"Máy tính ảo" đang trở thành sự thật
Theo một khảo sát mới đây của công ty Symantec, có đến 34% doanh nghiệp tại Việt Nam đang triển khai hoặc hưởng những lợi ích từ việc ảo hóa, trong đó có việc ảo hóa máy trạm.
Ông Hàn Quốc Ân, Giám đốc phụ trách bộ phận dịch vụ công nghệ toàn cầu, IBM Việt Nam lý giải ngày nay một giải pháp ảo hóa máy tính trạm (đơn cử như giải pháp Desktop Cloud) cho phép biến mọi thiết bị chỉ bao gồm màn hình (để xem dữ liệu), bàn phím (để nhập liệu) và card mạng (để kết nối), thậm chí thiết bị không cần ổ cứng - trở thành máy tính làm việc thông thường.
|
Tương lai, nhân viên sẽ làm việc trên những thiết bị chỉ gồm màn hình, bàn phím và
card mạng. Ảnh: Techee.
|
Nhờ công nghệ ảo hóa, nhân viên chỉ cần một thiết bị có khả năng kết nối Internet (như máy tính gia đình, máy tính bảng hay điện thoại cá nhân, thậm chí cả smart tivi…) là có thể truy cập vào máy tính ảo (thực chất là cơ sở dữ liệu của nhân viên đó) để làm việc. Điều này khác với phương thức truyền thống là dữ liệu nằm trên máy tính vật lý của nhân viên và họ phải bật chiếc máy đó lên mới làm việc được.
Hiện IBM cũng đang cùng với một số đối tác - nhưng công ty chuyên phát triển những thiết bị như vậy (terminal) để trang bị trong các doanh nghiệp. Như vậy, hình ảnh một chiếc máy tính bảng màn hình trong suốt với bàn phím cảm ứng có khả năng lấy dữ liệu từ "trên mây" cũng không còn là chuyện xa vời.
Từ góc độ bảo mật, ảo hóa máy trạm còn mang lại sự an toàn về thông tin. Trong trường hợp chẳng may nhân viên đánh rơi/mất máy tính xách tay thì kẻ xấu cũng không thể tiếp cận được vào cơ sở dữ liệu của công ty vì dữ liệu không nằm trong máy tính.
“Máy tính ảo” được cho là giải pháp phù hợp với các quốc gia mới nổi trong đó có Việt Nam bởi nhiều lợi ích như phân tích ở trên. Một số doanh nghiệp lớn trong khu vực như Công ty Panasonic Asian (tại Singapore), Ngân hàng Tolyo của Nhật, Công ty Honda Thái Lan,… đều đã triển khai giải pháp này.
Sẽ ngày càng phổ biến
Có 3 lý do khiến máy tính ảo sẽ ngày càng được sử dụng nhiều ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác. Một là chi phí. “Trước đây, nhiều người vẫn cho rằng chỉ những thiết bị đắt tiền như máy chủ, core switch, băng thông mới cần ảo hóa mà quên mất rằng chi phí vận hành, điện, nhân lực để hỗ trợ hàng trăm, hàng nghìn chiếc máy tính cũng tốn không kém. Nhất là khi 1000 chiếc máy tính đó được phân bố ở nhiều nơi, việc quản trị, bảo trì phức tạp lên gấp nhiều lần vì chi phí, thời gian đi lại”, ông Ân bổ sung. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều doanh nghiệp có nhận thức rõ hơn về điều này. Theo tính toán, quản lý một máy tính ảo chỉ bằng 1/2 so với PC truyền thống.
Hai là khả năng dự phòng thảm họa. Theo kết quả khảo sát của Symantec, 71% đơn vị được khảo sát cho biết khả năng sẵn sàng ứng phó thảm họa của họ đã được cải thiện khi ảo hóa. Do toàn bộ dữ liệu được tập trung trên máy chủ và đặt tại các trung tâm dữ liệu, được sao lưu thường xuyên nên khi xảy ra sự cố có thể back up (khôi phục) dễ dàng, nhanh chóng. Thậm chí, ngay cả trong những trường hợp đơn lẻ như một nhân viên hay cán bộ quản lý bị mất laptop cũng không hề gì vì dữ liệu không nằm trên laptop đó mà được lưu trữ tập trung như đã nói ở trên.
Đặc biệt, từ năm 2014, Microsoft sẽ không hỗ trợ Windows XP nữa, khi đó, tất cả các doanh nghiệp đều phải tính tới việc chuyển đổi sang một hệ điều hành mới, ví dụ như Windows 7. Nếu là một doanh nghiệp thông minh, họ cần phải lên kế hoạch nâng cấp toàn bộ hệ thống máy tính của doanh nghiệp mình (có thể lên đến hàng trăm, hàng nghìn máy trải dài khắp lãnh thổ Việt Nam) sao cho vừa tiết kiệm chi phí vừa tiết kiệm thời gian. Và giải pháp ảo hóa máy trạm sẽ là một trong những phương án hữu hiệu nhất.
|
Máy tính ảo giúp nhân viên có thể làm việc ở mọi nơi. Ảnh: Cisco. |
Tại Việt Nam, các tổ chức như ngân hàng, viễn thông,… cũng đang cân nhắc xu hướng chuyển sang dùng “máy tính ảo”. Về cơ bản, việc chuyển sang máy tính ảo không tác động cụ thể đến người dùng cuối vì họ vẫn thao tác như trên máy tính bình thường. Vấn đề là quá trình chuyển đổi nên chuyển tòan bộ hay từng phần. Nếu chuyển tòan bộ thì kinh phí chuyển đổi ban đầu khá lớn nhưng sẽ tiết kiệm được kể từ năm thứ hai trở đi. Trong khi đó, nếu chuyển từng phần thì vẫn tốn chi phí duy trì hệ thống cũ. Còn theo ông Alex Ong, Giám đốc cao cấp của Symantec Việt Nam, doanh nghiệp nên cân nhắc và đánh giá những công nghệ như ảo hóa, đám mây có thể giúp sức thế nào trong giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp.
Theo Pcworld.com.vn