“Qua các số liệu phân tích của các công ty nghiên cứu thị trường, nhu cầu tiêu thụ linh kiện bán dẫn ở Việt Nam trong năm 2012 ước chừng 2 tỉ đôla Mỹ. Trong đó, nhóm sản phẩm bán dẫn tương tự (analog) kết hợp với các tính năng kỹ thuật số khoảng 1,3 tỉ đôla Mỹ, phần còn lại thuộc về nhóm linh kiện bán dẫn kỹ thuật số”. TS Bùi Ngọc Châu, cố vấn của trung tâm nghiên cứu và thiết kế vi mạch (ICDREC), trực thuộc đại học Quốc gia TP.HCM cho biết như vậy.
Kỹ thuật viên của ICDREC đang kiểm định lõi IP trước khi đưa vào thiết kế vi mạch. Ảnh: Minh Phúc
|
Có gì sau 30 năm?
Con số trên quả là hấp dẫn nếu như Việt Nam có đầy đủ năng lực về công nghệ, nhà máy và con người cho lĩnh vực công nghiệp sản xuất vi mạch. Thế nhưng hiện nay, giá trị của ngành công nghiệp này theo số liệu của TS Châu, hoàn toàn nằm ở trong tay các tập đoàn nước ngoài chỉ vì Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất vi mạch.
Việt Nam hiện nay cũng đã có nhiều nhà đầu tư về vi mạch như Renesas, Applied Micro… nhưng công việc của họ chỉ dừng lại ở khâu nghiên cứu và thiết kế, sau đó, đem về công ty mẹ gia công hoặc sản xuất ở một nhà máy nào đó. Còn ở trong nước, hiện chỉ có ICDREC là đơn vị nghiên cứu, thiết kế và sản xuất vi mạch nhưng cũng chỉ là thử nghiệm để khẳng định trình độ và năng lực trong ngành vi mạch hơn là sản xuất phục vụ xã hội và cộng đồng. “Quy mô của chúng tôi chỉ đủ sức làm những vấn đề về vi mạch để khẳng định rằng đội ngũ kỹ thuật của chúng tôi sẵn sàng làm được chip, từ 8 bit cho đến 32 bit cho những sản phẩm thông dụng trong đời sống và trong quốc phòng. Muốn xây dựng và phát triển công nghiệp vi mạch đúng với định nghĩa của nó, cần có bàn tay của Chính phủ và các bộ ngành”, ông Ngô Đức Hoàng, giám đốc ICDREC chia sẻ.
TS Đỗ Văn Lộc, nguyên vụ trưởng vụ Công nghệ cao (bộ Khoa học và công nghệ) xác nhận: “Hiện nay, Việt Nam chưa hình thành cái gọi là công nghiệp vi mạch. Hơn 30 năm trước, chúng ta đã có những bước đi manh nha cho ngành công nghiệp này. Nhưng đáng tiếc, do nhiều yếu tố tác động mà lĩnh vực này đã chết cho đến hôm nay”. Cũng theo TS Lộc, tính cho đến nay, số vốn đầu tư của bộ cho dự án vi mạch lớn nhất từ trước đến nay là 124 tỉ đồng cho trung tâm ICDREC nghiên cứu và thiết kế vi mạch cho chip xử lý ứng dụng RFID trong thời gian bốn năm.
Số tiền 124 tỉ đồng của bộ cấp cho ICDREC chỉ là số vốn cấp cho một dự án cấp nhà nước, không hơn không kém. Một chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch nói rằng, không thể phát triển một ngành công nghiệp từ đồng vốn “quá khiêm tốn” như vậy được.
Hy vọng từ TP.HCM
Từ những việc làm ban đầu của ICDREC và đại học Quốc gia TP.HCM, thay vì chờ những định hướng từ Chính phủ và các bộ ngành, TP.HCM đã tiên phong trong việc xây dựng ngành công nghiệp vi mạch theo quy trình đồng bộ, từ nghiên cứu, thiết kế cho đến sản xuất. TS Lộc thừa nhận rằng, nếu không có những việc làm của các tổ chức nghiên cứu về vi mạch như ICDREC và những động thái mạnh mẽ của TP.HCM, khó xây dựng những chính sách chung để phát triển công nghiệp vi mạch Việt Nam.
Qua nhiều năm chuẩn bị về mô hình công nghệ, chính sách đào tạo nhân lực, chiều ngày 22.8.2012, phó chủ tịch UBND TP.HCM kiêm trưởng ban chỉ đạo chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM Lê Mạnh Hà đã đồng ý về mặt chủ trương kế hoạch phát triển vi mạch TP.HCM. Đây cũng được xem là chương trình nòng cốt của công nghiệp vi mạch quốc gia. Nguồn tiền ban đầu cho chương trình này, theo ông Lê Mạnh Hà là 7.506 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách TP.HCM sẽ có kế hoạch hỗ trợ 453 tỉ đồng, phần còn lại, các doanh nghiệp có tham gia chương trình sẽ vay ngân hàng Phát triển Việt Nam 5.634 tỉ đồng, vay chương trình kích cầu của TP.HCM là 669 tỉ đồng... Điểm nhấn của chương trình này là tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn được đồng ý làm chủ dự án xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử được đặt tại khu công nghệ cao TP.HCM với vốn đầu tư ước tính là 6.600 tỉ đồng.
Theo đề án của tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, công nghệ của nhà máy sản xuất tấm nền 8 inch với công nghệ CMOS 180nm (nanomet). Thiết kế ban đầu của nhà máy này có công suất 300 triệu sản phẩm/năm. Nhiều chuyên gia vi mạch cho rằng, việc lựa chọn công nghệ 180nm sẽ “tụt hậu” quá xa so với công nghệ hiện nay trên thế giới. Nhưng theo TS Bùi Ngọc Châu, việc lựa chọn công nghệ 180nm sẽ giúp giảm giá thành đầu tư ban đầu, dễ dàng chuyển giao và sử dụng. “Vì Việt Nam chưa từng sản xuất linh kiện bán dẫn, nên chỉ cần thiết lập một nhà máy không ở công nghệ cao nhất, đủ để cung cấp cho thị trường bán dẫn nội địa, đào tạo nguồn nhân lực có kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực vi mạch. Từ nhà máy này sẽ thúc đẩy một hệ sinh thái sản xuất từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất cho đến những phần mềm ứng dụng tích hợp trong một hệ thống hoàn chỉnh”.
Chương trình sản xuất vi mạch điện tử là chương trình ưu tiên của TP.HCM giai đoạn 2011 – 2015. Hiện tại, những kế hoạch của TP.HCM từ việc xây dựng nhà máy cho đến các dự án hỗ trợ đang ở giai đoạn “đồng ý về mặt chủ trương”. Trong thời gian tới, cần có sự quyết tâm của tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn và cũng như sự quyết liệt hỗ trợ của chính quyền TP.HCM để kế hoạch sớm thành hiện thực.
Theo Baomoi.com.vn