|
Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta nên đưa ra các biện pháp ngăn chặn, loại bỏ thông tin sai phạm thay vì phạt tiền các doanh nghiệp nước ngoài vi phạm |
Khung hình phạt trên cũng được áp dụng nếu các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có số lượng lớn người sử dụng không thực hiện đúng các nội dung đã cam kết phối hợp với Bộ TT&TT trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm như có biện pháp bảo vệ những thông tin riêng, thông tin cá nhân của người sử dụng Việt Nam; thông báo cho người sử dụng Việt Nam bằng tiếng Việt về các rủi ro, quyền và trách nhiệm khi đăng tải và trao đổi thông tin trên Internet; đảm bảo quyền quyết định của người sử dụng Việt Nam đối với việc cho phép tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài sử dụng thông tin cá nhân của mình; đảm bảo người sử dụng Việt Nam được quyền xoá bỏ hoàn toàn thông tin riêng của mình trên cơ sở dữ liệu của tổ chức, doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có số lượng lớn người sử dụng sẽ bị phạt từ 50 -70 triệu đồng nếu không cam kết phối hợp với Bộ TT&TT trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan tới việc cung cấp dịch vụ hay không thông báo về Bộ TT&TT các thông tin gồm tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, số fax, địa chỉ thư điện tử của người đại diện có thẩm quyền của mình.
Số tiền phạt cao nhất đối với các doanh nghiệp cung cấp thông tin cộng cộng qua biên giới lên đến 100 triệu đồng cho hành vi không thực hiện quy trình, thủ tục phối hợp với Bộ TT&TT để thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm có liên quan tới việc cung cấp dịch vụ.
Bộ TT&TT sẽ quy định cụ thể tiêu chí đánh giá và công bố danh sách trang thông tin điện tử của các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có số lượng lớn người sử dụng tại Việt Nam theo từng thời kỳ.
Sau khi Dự thảo được đưa lên website để lấy ý kiến, một chuyên gia trong lĩnh vực Internet cho rằng, do trên Internet, biên giới các quốc gia đã bị “xóa nhòa” trong khi luật pháp chỉ hiện hữu trong lãnh thổ của từng nước. Vì thế, luật pháp, chế tài đưa ra chỉ để các doanh nghiệp nước ngoài biết rằng họ có quyền và nghĩa vụ như thế nào khi cung cấp dịch vụ ở từng quốc gia. Trong trường hợp doanh nghiệp nước ngoài vi phạm, chúng ta có thể có các biện pháp ngăn chặn, loại bỏ để tự vệ khi họ đưa ra những thông tin chống phá nhà nước thay vì xử phạt bằng tiền như trong Dự thảo 2 của Nghị định. “Rất khó xử phạt cụ thể nếu doanh nghiệp nước ngoài không hiện diện ở Việt Nam”, vị này cho biết thêm.
Dự thảo đang trong thời gian lấy ý kiến và dự kiến sẽ được ban hành trong năm 2013.
Theo Ictnews.vn