|
Ảnh minh họa |
Đề xuất trên của Bộ Thông tin và Truyền thông được thể hiện tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm thay thế Nghị định 28/2009/NĐ-CP.
Cần chế tài cụ thể
Trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong thời gian qua, Thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông đã triển khai nhiều cuộc thanh tra trong lĩnh vực Internet, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này với tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng và tịch thu nhiều tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Riêng trong năm 2011, Thanh tra các Sở đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 259 cuộc tại 3.239 cửa hàng, đại lý Internet; lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đối với 730 trường hợp trong đó phạt cảnh cáo 133 trường hợp và phạt tiền 597 trường hợp với tổng số tiền phạt là 1.459.800.000 đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, sau một thời gian dài triển khai, với sự phát triển nhanh và mạnh về mọi mặt đối với dịch vụ Internet, lượng người sử dụng dịch vụ và cung cấp dịch vụ tăng mạnh nên vẫn còn tình trạng vi phạm xảy ra.
Các quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Internet quy định tại Nghị định 28/2009/NĐ-CP cũng đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp, không sát với thực tế, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan giám sát thực thi pháp luật, trong đó điển hình là về điều kiện kinh doanh tại một số đại lý Internet.
Phạt tối đa đến 200 triệu
Để khắc phục những hạn chế trên, dự thảo Nghị định mới do Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo đã quy định cụ thể hình thức và mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm các quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet; hành vi vi phạm các quy định về tài nguyên Internet; hành vi vi phạm hành chính về quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng…
Đặc biệt, để ngăn chặn hiệu quả hơn các hành vi vi phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất nâng mức phạt tối đa lên đến 200 triệu đồng, tức là cao gấp gần 3 lần so với mức tối đa 70 triệu tại Nghị định 28/2009/NĐ-CP hiện hành.
Mức phạt cao nhất 160-200 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi thiết lập hệ thống thiết bị để cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng G1 không có giấy phép hoặc sử dụng quá hạn giấy phép.
Đồng thời, hành vi trên chịu thêm hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.
Không thông tin phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi phạt đến 30 triệu đồng
Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, những vi phạm khác về các quy định về trò chơi điện tử trên mạng cũng cần xử lý nghiêm.
Cụ thể, phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với các hành vi: Không cung cấp thông tin về phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi trong các chương trình quảng cáo hoặc trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp hoặc trong từng trò chơi; không đảm bảo quyền lợi của người chơi theo đúng luật lệ trò chơi điện tử hoặc không giải quyết các tranh chấp phát sinh.
Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng nằm trong phạm vi bán kính của các trường tiểu học hoặc trung học cơ sở, trung học phổ thông dưới 200m; hoạt động ngoài khoảng thời gian từ 8 - 22 giờ hàng ngày cũng bị phạt từ 10 – 20 triệu đồng.
Theo Baodientu.chinhphu.vn