|
Mô hình kinh doanh của MB24 thực chất không giống với một sàn giao dịch thương mại điện tử. Ảnh: Anh Quân. |
Cách thức phát triển thành viên mở gian hàng online theo kiểu môi giới hưởng hoa hồng của website MB24 đang gây tranh cãi, đặc biệt sau khi nhiều hội viên vỡ nợ vì mua gian hàng mà không thể kinh doanh, cũng không đòi được tiền.
Website MB24 đi vào hoạt động gần một năm nay, cũng chừng ấy thời gian cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. Tuy nhiên, trong khi kết luận cuối cùng chưa được đưa ra, lượng thành viên tham gia mua gian hàng của "chợ điện tử" này không ngừng tăng, 50 chi nhánh MB24 đã có mặt tại hơn 20 tỉnh thành trên toàn quốc. Theo VTV1, thành viên MB24 hiện đã vượt con số 20.000.
Cùng với sự mở rộng quy mô theo cấp số nhân, MB24 liên tục tổ chức các sự kiện ở nhiều tỉnh thành, khi thì tập huấn kỹ năng, lúc lại gặp mặt thành viên các chi nhánh, lần nào cũng thu hút vài chục tới hàng trăm người. Thậm chí chỉ là sinh nhật một hội viên cũng có hàng trăm người tới dự với không khí cuồng nhiệt.
Gây ấn tượng nhất với cộng đồng mạng thời gian qua là những clip rao giảng kỹ năng vay tiền, mời gọi và thuyết phục người khác làm theo ý muốn của mình. Trong một đoạn video xuất hiện trên YouTube từ tháng 2/2012, giảng viên Thân Ninh Hoài của MB24 đã giới thiệu kỹ năng vay tiền cho học viên theo cách "không giống ai". Những clip này thường thu hút vài chục nghìn người tham gia và hàng chục lời bình luận, khen có chê có.
Như để tăng thêm niềm tin đối với các khách hàng của mình, trong một clip khác, giảng viên Hoài nói rằng mọi hợp đồng lao động đối với MB24 đã được điện tử hóa, lưu trữ và quản lý bởi cơ quan An ninh mạng. Tuy nhiên ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc bộ phận An ninh mạng của Trung tâm An ninh mạng Bách Khoa trong một lần trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình VTV1, cho biết: "An ninh mạng kiểm soát và quản lý các vấn đề kỹ thuật trên server, máy chủ,...Còn riêng về chứng từ, hợp đồng lao động thuộc quyền quản lý của đơn vị và bộ phận khác."
Không chỉ mở các lớp học kỹ năng nhỏ lẻ dành cho học viên, hay còn gọi là thành viên của website, MB24 còn tổ chức những sự kiện quy mô rộng hơn, như "họp báo" trong hội trường lớn hay tập huấn với sự tham gia của đông đảo hội viên và những nhân vật "VIP" trong chuỗi, cùng ban lãnh đạo công ty.
Những dịp kỷ niệm, sự kiện, giao lưu, hay thậm chí sinh nhật thành viên, các "thày" trong công ty cũng được tổ chức rầm rộ. Sinh nhật thành viên được tổ chức theo từng tháng, với đầy đủ chương trình giải trí, ca nhạc...
Trong một video khác, giảng viên Thân Ninh Hoài khoe một năm MB24 tổ chức 10 sự kiện quy mô, và mỗi lần tiêu tốn tối thiểu 1,7 tỷ đồng. Khẳng định số tiền này không thu từ các thành viên, giảng viên Hoài nói rằng MB24 là công ty duy nhất ở Việt Nam có thể chi không dưới 17 tỷ đồng cho các buổi họp và tập huấn trong một năm mà không sử dụng tiền của các thành viên.
Hoạt động của những website như MB24 từng được báo chí nhắc tới từ cuối năm 2011, cảnh báo nguy cơ tiềm tàng đối với người tham gia nếu không hiểu rõ về phương thức vận hành của công ty.
Mặc dù sử dụng tên "sàn thương mại điện tử" nhưng hình thức hoạt động của MB24 lại theo dạng kinh doanh đa cấp, phát triển mạng lưới theo kiểu người này giới thiệu người khác, sử dụng tiền hoa hồng cao ngất để lôi kéo thành viên, trong khi giá trị mua bán trực tuyến gần như không có. Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin của Bộ Công Thương (đơn vị có chức năng chấp nhận đăng ký sàn giao dịch điện tử), cũng chưa thừa nhận MB24 là một sàn giao dịch thương mại điện tử.
Theo khiếu nại của hội viên MB24, những người tham gia trước hết phải trở thành thành viên và đóng khoản tiền trị giá 5,2 triệu đồng để mua gian hàng ảo. Sau đó, các thành viên có thể không cần bán sản phẩm trên gian hàng của mình, mà dành thời gian giới thiệu thêm người khác tham gia để được nhận hoa hồng lên tới 30%.
Tính toán theo cách của MB24, khi một thành viên đạt đến cấp VIP thì thu nhập mỗi tháng có thể lên tới 100 triệu đồng, con số không ít người mơ ước. Đây cũng là nguyên nhân khiến những lời hứa hẹn đưa ra trở nên hấp dẫn hơn. Nhiều người không biết gì về thương mại điện tử, chưa một lần dùng máy tính, cũng vay mượn, thế chấp tài sản để mua một, thậm chí hàng chục gian hàng của MB24. Hàng trăm nông dân Đắk Lắk nguy cơ vỡ nợ vì mua gian hàng rồi mà không thể buôn bán trên đó, cũng không lôi kéo được người khác tham gia, trả lại gian hàng và đòi tiền MB24 cũng không được.
Theo Vnexpress.net