Thứ hai, 13/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 20/01/2007
Hậu "VEBIZ 07": Vẫn còn nhiều bài toán cần lời giải!

Sau hai ngày làm việc, Hội thảo - Triển lãm thương mại điện tử Việt Nam (TMĐT VN) - VEBIZ 2007 do Vụ TMĐT (Bộ Thương mại) và Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG tổ chức tại Hà Nội đã khép lại.

Nếu như công tác tổ chức được nhiều đại biểu đánh giá là khá tốt, thì về mặt nội dung thực tiễn vẫn còn một số vấn đề bỏ ngỏ chờ giải quyết...

Nên lạc quan hay thận trọng?

Nên lạc quan hay có cái nhìn thận trọng với tương lai gần của TMĐT VN? (Ảnh: Thế Phong).

Buổi thảo luận chung đã hướng đến một số vấn đề lớn: Nhận diện TMĐT VN và kinh nghiệm tránh rủi ro cho doanh nghiệp TMĐT non trẻ, Vấn đề pháp lý cho TMĐT, Thanh toán điện tử và vấn đề vai trò của các Sở Thương mại trong thúc đẩy TMĐT phát triển.

Trong khi tất cả cùng đồng tình rằng, TMĐT VN  mới chỉ ở mức sơ khai, thì quan điểm nhận định về việc TMĐT VN thời gian tới sẽ phát triển ra sao lại chia thành hai luồng ý kiến trái ngược.

Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, tốc độ phát triển TMĐT ở VN trong những năm sắp tới sẽ rất khiêm tốn, do còn thiếu cơ sở hạ tầng, các rào cản về hành lang pháp lý và vấn đề nhân lực.

Đại diện cho luồng ý kiến này, đại biểu Kim Anh đến từ một doanh nghiệp TMĐT phía Nam nói: "Chúng ta cần hết sức thận trọng và nhìn vào thực tế. Chúng tôi chưa nhìn thấy những doanh nghiệp làm TMĐT thành công điển hình được giới thiệu tại hội thảo này. Ngay cả một số đơn vị đầu tư khá mạnh dạn như VinaGame với "123mua" cũng chỉ dám hy vọng năm 2007 sẽ thu đủ bù chi..."

Nhiều đại biểu khác cùng quan điểm đã phân tích lại cuộc khủng hoảng "bong bóng xì hơi" dotcom cuối thế kỷ trước làm ví dụ minh hoạ, để cho rằng cần tránh việc thành lập ồ ạt hàng loạt doanh nghiệp, sàn giao dịch điện tử mà không giải quyết được nhu cầu, không mang lại giá trị cho xã hội.

Luồng ý kiến lạc quan nói rằng, Việt Nam đã hình thành đầy đủ các yếu tố cần thiết để TMĐT Việt Nam phát triển. Ông Đinh Quốc Tuấn, đại diện Gophatdat.com, một đơn vị hoạt động theo mô hình TMĐT B2B nói rằng ông rất tin tưởng vào các chính sách của nhà nước và kế hoạch tổng thể TMĐT 2010.

Ông Tuấn phân tích: "Nếu theo kế hoạch tổng thể TMĐT đến năm 2010, 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ của VN tham gia TMĐT, 10% người dân có mua bán trên mạng. Giả sử dân số VN 4 năm nữa vẫn khoảng 80 triệu, 10% người dân (khoảng 8 triệu), tham gia mua bán, chỉ cần mỗi ngày họ chi tiêu qua giao dịch điện tử 1USD, mỗi tháng 30 USD, trong vòng một năm với 8 triệu người tham gia giao dịch điện tử, chúng ta có một thị trường nhiều triệu đô la. "Đó sẽ là mảnh đất cho rất nhiều doanh nghiệp TMĐT có thể tồn tại và phát triển."

Đồng tình với cái nhìn lạc quan, ông Nguyễn Thanh Hưng - Vụ trưởng vụ TMĐT đưa thêm các căn cứ rằng, vấn đề nguồn nhân lực sẽ được giải quyết, vì hiện nay đã có các trường (như ĐH Thương Mại) thành lập các khoa chuyên ngành TMĐT, nhiều trường khác có bộ môn TMĐT. Cơ sở hạ tầng, công nghệ có thể coi là đã sẵn sàng, cơ quan quản lý thì luôn tỏ rõ quyết tâm và hành lang pháp lý cũng đã được quan tâm xây dựng khá hoàn chỉnh.

Tuy nhiên ông Hưng cũng khuyến nghị, các doanh nghiệp đi tiên phong về TMĐT có rất nhiều cơ hội, nhưng phải nhìn nhận lại nguồn lực để có hướng đi hợp lý.

"Hãy nhớ rằng, hàng ngàn doanh nghiệp làm TMĐT mới có một eBay, một Amazon hay Alibaba. Tôi rất lo lắng với việc thời gian gần đây, sở thương mại các tỉnh thành liên tục xin cấp phép mở sàn giao dịch điện tử ồ ạt mà thiếu rất nhiều nguồn lực và kiến thức."

Góc nhìn từ bên ngoài

PV VietNamNet đã trao đổi với một số chuyên gia tham dự hội thảo với tư cách diễn giả đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc, những nước có nền TMĐT phát triển và gần gũi với Việt Nam. Họ đều tỏ rõ cái nhìn lạc quan về TMĐT VN, nhưng không phải trong tương lai gần.

"TMĐT Việt Nam mới chỉ bắt đầu" - Ông Miguel Pardo de Zela, Tham tán thương mại - Đại sứ quán Hoa Kỳ nhận xét - "Có rất ít các giao dịch được thực hiện qua mạng Internet".

Ông Brian A. Wong - giám đốc cao cấp bộ phận phát triển và kinh doanh quốc tế của tập đoàn Alibaba đồng tình cho rằng, TMĐT VN mới ở giai đoạn sơ khai, và cần phải có những bước vững chắc trong xây dựng cơ sở hạ tầng về kỹ thuật, công nghệ. Ông Wong nhấn mạnh: "Đặc biệt là thay đổi tư duy nguồn lực con người: tầm nhìn lãnh đạo, định hướng, kích thích sự nhạy bén của doanh nghiệp cộng với thay đổi quan niệm, thói quen mua bán của người dân."

"TMĐT ở VN và Trung Quốc có khá nhiều điểm tương đồng: văn hoá, thói quen mua bán, hoàn cảnh kinh tế xã hội (cùng chuyển từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường)... Nếu tôi làm một phép so sánh chủ quan, TMĐT VN hiện tại cũng giống như Trung Quốc cách đây 7 năm. Sau năm 2001, khi Trung Quốc gia nhập WTO, TMĐT đã phát triển bùng nổ, tôi nghĩ VN cũng sẽ theo lộ trình này."

"Chính phủ Trung Quốc đã rất quyết tâm trong phát triển TMĐT bằng cách phát triển hệ thống hạ tầng Internet với những khoản đầu tư khổng lồ, tạo hành lang pháp lý và nắm vai trò điều tiết. Tất cả như một bệ phóng, sau đó là thông thoáng trong quản lý và mở bung ra cho doanh nghiệp tự lựa chọn con đường phát triển. Khi chính phủ đã tạo ra những cơ sở hạ tầng tốt, tự doanh nghiệp và người dân sẽ nhận thấy TMĐT là dễ dàng, thuận lợi và mang lại giá trị cho họ, tự khắc nó đi vào quỹ đạo..." - Ông Wong chia sẻ.

Diễn giả Seung Jun Lee, làm việc tại Trung tâm Hỗ trợ TMĐT hiệp hội Ngoại thương Hàn Quốc thì cho biết anh rất lạc quan khi thấy Việt Nam đã có một hệ thống luật pháp tương đối hoàn chỉnh liên quan đến TMĐT. Anh nói: "Vấn đề cấp bách của Việt Nam hiện tại, theo tôi là đưa những văn bản pháp lý đó đi vào cuộc sống, mở đường cho các quan hệ, giao dịch điện tử".

Điều kiện nội lực đã sẵn sàng?

Soạn: HA 1012939 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Brian A. Wong (Tập đoàn Alibaba): "Đầu tư vào VN lúc này thì còn hơi sớm, nhưng chắc chắn Alibaba sẽ không bỏ lỡ cơ hội khi thấy thời cơ đến!" (Ảnh Thế Phong)

Tuy nhiên, nếu cứ nhìn theo hướng lạc quan, trong thời gian ngắn, TMĐT Việt Nam khởi sắc, nhiều người nghĩ đến vấn đề: liệu các doanh nghiệp của ta có đủ sức cạnh tranh trước ham muốn thâu tóm thị trường của những gã khổng lồ eBay, Amazon, Yahoo, Google hay liền kề chúng ta là Alibaba...?

Trả lời câu hỏi của VietNamNet "Ông đã từng làm việc, hợp tác hoặc nghe nói đến một doanh nghiệp hay một sàn giao dịch điện tử nào tại Việt Nam trước khi tham dự VEBIZ 2007 chưa? ông Brian A. Wong (giám đốc cao cấp bộ phận phát triển và kinh doanh quốc tế của tập đoàn Alibaba) cho biết: "Tôi mới sang VN lần đầu để tìm hiểu thị trường, nên chưa từng biết hoặc từng làm việc với một doanh nghiệp TMĐT nào ở Việt Nam cả!."

Về khả năng đầu tư vào thị trường Việt Nam, ông  Wong cho rằng "Thời điểm hiện nay có lẽ là quá sớm, nhưng chắc chắn là chúng tôi sẽ không bỏ qua một khi nhận thấy thời cơ đến!"

Có rất nhiều việc phải làm để nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp TMĐT, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chuyên gia đến từ Hàn Quốc đặt mối quan tâm vào vấn đề tăng sức mạnh cạnh tranh cho doanh nghiệp TMĐT vừa và nhỏ: - "Việt Nam là nước có dân số trẻ và trình độ dân trí cao (98% dân số biết đọc, biết viết), đây là những thế mạnh. Tôi nghĩ các bạn nên tập trung vào giới trẻ để phát triển dịch vụ TMĐT; khuyến khích họ tham gia kinh doanh TMĐT, đồng thời ưu tiên xây dựng các hệ thống TMĐT và các kiến thức liên quan có nội dung hoàn toàn bằng tiếng Việt để tăng độ tiếp cận với người dân."

Trong khi đó, về phía các doanh nghiệp VN tham dự hội thảo - triển lãm VEBIZ 2007, vẫn còn rất nhiều ý kiến tranh cãi và bàn luận xung quanh các vấn đề lớn như nên phát triển theo xu hướng nào: B2B hay B2C... Các giải pháp về thanh toán trực tuyến thì hầu như mới chỉ nêu ra danh mục các loại hình và mang nhiều tính quảng cáo, hơn là các thông tin cụ thể về giải pháp có thể áp dụng ngay.

Ngay cả một số đơn vị đã từng triển khai thực tế như Viet Nam Airline (bán vé máy bay điện tử), thì cũng còn vướng mắc rất nhiều vấn đề phát sinh. "Nếu khách hàng của chúng tôi ở các tỉnh thành vùng sâu vùng xa, nơi đơn vị chức trách chưa nhận thức và linh động giải quyết cho các chứng từ thuế đối với khách hàng mua vé điện tử, chúng tôi làm sao bán được vé?" - Đại diện VietNam Airline kết thúc bài diễn thuyết tại hội thảo bằng một câu hỏi như vậy.

Vấn những đề "nóng" như: An ninh trong TMĐT (cụ thể là khung pháp lý cho tội phạm công nghệ cao và tội phạm trong TMĐT - phải được xây dựng và có tính răn đe hợp lý hơn), cũng như các văn bản dưới luật khác như nghị định chứng thực số, chữ ký điện tử... cần được đi vào cuộc sống ngay, thì hầu như mọi người chỉ nhận được các thông tin chung chung không mới: Các cơ quan chức trách đang tiến hành, và sẽ đáp ứng trong thời gian sớm...

VEBIZ 2007 về mặt quy mô rõ ràng đã rất thành công, tỏ rõ vai trò của Bộ Thương mại, vừa điều tiết hợp lý, vừa kích thích TMĐT trong giai đoạn đầu còn non trẻ. VEBIZ 2007 cũng cho thấy những nhu cầu có thực về TMĐT của rất nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước. Nhưng xét về mặt nội dung, vẫn còn một số bài toán thực tế của doanh nghiệp cần lời giải thực tiễn. Vụ TMĐT - Bộ Thương mại đưa ra lời hứa trong những phút cuối của buổi hội thảo, sẽ tổ chức sớm một cuộc gặp gỡ riêng "không bị chi phối về thời gian" với giới doanh nghiệp TMĐT cả nước tại Hải Phòng nhằm làm rõ và tháo gỡ các vấn đề này.

Theo Vietnamnet

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0