|
Vụ ca sĩ Thái Thùy Linh lên tiếng “tố” 8 website vi phạm bản quyền và đòi bồi thường là một trong những vụ kiện tụng về bản quyền nhạc số "đình đám" trong những năm qua. |
Câu chuyện bản quyền nhạc số không phải bây giờ mới được nói đến. Nó đã được nói đến rất nhiều từ năm 2005, khi mà thói quen nghe nhạc online bắt đầu được định hình trong cộng đồng người Việt.
ICTnews sẽ điểm lại những vụ kiện tụng liên quan đến bản quyền nhạc số tốn nhiều giấy mực của truyền thông trong suốt một thời gian dài.
“Lùm xùm” chuyện Nhacso.net, RIAV
Ngày 8/7/2008, FPT Online (nhacso.net) có công văn gửi các chủ sở hữu các website cung cấp dịch vụ liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến các tác phẩm âm nhạc trên mạng Internet bao gồm yeuamnhac.com, nhac.vui.vn, socbay.com, inghe.vn, pops.vn, miu.vn, nhaccuatui.com, mp3.zing.vn… khẳng định, trung tâm âm nhạc trực tuyến của FPT Online đang là đối tác duy nhất có được sự ủy thác độc quyền kinh doanh bản quyền các bản ghi trên môi trường Internet của hầu hết các hãng băng đĩa uy tín và có số lượng bài hát lớn nhất Việt Nam. Và ở thời điểm hiện tại, FPT Online chỉ mới cấp phép cho duy nhất Công ty Yahoo! Việt Nam quyền sử dụng các bản ghi trên môi trường Internet.
Tuy nhiên, theo phía Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV), Hiệp hội mới là đơn vị duy nhất có được sự ủy thác quyền từ phía các hãng băng đĩa ghi âm, do đó việc thông tin của FPT Online đưa ra là sai thực tế.
Khi đó, mối quan hệ giữa RIAV và FPT Online “căng như dây đàn”. Bên nào cũng cho mình đúng, có quyền đại diện cho ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất với các đối tác và… đòi đưa nhau ra toà phân xử. Tuy nhiên, cuối cùng sự việc không đi đến đâu. Bản thân, Nhacso.net cũng bắt đầu đi xuống và người dùng dần bỏ sang những trang nhạc khác được đầu tư công phu và kĩ lưỡng hơn như NhacCuaTui hay Zing MP3.
Không chỉ RIAV, ngày 26/8/2008, Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI) có văn bản gửi FPT Online thông báo website (forum/gate.vn/nhacso) thuộc quản lý của đơn vị này, vi phạm bản quyền khi đưa các tệp tin nhạc quốc tế lên website của mình mà chưa được sự cho phép của chủ sở hữu bao gồm gần 100 ca khúc được liệt kê, đa số là các ca khúc quốc tế do các ca sĩ tên tuổi thực hiện như Madona, Mariah Carey (For The Record), Katy Perry (I Kissed A Girl), Pussycat Dolls (When I Grow Up)…
RIAV khởi kiện Nokia và dịch vụ IPTV của FPT Telecom
Ngày 27/10/2008 , RIAV công bố đã thu thập đủ chứng cứ và sẽ khởi kiện Nokia cùng dịch vụ IPTV của Công ty FPT Telecom, vì đã sử dụng các bản ghi âm nhằm mục đích thương mại mà chưa được sự chấp thuận của các hãng băng đĩa là hội viên của RIAV.
Theo RIAV, hầu hết sản phẩm phát trên IPTV không trả tiền bản quyền cho các nhà sản xuất. Trong khi đó để quảng bá cho sản phẩm Nokia 5320 vừa ra mắt hồi tháng 8, Nokia đã tặng kèm cho khách hàng mua điện thoại này một thẻ tải nhạc. Thẻ này cho phép khách hàng tải miễn phí 1.000 ca khúc từ trang http://mp3.nhacso.net/nokia thuộc Công ty cổ phần trực tuyến FPT - FPT Online.
Tuy nhiên, theo RIAV, trong số 10.644 ca khúc trong kho nhạc này có rất nhiều ca khúc thuộc quyền sử dụng của các thành viên của hiệp hội và các thành viên này chưa hề bán hay cho phép nhacso.net quyền khai thác, sử dụng. Sự việc "rùm beng" đến mức Nokia Đông Nam Á đã phải đến gặp RIAV để giải quyết xung đột.
Mỹ Tâm kiện nhạc chuông “xài” tiếng ca sĩ
Cuối tháng 8/2009, Công ty TNHH Dịch vụ giải trí Mỹ Tâm đã gửi văn bản đến Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) và một số công ty dịch vụ viễn thông, mạng điện thoại di động MobiFone, VinaPhone, Viettel... thông báo việc “thanh toán thù lao quyền liên quan”.
Trong văn bản, ca sĩ Mỹ Tâm cho rằng nhiều đơn vị sử dụng quyền liên quan (tức quyền của người biểu diễn trong các bản ghi âm, ghi hình - gọi tắt là quyền của người biểu diễn) của cô trong dịch vụ nhạc chuông, nhạc chờ và một số dịch vụ khác để kinh doanh thương mại.
Sau đó, tất cả các đơn vị kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ đồng ý trả tiền cho ca sĩ Mỹ Tâm với tư cách là “người biểu diễn”. Số tiền Mỹ Tâm thu được từ quyền biểu diễn khoảng gần 1 tỷ đồng.
Thái Thùy Linh “tố” 8 trang nhạc vi phạm bản quyền
Sau nửa năm phát hành, album Bộ đội của Thái Thùy Linh chỉ bán được 300 bản, trong khi đó lượng nghe/tải lên đến gần 700.000. Vì thế, Thái Thùy Linh thông qua Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) gửi công văn đến 8 trang web nhacvui.vn, nhacso.net, nhaccuatui, mp3.xalo.vn, music.go.vn, showbiz.xzone.vn, mp3.zing.vn và yeucahat.com đã đăng tải ca khúc của cô đòi tiền bản quyền lên đến gần 400 triệu đồng.
Đại diện VCPMC cho biết, sau khi nhận được 2 công văn của VCPMC, phần lớn các đơn vị đều có phản hồi, dừng vi phạm và đề nghị thương lượng bồi thường.
Nhiều ca sĩ đã bày tỏ quan điểm ủng hộ Thái Thùy Linh trong việc đòi bản quyền với các website âm nhạc. Nhạc sĩ Trần Lập, thủ lĩnh của ban nhạc Bức tường nổi danh một thời, cho biết anh luôn sát cánh cùng Thái Thùy Linh trong vụ việc này. Bản thân Bức tường cũng đã bị các website âm nhạc ngang nhiên vi phạm bản quyền từ nhiều năm qua. Cũng giống Bộ đội, album Ngày khác của ban nhạc Bức tường vừa phát hành đã bị sao chép tràn lan, có mặt trên rất nhiều website âm nhạc.
Đại diện của VCPMC cho biết, Thái Thùy Linh không phải trường hợp đầu tiên nhờ đơn vị này tư vấn hỗ trợ như đơn khởi kiện, khiếu nại của tác giả Vũ Trọng Long, người vừa đạt giải Bài hát Việt 2011, về việc ca khúc của Long bị đưa lên mạng khi chưa được sự đồng ý của tác giả hay tác giả Đỗ Quốc Hưng, khiếu nại về việc hơn 10 album của anh được phát hành trực tuyến mà chưa được phép, dẫn đến việc album không tiêu thụ được.
Theo Ictnews.vn