|
Ba thành viên trong đội GP3S và thầy hướng dẫn Lê Ngọc Sơn (ngoài cùng bên phải) thể hiện quyết tâm nỗ lực cao nhất tại Imagine Cup 2012. |
|
|
Quyết tâm giành kết quả tốt nhất
Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh - GP3S của Việt Nam đem đến chung kết toàn cầu Imagine Cup 2012 (tổ chức tại Sydney, Úc) từ ngày 6/7 đến 10/7, sản phẩm hệ thống cảnh báo công cộng mà người dân có thể sử dụng để cảnh báo chính quyền về các mối đe dọa và rủi ro môi trường tiềm năng. Thông qua chiếc điện thoại thông minh Windows Phone và các ứng dụng dựa trên nền web, các nhà chức trách nhận thông tin và giải quyết vấn đề cùng lúc đưa ra phản hồi cho cộng đồng.
Trao đổi với phóng viên trước giờ bước vào các vòng thi gay cấn, Nguyễn Trần Trí, trưởng nhóm GP3S cho hay, để chuẩn bị cho vòng chung kết, thời gian vừa rồi, ba thành viên của nhóm đã tập trung nâng cấp sản phẩm, từ việc cải thiện hệ thống cũ cho tiện lợi hơn với người dùng, tới bổ sung tính năng mới để không chỉ thuyết phục được người trong nước mà phải phù hợp với thế giới, có khả năng ứng dụng rộng hơn.
Cùng với đó, công tác chuẩn bị nội dung thi cũng được tiến hành từ việc thuyết minh giới thiệu ý tưởng, giới thiệu sản phẩm; chuẩn bị các thủ tục, thiết bị cần thiết, thử nghiệm trên hosting Việt Nam và Quốc tế, làm mô hình trình diễn.
Đây là lần đầu tiên Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM tham dự cuộc thi Imagine Cup Thế giới, nên Trí cho hay, kinh nghiệm chưa có nhiều. “Tuy nhiên, nhóm sẽ cố gắng hết sức mình để giành kết quả tốt nhất. So với những ý tưởng khác, đây cũng là 1 giải pháp rất có ích. Còn tùy thuộc vào đánh giá của Ban giám khảo, nhưng nhóm nghĩ đã rất thành công khi hoàn thiện được sản phẩm như thế này. Giờ thì thi đấu với tinh thần học hỏi, tinh thần Việt Nam” - Trí chia sẻ.
Còn ở thời điểm này, mục tiêu quan trọng nhất được đặt ra đó là nhóm sẽ cố gắng thể hiện ý tưởng của mình, thuyết minh giải pháp để lọt vào TOP 20, đó là điều kiện tiếp tục thi đấu vòng 2 của Chung kết.
Những con số ấn tượng từ Imagine Cup 2012
Dù vòng chung kết cuộc thi mới bắt đầu, song với những gì mà Ban tổ chức công bố cho thấy, Imagine Cup thực sự là một sân chơi công nghệ của giới trẻ, những sinh viên CNTT tâm huyết vì cộng đồng, xã hội.
Qua 10 năm cuộc thi được tổ chức, số lượng các quốc gia và thí sinh tham gia không ngừng tăng. Cùng với đó là chất lượng sản phẩm ngày một nâng cao. Nếu như năm 2003, tổng số thí sinh dự thi là 1.000 đến từ 25 quốc gia, vùng lãnh thổ thì tới năm 2012, đã lên tới hơn 350 ngàn, ở 75 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng số đã có 1,65 triệu thí sinh tham gia cuộc thi thuộc hơn 190 quốc gia trong 10 năm qua.
Theo Ban tổ chức, sản phẩm dự thi cũng thể hiện các xu hướng xã hội khá rõ nét. Năm nay, đã có gần 20% thí sinh tham dự vòng chung kết toàn cầu là phụ nữ và một số đội gồm cả 3 thí sinh đều là phụ nữ tham gia trong hạng mục thiết kế phần mềm (từ Quata, Oman và Ecuador).
Nhằm tìm kiếm sự bền vững, đã có gần một nửa (49%) số dự án và 85% dự án thiết kế Game dự thi lấy chủ đề là các vấn đề về môi trường như tái chế, tiêu thụ năng lượng và quản lý ô nhiễm.
Gần 2/3 (65%) số dự án giải quyết các vấn đề về sức khỏe như chẩn đoán bệnh tật thông qua ứng dụng điện thoại và chủ động tiếp cận các thông tin y tế với mục tiêu theo đuổi một tương lai khỏe mạnh hơn:
Có 23% số dự án nhằm cải thiện đời sống của những người khuyết tật như khiếm thị và khiếm thính, và các bệnh làm hạn chế khả năng di chuyển của con người.
Đặc biệt, với xu hướng xây dựng một thế giới di động, đã có tới 62% số đội tham dự vòng chung kết (64 dự án) tích hợp công nghệ Windows Phone vào các sản phẩm của mình.
Trong số 24 dự án nhằm tăng khả năng tiếp cận cho người khuyết tật như khiếm thị hay liệt, có tới 46% sử dụng công nghệ Kinect của Xbox 360.
Gần một nửa số đội tham dự vòng chung kết sử dụng Windows Azure, tận dụng những lợi thế của điện toán đám mây để giải quyết những vấn đề nan giải nhất của thế giới, từ giảm thiểu mức độ ô nhiễm cho tới chẩn đoán bệnh tật.
Dù hệ điều hành Windows 8 mới được ra mắt chưa bao lâu, song đã có 21 dự án (20%) tận dụng Windows 8 để đảm bảo tương thích với hệ điều hành sắp ra mắt.
Có tới 58% số đội tích hợp Windows Phone đồng thời sử dụng Windows Azure cho sản phẩm của mình; Có hơn 40% số dự án chăm sóc sức khỏe lọt vào vòng chung kết tận dụng các ưu điểm của Windows Phone để cung cấp các công cụ và tài nguyên chăm sóc sức khỏe cho dân cư ở những vùng xa xôi nhất trên thế giới.
Trong tất cả các dự án có chủ đề về môi trường và sự bền vững, có tới 35% sử dụng Bing Maps để hỗ trợ người dùng xây dựng một thế giới thân thiện với môi trường hơn; Giáo dục tương tác với Kinect cũng là xu hướng hấp dẫn tới 66% số dự án tập trung vào giáo dục giúp việc học trở nên tương tác hơn nhờ Kinect cho Xbox 360.
Theo Vnmedia.vn