Thứ năm, 18/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 11/09/2012
Chưa định vị xứng tầm CNTT trong đổi mới giáo dục

TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) cho rằng trong dự thảo "Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam", CNTT vẫn chưa có được vị trí xứng tầm.

a2.jpg
TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông, nay là Bộ TT&TT.

Nhắc đến dấu ấn còn khá mờ nhạt của CNTT trong dự thảo "Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam" đang được Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Bộ Giáo dục & Đào tạo xây dựng, chỉnh sửa để trình BCH Trung ương Đảng vào tháng 10 tới, TS. Mai Liêm Trực thẳng thắn bộc bạch rất nhiều tâm tư theo góc nhìn từ một “người ngoại đạo” của ngành giáo dục.

Từng nhiều năm gắn bó với ngành CNTT-TT, ông đánh giá thế nào về vai trò của CNTT-TT đối với sự phát triển của lĩnh vực giáo dục - đào tạo?

Viễn thông, Internet cũng như các giải pháp CNTT có khả năng giúp con người kéo dài năng lực giác quan, thu thập và xử lý được một lượng thông tin khổng lồ từ các kho dữ liệu một cách tức thời, không biên giới. CNTT-TT đã và đang trở thành nền tảng hạ tầng thiết yếu đối với mọi hoạt động trong đời sống xã hội. Riêng đối với nền giáo dục của một quốc gia, vai trò của CNTT-TT được thể hiện trong tất cả các khâu, từ hình thành tư duy, triết lý về giáo dục, đến thiết kế cấu trúc giáo dục và triển khai các hoạt động cụ thể như dạy, học, khảo thí, quản lý giáo dục...

Trước hết, CNTT-TT góp phần thay đổi căn bản triết lý giáo dục, từ chỗ người thày giữ vai trò truyền thụ kiến thức, thày dạy - trò học, thày đọc - trò chép, nay chuyển sang vai trò phát huy năng lực của người học, khuyến khích sáng tạo cũng như rèn luyện nhân cách cho người học (những công cụ CNTT như các kho dữ liệu trên mạng Internet đã phần nào đảm nhiệm vai trò truyền thụ kiến thức giúp người thày). Hoặc thay đổi từ triết lý giáo dục “đóng”, môi trường giáo dục khép kín chuyển sang nền giáo dục “mở”, có tính liên thông không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Chính CNTT-TT đã giúp đổi mới tư duy, triết lý giáo dục, bổ sung những triết lý giáo dục mới cho phù hợp với thời cuộc.

Tiếp đến ở khâu thiết kế nền giáo dục, CNTT-TT là động lực thúc đẩy hình thành những thiết kế giáo dục phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước. Với sự hỗ trợ của CNTT-TT, một học sinh có thể rút ngắn rất nhiều thời gian để tiếp thu lượng kiến thức trong 1 năm học so với phương thức truyền thụ thày đọc - trò chép trước kia. Từ thực tế này, đã có ý tưởng đề xuất thiết kế giáo dục mới, trong đó rút ngắn thời lượng học phổ thông và đại học để tiết giảm đầu tư xã hội, gia tăng sự đóng góp thiết thực của giới trẻ cho sự phát triển KT-XH của đất nước.

Còn ở khâu triển khai những hoạt động giáo dục và đào tạo cụ thể, CNTT-TT có khả năng góp phần gia tăng hiệu quả, giảm thời gian và chi phí cho cả cộng đồng. Suốt thời gian dài qua, mỗi lần thi cử là hàng chục triệu gia đình khốn khổ, hoặc cứ mỗi đợt tuyển sinh lại rộ lên chuyện xếp hàng, đạp đổ hàng rào cổng trường để lấy mẫu đơn đăng ký… Nếu ứng dụng CNTT-TT vào việc thi cử, tuyển sinh sẽ không còn xảy ra những chuyện như vậy.

Với vai trò vừa nêu thì CNTT-TT ắt hẳn không thể đứng ngoài các chương trình, kế hoạch cải cách giáo dục?

Gần 30 năm nay chúng ta chưa có một cuộc cải cách giáo dục toàn diện nào trong khi đất nước đã có sự thay đổi rất cơ bản, chuyển từ nền kinh tế bao cấp, bị cô lập bao vây cấm vận sang hội nhập quốc tế sâu rộng, trong xu hướng cả thế giới đang chuyển sang kinh tế tri thức và xã hội thông tin. Một nguyên nhân dẫn tới sự lạc hậu của nền giáo dục Việt Nam suốt thời gian qua chính là lối tư duy lạc hậu, bảo thủ. Vẫn còn hiện tượng né tránh nhắc tới cải cách giáo dục bởi e ngại rằng việc chấp nhận cải cách giáo dục đồng nghĩa thừa nhận lâu nay mình làm kém. Tuy nhiên, đã đến lúc không thể không cải cách, đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Và trong quá trình cải cách giáo dục lần này, nếu không ứng dụng CNTT-TT thì sẽ là sai lầm rất lớn. Tôi cho rằng CNTT-TT có vai trò tạo sự đột phá, then chốt cho một đợt cải cách giáo dục thực sự.

Thế nhưng, trong dự thảo "Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam" đang được Bộ Giáo dục & Đào tạo soạn thảo gần đây, CNTT vẫn chưa được đề cập một cách xứng tầm. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Rất nhiều nhà chính trị, nhà kinh tế, nhà xã hội học, nhà khoa học, doanh nhân… đã góp ý để CNTT có một vị trí xứng đáng trong "Đề án Đổi mới cơ bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam" để CNTT là một điểm có tính chất đột phá, cơ bản, then chốt trong công cuộc đổi mới nền giáo dục.

Ban Tuyên giáo Trung ương cũng rất tích cực, cầu thị tiếp thu những ý kiến và dự thảo Đề án đã có nhiều thay đổi đáng kể cả về vấn đề triết lý, quan điểm tư duy thiết kế cấu trúc nền giáo dục, trong đó có cả những nội dung về ứng dụng CNTT để góp phần đổi mới, cải cách nền giáo dục.

Tuy nhiên, trong phiên bản dự thảo gần đây nhất mà tôi được biết thì CNTT vẫn chưa được đặt xứng tầm đáng lý nó phải có trong điều kiện chúng ta thực sự cải cách nền giáo dục nước nhà với tầm nhìn ít nhất 30 năm.

Theo tôi, giáo dục - đào tạo là sự nghiệp của toàn dân. Để xây dựng Đề án Đổi mới giáo dục Việt Nam không nên chỉ tổ chức hội thảo, dựa vào ý kiến đóng góp của các nhà lãnh đạo hay chuyên gia ngành giáo dục mà nên lấy ý kiến toàn xã hội, có vậy mới điều chỉnh và thay đổi những lối mòn nhất định trong tư duy giáo dục của ta lâu nay. Khi cả xã hội cùng tham gia xây dựng thì Đề án sẽ hay hơn, súc tích hơn rất nhiều, tạo được sự đồng thuận khi thực hiện, sẽ giải đáp được sự lo ngại về những khó khăn trước mắt, những lo ngại về cơ chế chính sách hay chuyện tư duy bảo thủ, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Theo ý kiến chủ quan của ông, trong Đề án đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam, vai trò CNTT nên được đề cập như thế nào?

Dự thảo Đề án đã đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà, trong đó, vai trò của CNTT mới chỉ rõ nét trong 2 giải pháp về đổi mới quản lý giáo dục, và đổi mới các phương pháp dạy - học.

Thực ra, trong cả 8 nhiệm vụ, giải pháp từ đổi mới tư duy đến đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học, nội dung chương trình, sách giáo khoa, đến hợp tác quốc tế, cấu trúc cơ chế tài chính... đều cần có ứng dụng CNTT để đổi mới. Theo tôi, nên thêm giải pháp thứ 9 là ứng dụng CNTT trong tất cả các giải pháp đổi mới giáo dục. Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh rằng nên mở rộng thảo luận, tranh luận để góp ý xây dựng cho Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam vì giáo dục - đào tạo là sự nghiệp của toàn dân, toàn xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Theo Ictnews.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0