Thứ năm, 16/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 13/09/2012
TS.Võ Trí Thành: Không thể sáp nhập MobiFone – VinaPhone

Hiện VNPT đang đề xuất phương án sáp nhập VinaPhone và MobiFone lên các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là tín hiệu không tốt trong cải cách doanh nghiệp.

VNPT đang đề xuất sáp nhập VinaPhone - MobiFone

Chiều ngày 12/9/2012, Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm "Kịch bản nào cho thị trường Viễn thông Việt Nam?". Đây là chủ đề nóng được cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và dư luận rất quan tâm, đặc biệt sau khi Thủ tướng ký quyết định phê duyệt Quy hoạch viễn thông Việt Nam.

Sáp nhập VinaPhone – MobiFone sẽ hại cạnh tranh

Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS.Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói, sở dĩ viễn thông Việt Nam phát triển tốt trong 2 năm qua nhờ 3 điều kiện là thay đổi cách thức quản lý Nhà nước, phần nào tách bạch được quản lý Nhà nước và chủ sở hữu Nhà nươc (làm từ những năm 90); tạo môi trường cạnh tranh hơn; và lựa chọn khuyến khích công nghệ tiên tiến. Thế nhưng, hiện nay cấu trúc thị trường viễn thông đang "có vấn đề". Đặc biệt, Bộ TT&TT cần đưa ra thông điệp rõ ràng về việc có sáp nhập hay không VinaPhone – MobiFone. Ông Võ Trí Thành đưa ra lý do để không thể quyết định cho sáp nhập VinaPhone – MobiFone. Thứ nhất, cần phải xem xét lại vấn đề pháp lý trong Luật Cạnh tranh. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay thì việc cho sáp nhập 2 mạng di động này là tín hiệu không tốt trong cải cách doanh nghiệp. "Các nhà hoạch định chính sách nhiều khi quên rằng cạnh tranh là máu thịt, là nền tảng của kinh tế thị trường. Trong khi, những thị trường dịch vụ như tài chính, viễn thông, taxi... thì số người chơi không thể là vô hạn, nhưng cần phải duy trì được cạnh tranh... Nguyên lý của cạnh tranh là không phải bảo vệ những người đang chơi trên thị trường mà là bảo vệ áp lực cạnh tranh. Ở lĩnh vực chứng khoán hiện nay cũng vậy, khi nó đi xuống thì các doanh nghiệp chứng khoán kêu gào phải bảo vệ họ. Nhưng chính sách phải bảo vệ áp lực cạnh tranh chứ không phải bảo vệ người chơi", ông Võ Trí Thành nói. 

Mr Thanh.jpg
TS.Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại tọa đàm.

Ông Võ Trí Thành phân tích tiếp, để duy trì được áp lực cạnh tranh thì có hai vấn đề là gia nhập thị trường và rút lui thị trường. Phí gia nhập thị trường viễn thông rất cao vì thị trường màu mỡ. Đó là một hàng rào, nhưng hàng rào lớn nhất của thị trường dịch vụ cao cấp mà số lượng người chơi hữu hạn là chi phí chìm. Chi phí chìm rất lớn. Chi phí chìm không tái tạo được. Một trong những ý tưởng quan trọng để tạo cạnh tranh là bên cạnh áp lực gia nhập, rút lui thị trường là phải giảm được chi phí này. Khi một doanh nghiệp không phải tốt nhất gia nhập thị trường và thiết lập được hạ tầng mạng thì doanh nghiệp sau rất khó vào. Như vậy sẽ có những khó khăn để gây áp lực cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, có một số cách thức mà các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm là khi số lượng người chơi hạn chế trên một thị trường thì một trong những cách để tạo cạnh tranh là cổ phần hóa.

Di động sẽ phải có 3 mạng có thị phần tương đồng

Trước câu hỏi đặt ra tại buổi tọa đàm xoay quanh những phản biện về việc đề xuất sáp nhập VinaPhone và MobiFone, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, câu chuyện sáp nhập hay không sáp nhập hai mạng MobiFone – VinaPhone đã trở thành đề tài rất nóng trên báo chí. Hiện VNPT đã có đề xuất lên Bộ TT&TT và báo cáo các bộ, ngành liên quan đề nghị cho sáp nhập hai mạng này.

"Hiện Cục Viễn thông đang được giao xem xét đề xuất của VNPT. Cục cũng đang nghiên cứu, phân tích xem việc tách, nhập của hai mạng này tác động thế nào đến toàn bộ thị trường, liệu có đảm bảo duy trì cạnh tranh lành mạnh. Việc nhập hay tách hai mạng di động này đều có ưu và nhược điểm nếu xét lại bức tranh kinh doanh hiện nay của VNPT. Tuy nhiên, việc tách hay nhập hai mạng di động VinaPhone – MobiFone cần có chính sách đi kèm để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Bộ TT&TT đang tổ chức nghiên cứu việc tách hay nhập hai mạng này và hiện chưa có quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là phải duy trì ít nhất 3 doanh nghiệp tương đương nhau trên thị trường. Từ giờ đến cuối năm, Bộ TT&TT sẽ có kết luận chính thức về việc tách hay nhập hai mạng MobiFone  – VinaPhone và sẽ có công bố công khai, minh bạch", ông Phạm Hồng Hải nói.

"DN lớn sẽ dập tiếp cho DN nhỏ chết nốt"

Nhiều nhà báo theo dõi lĩnh vực Viễn thông - CNTT cho rằng, nếu kịch bản sáp nhập hai mạng di động VinaPhone và MobiFone được cơ quan có thẩm quyền thông qua, thị trường cơ bản sẽ nằm trong tay VNPT và Viettel khi chiếm tới khoảng 95% thị phần. Trong khi đó, các doanh nghiệp viễn thông nhỏ vẫn đang có nguy cơ tiếp tục "bốc hơi" khỏi thị trường di động Việt Nam. Nếu không có chính sách phù hợp thì thị trường này có nguy cơ quay lại độc quyền.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty luật TNHH Quốc tế Ban Mai Việt Nam cho rằng, nếu việc tập trung kinh tế vào 1 – 2 nhà mạng thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, cần kịch bản tốt để người sử dụng có dịch vụ an toàn, chất lượng cao, giá cả phải chăng. Cũng tại buổi tọa đàm này, bà Trịnh Minh Châu, Tổng giám đốc Hanoi Telecom cũng bức xúc giãi bày rằng: "Có những doanh nghiệp lớn đã nói sẽ dập tiếp cho doanh nghiệp nhỏ chết nốt". 

Theo Ictnews.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0