Cập nhật: 17/07/2012 |
CNTT: Bí quyết tiến nhanh, bắt kịp |
|
Thực tiễn quốc tế đã chỉ ra tất cả các nước "tiến nhanh, bắt kịp", đều theo quy luật chung: chọn CNTT làm nền tảng để thực hiện công cuộc hiện đại hóa.
|
|
|
Mô hình hạ tầng mới của các nước phát triển (Ảnh: Thái Hòa)- VTV.vn |
Đặc biệt, một số nền kinh tế như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, đã lấy CNTT làm trụ cột, làm mũi nhọn đột phá, nhờ đó nhanh chóng tiến vượt lên. Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia đang triệt để vận dụng kinh nghiệm này để tạo ra những kỳ tích phát triển mới. Bài học kinh nghiệm từ các nước "nhảy vọt" thành công nhờ CNTT là chính phủ các nước này thực thi quyết liệt tầm nhìn chiến lược về sức mạnh, vai trò của CNTT là động lực quan trọng hàng đầu cho sự phát triển kinh tế - xã hội hiện đại và người đứng đầu chính phủ các nước này trực tiếp lãnh đạo cơ quan chiến lược quốc gia về CNTT và hiện đại hóa đất nước. Lãnh đạo cấp cao nhất của các nước lớn trên thế giới đều chung một tầm nhìn về vai trò của CNTT với tư cách một động lực cho sự phát triển toàn diện xã hội hiện đại trong điều kiện toàn cầu hóa nhanh chóng. Ở Mỹ, trong Thông điệp Liên bang ngày 25/1/2011 Tổng thống Obama nhấn mạnh CNTT như một trong ba ưu tiên hàng đầu sẽ giúp Mỹ năng động hóa nền kinh tế, khôi phục sự phát triển và duy trì vị trí hàng đầu thế giới toàn diện. Nhật đã thành lập Cơ quan đầu não về Chiến lược CNTT do Thủ Tướng làm Tổng Giám đốc. Điều này cho thấy mức độ ưu tiên phát triển CNTT rất cao ở Nhật. Năm 1999 Trung Quốc thành lập Nhóm lãnh đạo công tác tin học hóa Quốc gia, và năm 2001 Thủ tướng Trung Quốc trực tiếp làm Trưởng nhóm cùng với 5 Phó Thủ tướng làm Phó Trưởng nhóm và 25 bộ trưởng là các thành viên nhóm này để lãnh đạo công cuộc "tin học hóa" Trung Quốc với mục tiêu đưa đất nước trở thành "xã hội thông tin". CNTT tạo ra khả năng "tiến nhanh, bắt kịp" CNTT là công nghệ nền tảng của các ngành công nghệ cao, là công nghệ tích hợp nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là tích hợp hai ngành công nghiệp quan trọng: Cơ khí và điện tử tạo nên ngành công nghiệp robot và quá trình tự động hóa sản xuất, làm tăng năng suất lao động - yếu tố quyết định sự thắng lợi của mọi phương thức sản xuất. Theo số liệu từ 25 nước Châu Âu, ngành CNTT chỉ chiếm 5% GDP nhưng đã góp phần thúc đẩy tới 25% tăng trưởng kinh tế và 40% tăng trưởng năng suất lao động. Tại Mỹ, CNTT đóng góp tới 60% sự tăng trưởng về năng suất lao động. Trục kết nối chính để hình thành nền kinh tế tri thức và xã hội thông tin là CNTT, từ đó mở ra thời đại tri thức có vai trò quyết định vượt trội so với vốn, lao động, tài nguyên trong các sản phẩm và dịch vụ, tạo ra tăng trưởng nhanh, bền vững. CNTT tạo ra cuộc cách mạng về quản lý - một nhân tố tăng năng suất - trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ quản lý nhà nước đến quản trị doanh nghiệp, bảo đảm nâng cao hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực. CNTT và hạ tầng CNTT vừa là hạ tầng cho hạ tầng kinh tế vừa là hạ tầng cho hạ tầng xã hội. CNTT không chỉ đem lại lợi ích to lớn về phát triển kinh tế mà còn thúc đẩy mạnh mẽ phát triển xã hội, nâng cao dân trí, mức sống, góp phần xóa đói giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. Ứng dụng CNTT cho phép giải quyết hiệu quả bài toán phát triển, hiện đại hóa các ngành, các lĩnh vực, trong đó quan trọng và trước hết là phát triển, hiện đại hóa hạ tầng giao thông, điện, nước, y tế, giáo dục, hạ tầng đô thị,… một cách tối ưu. CNTT còn góp phần quan trọng tạo điều kiện hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao tri thức và mức sống nông dân - giải quyết hài hòa bài toán tam nông của Việt Nam. Giải pháp CNTT không đòi hỏi sự đầu tư lớn nhưng đem lại hiệu quả rất cao, tạo hiệu ứng lan tỏa xã hội nhanh, mạnh và phạm vi ảnh hưởng sâu rộng; thời gian thực hiện đầu tư ngắn, cho kết quả nhanh và hiệu quả lâu dài. Hiện nay trên thế giới đã xuất hiện xu thế xây dựng quốc gia thông minh. Nhiều quốc gia đang sử dụng công nghệ cao để biến đổi những hệ thống cốt lõi của mình, trước tiên là hệ thống kết cấu hạ tầng nhằm khai thác tốt các nguồn lực có giới hạn và phát huy tối đa các lợi thế so sánh. Những "quốc gia thông minh" tạo ra sức cạnh tranh đột phá dựa trên nền tảng "hạ tầng thông minh", với cấu trúc phát triển hiện đại được xác định bao gồm các yếu tố chính là: Chính phủ điện tử, công dân điện tử (bao gồm cả y tế thông minh, giáo dục thông minh & bảo hiểm), doanh nghiệp điện tử, giao thông thông minh, CNTT, thủy lợi thông minh và lưới điện thông minh. Hệ thống kết cấu hạ tầng thông minh có khả năng tự biến đổi, điều chỉnh và tối ưu hoá việc sử dụng nguồn lực để đáp ứng yêu cầu vận hành của toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội, tạo ra sự tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững. Để đạt được như vậy, đòi hỏi hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia phải được vận hành đồng bộ, giám sát chặt chẽ, cải tiến liên tục, đảm bảo luôn đạt hiệu quả tối đa và không ngừng nâng cao. CNTT chính là yếu tố đóng vai trò then chốt tạo ra sự thông minh của hệ thống hạ tầng, giúp đáp ứng các yêu cầu này và nâng cao hiệu năng của hệ thống hạ tầng nhờ vào quản trị và khai thác thông minh chứ không chỉ còn dựa vào đầu tư mở rộng hệ thống. Việt Nam muốn thực hiện chiến lược "tiến nhanh, bắt kịp", phải tập trung đầu tư vào các ngành công nghệ cao, ở những lĩnh vực có tốc độ đổi mới công nghệ nhanh nhất, có sức lan tỏa mạnh nhất. Bài học kinh nghiệm quan trọng nhất là: Việt Nam muốn thoát khỏi tụt hậu, vượt được "bẫy thu nhập trung bình", chỉ có một lựa chọn duy nhất là đi thẳng vào hiện đại hóa, tiến lên kinh tế tri thức, xây dựng xã hội thông tin bằng con đường tin học hóa, tri thức hóa toàn diện đất nước.
Theo Mic.gov.vn |
|