|
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phá biểu khai mạc Hội thảo |
Tới dự có các ông: Nguyễn Minh Hồng-Thứ trưởng Bộ TT&TT, Nguyễn Thành Trí- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; Bùi Mạnh Hải-Chủ tịch VAIP; đại diện lãnh đạo các địa phương trong cả nước; trên 600 đại biểu, đại diện các: Bộ-Ban Ngành TW; các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp; sinh viên các trường Đại học đang hoạt động, học tập trên lĩnh vực CNTT–TT và đông đảo cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông...
Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đã nhấn mạnh việc xây dựng chính quyền điện tử minh bạch, hiệu quả là nhiệm vụ thiết yếu. Ông cho biết, với lợi thế là một nước có dân số trẻ, có số người sử dụng Internet đông đảo, sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, Ngành cùng các địa phương, việc ứng dụng và phát triển CNTT ở Việt Nam những năm qua đã đạt được một số thành tựu đáng kể. Năm 2011, tổng doanh thu toàn ngành CNTT-TT đã đạt 20 tỷ USD, cả nước có 29/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 63/63 tỉnh thành phố đã có trang/cổng thông tin điện tử. Các cơ quan TW và địa phương đã triển khai được hơn 94.000 dịch vụ công mức 1 và 2, gần 900 dịch vụ công mức 3 và 11 dịch vụ công mức 4. Năm 2012, CPĐT Việt Nam được Liên Hiệp Quốc xếp hạng 83/190 nước trên thế giới (tăng 7 bậc so với năm 2010)...
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về CNTT-TT, Bộ TT&TT sẵn sàng lắng nghe các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về CNTT-TT cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Hội thảo sẽ không ngừng hoàn thiện cả về nội dung chương trình và tổ chức nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của các đại biểu. Hội thảo thành công sẽ góp phần từng bước xây dựng một chính quyền điện tử thực sự hiệu quả cho tỉnh Đổng Nai, khu vực miền Đông-miền Tây Nam Bộ tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho toàn vùng nói riêng và cả nước nói chung-Thứ trưởng Hồng mong muốn và tin tưởng.
Các đại biểu đã mang tới Hội thảo trên 50 bản báo cáo, tham luận. Trong số đó, phát biểu của Cục An ninh TT&TT (A 87-Bộ Công an) đã cảnh báo nguy cơ đã, đang mất an toàn-an ninh trong môi trường internet rất đáng lo ngại, do vậy cần hết sức cảnh giác và cấp bách có những giải pháp hữu hiệu; Sở TT&TT Đà Nẵng ngoài việc giới thiệu thành tựu đạt được khi ứng dụng và phát triển CNTT, còn đưa ra 09 đề xuất, kiến nghị với Bộ TT&TT và các cơ quan hữu quan; ông Phùng Văn Ổn-GĐ Trung tâm Tin học -Văn phòng Chính phủ đã nêu vấn đề “Nhận thức & Hành động”; trong việc triển khai, thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đại diện cơ quan quản lý thuộc Bộ TT&TT, ông Nguyễn Thành Phúc-Cục trưởng Cục UD CNTT với “định hướng UD CNTT-TT trong hoạt động của cơ quan nhà nước”. Một số tham luận khác của: Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai; Bộ TN&MT và các Sở TT&TT An Giang; Long An; Bà Rịa–Vũng Tàu; Trà Vinh; TP.HCM; Cục Hải Quan Đồng Nai; Viettel; Cục BĐTW; FPT...đã mang đến Hội nghị những thông tin bổ ích và thiết thực. Nhìn chung, các tham luận lần đều đi thẳng vào những gì bất cập, khó khăn trong việc UDCNTT và triển khai Chính phủ - Chính quyền điện tử nhất là cấp quận, huyện thị và xã, phường. Một số vấn đề nổi cộm như: nhân sự (theo đó là những chế độ chính sách); kết nối (dọc-ngang); phần mềm nguồn mở; kinh phí đầu tư, cơ sở hạ tầng; và nhận thức của lãnh đạo, cán bộ ở nhiều cấp...vẫn là những “hàng rào” không dễ gì một sớm-một chiều gỡ bỏ được.
Buổi sáng, Hội thảo tập trung tại hội trường lớn nghe các tham luận, buổi chiều các đại biểu được phân chia thành hai phân ban a và b. Phân ban a/ “UDCNTT&TT với chính quyền điện tử. Phân ban b/ Vấn đề “Giải pháp-Công nghệ và nguồn nhân lực CNTT.
Chủ đề của hội thảo lần lần này mang ý nghĩa lớn, có nhiều thông tin rất giá trị, các đại biểu có cơ hội chia sẻ về hiện trạng, khả năng, nhu cầu, giải pháp và đề xuất, kiến nghị bổ sung so cho hoàn thiện các thể chế, chính sách trong hoạt động CNTT-TT. Bên cạnh đó cũng là dịp để các địa phương gặp gỡ, trao đổi những việc làm từ thực tiễn có hiệu quả, những kinh nghiệm về ứng dụng và phát triển CNTT-TT. Để từ đó xác định cho hướng đi, mô hình phát triển phù hợp cho địa phương mình trong giai đoạn tới.
Trước đó, chiều ngày 23/8 triển lãm Sản phẩm CNTT–TT-Đồng Nai 2012 chính thức mở cửa, triển lãm này đã có 38 tổ chức, doanh nghiệp tham gia với hơn 60 gian hàng. Nhiều doanh nghiệp tên tuổi trong ngành CNTT-TT như: Viettel, FPT, VNPT, MobiFone...cùng với một số đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước, các Sở (trong đó có Sở TT&TT Hà Nội) cũng như các trường Đại học, Cao đẳng đóng tại địa phương xuất hiện tại đây. Một số sản phảm mới đã được tích hợp cùng các giải pháp công nghệ mới, ứng dụng CNTT được phô diễn tại đây như: máy nước nóng năng lượng mặt trời, các hệ thống giám sát an ninh - camera, các sản phẩm phục vụ cho ngành GD-ĐT; hướng dẫn việc kê khai thuế điện tử (Tổng cục thuế), hay kết quả của sự sáng tạo do thầy-trò trường Đại học Lạc Hồng bằng các Robocon đã gặt hái được nhiều thành tích qua các cuộc thi trong nước và quốc tế.
Buổi chiều cùng ngày 24/8, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Đồng Nai-ông Trần Văn Vĩnh-Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cùng các đại biểu đã chứng kiến Lễ trao cờ truyền thống đăng cai lần thứ XVII-năm 2013 từ Đồng Nai cho Thừa Thiên-Huế.
Theo Mic.gov.vn