Trường Đại học Công nghiệp TPHCM là một trong số ít trường thu hút thí sinh vào các ngành công nghệ. Trong ảnh: Giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM hướng dẫn sinh viên khoa cơ khí thực hành trên máy CNC của Đức. (Ảnh: Tấn Thạnh)
Theo thạc sĩ Lê Thị Ngọc Phượng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, trường đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút người học như học phí ngang bằng hoặc thấp hơn các ngành khác nhưng tình hình vẫn không cải thiện khi mỗi lớp chỉ có khoảng 15 đến 20 sinh viên.
“Duy trì lớp học ít sinh viên với học phí không cao là điều khó khăn nhưng không thể xóa bỏ vì trường đã đầu tư lớn mua sắm máy móc trang thiết bị và lực lượng giảng viên vẫn phải làm việc. Nếu đóng cửa thì năm sau sẽ khó tuyển sinh” - bà Phượng nói.
Một thực tế hiện nay là không có nhiều trường đào tạo các ngành công nghệ, kỹ thuật bởi nếu đầu tư vào các ngành này phải đầu tư cực kỳ tốn kém mà tuyển sinh lại khó.
Thích và chọn là hai chuyện khác nhau
Tại hội thảo, nhiều ý kiến chỉ ra rằng không ít thí sinh thích ngành này nhưng lại dự thi vào nghành khác với nhiều lý do khác nhau như cơ hội nghề nghiệp sau ra trường; chọn theo sở thích của cha mẹ hay chọn theo bạn bè…
Về chuyện chọn ngành của giới trẻ hiện nay, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống ví von rằng với thực tế xã hội hiện nay, người ta không chọn người yêu mà chọn người lập gia đình. Ông cho rằng thí sinh có tâm lý chọn ngành dễ đậu để thi, dễ kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp, ra trường có lương cao.
Chú trọng hướng nghiệp để hút thí sinh
Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, khoảng 2 năm nay, tình hình tuyển sinh các ngành công nghệ dù có cải thiện song quy mô vẫn chưa thể mở rộng. PGS-TS Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm 2011, các ngành kỹ thuật của trường đều đã tuyển đủ chỉ tiêu ở cả hệ ĐH lẫn CĐ. Có được kết quả đó là do trường làm tốt công tác hướng nghiệp. Hằng năm, trường đều tổ chức ngày mở để học sinh khối 12 từ các trường THPT có cơ hội tìm hiểu tận tường các ngành nghề từ đó chọn ngành nghề cho tương lai.
|
Theo GS Phạm Phụ, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), nhiều nước phát triển hiện vẫn rất quan tâm đến khoa học công nghệ. Họ luôn có nhiều chính sách nhằm lôi kéo sinh viên có năng lực khoa học công nghệ ở các nước đang phát triển để đào tạo. Tuy nhiên, Việt Nam lại ít chú trọng vấn đề này. Ông nhấn mạnh: “Tình hình công nghệ của Việt Nam hiện nay khiến tôi rất e ngại. Nhận thức về ngành nghề đang bị lệch lạc khiến cho nền khoa học công nghệ nước ta kém phát triển”.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, cho rằng công tác hướng nghiệp đối với học sinh chỉ tập trung vào nhóm ngành kinh tế sẽ tạo nguy cơ mất cân đối nguồn nhân lực trong xã hội.
Nếu không chú trọng những lĩnh vực then chốt sẽ không thu hút được người giỏi vào những ngành công nghệ cao. TS Lê Minh Ngọc, Trưởng Khoa Cơ khí Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, đề xuất ngay lúc này Nhà nước cần phải có các chính sách như học bổng, việc làm và các chế độ đãi ngộ khác để thu hút người tài vào các ngành công nghệ. Theo ông, sẽ khó đạt mục tiêu đến năm 2020, nước ta cơ bản là nước công nghiệp nếu thực trạng nhân lực khối ngành công nghệ chưa được cải thiện.
Theo Dantri.com.vn