 91 ISP đã được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ Internet, trong đó có khoảng 50 ISP đang hoạt động, trong khi số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động, cố định đang dừng ở mức 7 và 10 doanh nghiệp.

Ông Hoàng Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty FPT Telecom cho rằng, xu hướng phát triển của ngành CNTT và viễn thông trên thế giới là hội tụ công nghệ, hội tụ mạng lưới, đa dịch vụ trên một kết nối, chuẩn hóa dịch vụ trên nền hạ tầng băng thông rộng. Như vậy, hạ tầng là điều kiện để các doanh nghiệp phát triển theo xu hướng của thế giới, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có hạ tầng có đầy đủ điều kiện trở thành doanh nghiệp chuyên môn hóa theo quy hoạch của Chính phủ.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp không có hạ tầng, không làm chủ được hạ tầng như NetNam, CMC… sẽ khó có thể tồn tại, bởi chỉ doanh nghiệp có hạ tầng mới có thể chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ và không bị phụ thuộc vào hạ tầng do các doanh nghiệp khác cung cấp.

Như vậy, ngoài 3 nhà mạng lớn gồm VNPT, FPT Telecom, Viettel, thì có khả năng thị trường dịch vụ Internet những năm tới sẽ chỉ tồn tại thêm 1-2 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet khác.

Ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc Công ty NetNam cũng cho biết, nếu các ISP nhỏ như NetNam cạnh tranh trực diện về dịch vụ hạ tầng với 3 ISP lớn thì chắc chắn "không có cửa". Vì vậy, NetNam đã dần từ bỏ thị trường ADSL cho hộ gia đình và tập trung vào thị trường cung cấp dịch vụ Internet chất lượng cao cho khách hàng cao cấp và các khu tập trung.

Về lâu dài, thị trường dịch vụ truy nhập Internet sẽ chỉ có 3-4 doanh nghiệp lớn có khả năng trụ lại trên thị trường, trong đó 3 doanh nghiệp VNPT, Viettel, FPT sẽ là kiềng 3 chân của thị trường truy nhập hạ tầng Internet. "Đến nay lợi nhuận của mảng dịch vụ hạ tầng Internet không chỉ ở Việt Nam mà ở cả khu vực châu Á đã xuống đến mức rất thấp, các doanh nghiệp mới không thể gia nhập thị trường, doanh nghiệp nhỏ không nên cố gắng cạnh tranh trực diện", ông Bình phân tích thêm.

Còn theo đại diện CMC TI, khác với di động, do nhu cầu người sử dụng khá đa dạng nên thị trường Internet sẽ có sự phân mảnh rất lớn. Cụ thể, đến năm 2015-2020, thị trường sẽ có 2 doanh nghiệp chiếm 50% thị phần, miếng bánh 40-45% thị phần còn lại sẽ dành cho khoảng 4-5 doanh nghiệp chia nhau, 5-10% thị phần cuối cùng sẽ thuộc về những doanh nghiệp phục vụ lớp đối tượng đặc thù như ngân hàng, khách sạn 5 sao, công ty đa quốc gia... "Dù VNPT đang chiếm hơn 60% nhưng đa phần là các thuê bao ADSL nên khi nhu cầu khách hàng tăng lên, cần các dịch vụ tốc độ cao thì thị phần Internet sẽ có sự dịch chuyển", vị đại diện này khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT (Bộ TT&TT), để thị trường phát triển bền vững thì thị trường phải có ít nhất 3 doanh nghiệp có thị phần tương đồng tạo thế "chân vạc". Chính vì thế, hiện nay, 3 ISP chiếm thị phần cao nhất trong lĩnh vực Internet (VNPT, Viettel, FPT Telecom) có thị phần không tương đồng lắm nên có thể cơ quan quản lý sẽ đưa ra các chính sách cấp phép dịch vụ, tài nguyên... để làm sao các doanh nghiệp dẫn đầu có thị phần tương đồng hơn.

ISP nhỏ sẽ phải liên kết hoặc tấn công thị trường ngách

Cũng theo ông Trần Minh Tuấn, các chính sách sắp tới còn nhằm vào mục tiêu khiến các ISP nhỏ phải tự liên doanh, liên kết hoặc mua bán, sáp nhập lại với nhau để tạo thành ISP lớn đủ sức cạnh tranh trên thị trường hoặc tìm hướng đi mới trong các thị trường ngách.

Cùng quan điểm, ông Hoàng Trung Kiên cũng cho rằng, trước mắt, các nhà mạng không có hạ tầng có thể tồn tại nhưng sẽ theo xu hướng và quy hoạch đến năm 2020. Các doanh nghiệp này sẽ không thể tiếp tục chạy đua lâu dài do không đáp ứng được điều kiện. "Các doanh nghiệp nhỏ còn lại sẽ "chết" hoặc liên doanh, liên kết, sáp nhập... lại với nhau", ông Kiên nhấn mạnh.

Còn theo ông Vũ Thế Bình, do dịch vụ Internet là dịch vụ cho cả cá nhân, cả tổ chức, doanh nghiệp, nên các ứng dụng và dịch vụ giá trị gia tăng trên đó mới là sức sống của Internet. Vì thế, các ISP vừa và nhỏ vẫn có đất để sống, bằng các dịch vụ gia tăng trên nền dịch vụ hạ tầng. Các nước khác cũng vậy, khách hàng tận hưởng dịch vụ Internet dựa trên các ứng dụng mà họ dùng, trong đó phần hạ tầng (đường dây) ngày càng chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu chi phí. "Thay vì cạnh tranh treo cáp đầy trên cột điện, các ISP nhỏ vẫn hoàn toàn có thể sống tốt bằng cách làm cho khách hàng hài lòng với các dịch vụ Internet họ dùng", ông Bình nhấn mạnh.

Ông Bình cho biết, bản thân NetNam đã thực hiện từng bước chuyển dịch chiến lược và đến nay có thể coi là bước đầu thành công. Hai năm vừa qua nền kinh tế rất khó khăn nhưng NetNam phát triển rất tốt nhờ tích hợp các dịch vụ giá trị gia tăng để thêm lợi ích cho khách hàng như dịch vụ marketing bằng thư điện tử, dịch vụ quản trị an toàn an ninh mạng, dịch vụ chăm sóc - quản trị hệ thống mạng, dịch vụ tư vấn chuyển đổi IPv6...

Theo Ictnews.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0