|
Từ trái sang: ông Lê Mạnh Hà, ông Lê Thái Hỷ, ông Chu Tiến Dũng. |
Cùng tham gia buổi gặp gỡ và trao đổi với doanh nghiệp CNTT, ngoài Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà còn có ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TTTT TP.HCM và ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM và nhiều đại diện của các cơ quan quản lí nhà nước. Đại diện lãnh đạo TP.HCM cho biết muốn nghe ý kiến trực tiếp của các doanh nghiệp về những khó khăn mà họ đang gặp phải, đặc biệt là những rào cản nảy sinh từ chính các cơ quan nhà nước khi ban hành các chính sách, quy định và thủ tục. Trên cơ sở đó, TP.HCM sẽ chỉ đạo cho các tổ công tác trực tiếp giải quyết, hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT vượt khó khăn.
Các doanh nghiệp CNTT đánh giá cao tinh thần của buổi làm việc nói chung và của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà nói riêng. Chính vì vậy, các vấn đề khúc mắc, tâm tư nguyện vọng cùng những đề xuất thiết thực trong bối cảnh kinh tế khó khăn đã được các doanh nghiệp trình bày thẳng thắn.
Thế chấp gì để vay ngân hàng?
Thiếu vốn đầu tư khi kinh tế thế giới suy giảm, thị trường trong nước “đứng”, Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm kiểm soát lạm phát ảnh hưởng đến ngân sách dành cho CNTT… là vấn đề nặng nhất mà các doanh nghiệp gặp phải. Tuy nhiên chỉ với “tài sản” con người, các công ty CNTT không biết tìm đâu cách tiếp cận với vốn vay ngân hàng, kể cả nguồn vốn ưu đãi, luôn cần tài sản thế chấp.
Công ty CNTT Charm, công ty Bước Một hay Công ty Giáo dục Song Ngữ tại CVPM Quang Trung đã thử thế chấp đất dự án đang thuê của Nhà nước nhưng Ngân hàng không chấp nhận bởi quyền thuê là từng năm. Các công ty này kiến nghị với TP.HCM cần có chính sách cho đóng tiền thuê đất một lần trong 50 năm để “tạo niềm tin” với ngân hàng.
Công ty Giáo dục Song Ngữ đặt vấn đề liệu cơ quan nào sẽ thẩm định dự án của doanh nghiệp đủ điều kiện để có thể đi vay?
Thuế - câu chuyện muôn thuở
Doanh nghiệp nào cũng liên quan đến thuế. Với ngành phần mềm, ưu đãi thuế đã có nhưng không vì thế mà thuận buồm xuôi gió. Các công ty số hóa dữ liệu như GHP Far East, Digi-Texx, Chìa Khóa Vàng, Cad Net Work rất bức xúc vì phải chịu thuế giá trị gia tăng 10% do không được xem là ngành phần mềm theo thông tư 06/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Một vấn đề khác: doanh nghiệp hỗ trợ ngành phần mềm, như đầu tư hạ tầng, dịch vụ trong các khu phần mềm tập trung, khu công nghệ cao cũng mong muốn được ưu đãi thuế bởi đó là một công đoạn cần có để ngành phát triển. Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty MTV Phát triển CVPM Quang Trung cho biết thực tế: Tại CVPM Quang Trung, đầu tư hạ tầng, dịch vụ là ngành kinh doanh có điều kiện vì chỉ cho doanh nghiệp phần mềm thuê, chọn lọc khách hàng nên gặp nhiều khó khăn.
Với thuế xuất nhập khẩu, khi doanh nghiệp tạm nhập trang thiết bị phục vụ quy trình gia công phần mềm, kiểm thử sản phẩm… sẽ đóng thuế tạm nhập và được hoàn thuế khi tái xuất. Nhưng “nỗi khổ” chung của doanh nghiệp là đã thiếu vốn lại bị “chôn vốn” trong trường hợp này. Do vậy thông qua Công ty MTV Phát triển CVPM Quang Trung, các doanh nghiệp kiến nghị lãnh đạo TP.HCM có chính sách cho doanh nghiệp CNTT nợ thuế nhập khẩu khi tạm nhập thiết bị phục vụ sản xuất.
Thị trường… nhìn đâu cũng khó
Trao đổi bên lề với phóng viên TGVT – PCWorld VN, ông Hà xác nhận TP.HCM vẫn còn yếu trong truyền thông về chính sách ngành CNTT đến doanh nghiệp. Ông Hà cho rằng “các cơ quan báo chí sẽ làm tốt vai trò truyền thông khi các cơ quan nhà nước có được nhiều hoạt động và nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp CNTT”.
|
Công ty phần mềm kế toán Misa cho biết thị trường phần mềm kế toán khắp nơi đều mở, riêng với một số cơ quan trong ngành tài chính, cánh cửa lại đóng do quy định chỉ sử dụng phần mềm trong ngành. Với các công ty phần mềm Phúc Hưng Thịnh, Sara, Energy Information… và nhiều công ty CNTT khác, khó khăn chung hiện nay là khách hàng chậm hay không thanh toán; thị trường trong nước “đóng băng” giảm đầu tư CNTT, các doanh nghiệp CNTT không tiếp cận được với thị trường trong nước...
Về đào tạo, khó khăn không đến từ thị trường mà lại đến từ chính sách. Công ty Golden Alliance International Training không biết làm thế nào để xin giấy phép đào tạo online. (Về đào tạo online, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà nêu quan điểm: nếu Bộ Giáo dục Đào tạo không có quy định về giấy phép đào tạo online thì doanh nghiệp… cứ làm vì doanh nghiệp được quyền làm những gì pháp luật không cấm).
Với các trường đang hoạt động như ĐH Hoa Sen, SaigonTech, FPT và Trung tâm NIIT, các trường mong muốn TP.HCM có thêm nhiều chính sách ưu đãi cho sinh viên CNTT về vay vốn học, giới thiệu việc làm …
Truyền thông chính sách ngành CNTT: lỗ hổng cần lấp
Để giải bài toán về hỗ trợ lãi vay, theo đại diện của Sở KHCN TP.HCM, các doanh nghiệp CNTT có thể tìm hiểu quyết định số 33/2011/QĐ-UBND của TP.HCM về thực hiện các dự án đầu tư thuộc chương trình kích cầu của TP.HCM, ngoài ra là nhiều quỹ hỗ trợ về khoa học công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp…
Tuy nhiên ông Lê Mạnh Hà cũng công nhận rằng việc tiếp cận và hoàn tất được yêu cầu của các chương trình hỗ trợ của Nhà nước không dễ dàng với doanh nghiệp. Ông Hà đề nghị Sở Công Thương TP.HCM lên danh sách các doanh nghiệp cần vay vốn nhưng chưa tiếp cận được để gửi lên ngân hàng Nhà nước tìm cách giải quyết từng trường hợp cụ thể. Các doanh nghiệp cũng có thể trực tiếp đến Phòng Kinh tế Sở KHĐT, Sở Công Thương, Sở KHCN… để tìm hiểu và yêu cầu hỗ trợ.
Đại diện Sở KHCN cho biết các doanh nghiệp cần tìm hiểu luật chuyển giao công nghệ và văn bản dưới luật bởi có nhiều quy định có lợi cho doanh nghiệp chưa được tận dụng. Chẳng hạn doanh nghiệp sẽ được miễn thuế VAT khi chuyển giao công nghệ (thiết bị, đào tạo) mà trong nước chưa sản xuất được. Thực tế nhiều năm nay doanh nghiệp trong nước không tận dụng cơ hội này, trong khi DN nước ngoài, nhất là doanh nghiệp Nhật Bản tận dụng tốn đa.
Rõ ràng còn lỗ hổng truyền thông từ chính sách nhà nước đến thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp. Không thiếu doanh nghiệp đã trở nên điêu đứng vì thiếu thông tin. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà nhận xét rằng TP.HCM không thiếu chương trình kích cầu, đổi mới công nghệ, quỹ KHCN, quỹ đào tạo phát triển nhân lực CNTT để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng thông tin còn tản mát và nhiều doanh nghiệp thiếu thông tin.
“Các quy định nhà nước, có thể trong 200 điều thì có 50 điều là rào cản cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp từ thực tế hãy đề nghị cụ thể về tháo gỡ rào cản lên các Sở TTTT để Sở tập hợp và đề xuất TP.HCM có chính sách kịp thời. Những việc trong tầm tay, thành phố sẽ giải quyết dứt điểm. Những vấn đề cần phối hợp và quy định chung từ các ngành, thành phố cũng sẽ tiếp tục đề nghị các ngành liên quan cùng tham gia giải quyết”, ông Hà khẳng định.
Trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho từng doanh nghiệp
Đây là điều khẳng định, và cũng là kết luận cuối cùng của Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà nêu trong buổi trao đổi. Lời phát biểu “nhà nước phải cùng khai thông với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn” cho thấy tinh thần trách nhiệm, nhìn thẳng vào sự thật, và nhất là quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp bằng những việc làm cụ thể của lãnh đạo TP.HCM.
Theo Pcworld.com.vn