|
Bộ TT&TT đang nỗ lực cùng các địa phương, doanh nghiệp và chuyên gia CNTT-TT tìm ra cách làm mới để việc ứng dụng PMNM trong cơ quan Nhà nước đạt hiệu quả.. |
50 năm cũng chưa thể làm xong!?
Năm 2009, Thủ tướng phê duyệt Quyết định 50 về việc ban hành "Quy chế quản lý Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm và Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam", trong đó có quy định cụ thể về việc mỗi địa phương được ngân sách Nhà nước hỗ trợ trung bình 300 triệu đồng/năm trong 4 năm (2009 - 2012) để phổ cập PMNM trong các cơ quan Nhà nước (CQNN) tại địa phương. Thế nhưng, tới 2010, mỗi địa phương chỉ được nhận 260 triệu đồng cho 2 năm 2009 - 2010. Nguồn hỗ trợ này được ví là "muối bỏ bể", không đủ để các địa phương ứng dụng PMNM hiệu quả. Nhiều nơi chỉ kịp tập huấn cho cán bộ, công chức làm quen với PMNM đã hết tiền. Lãnh đạo tỉnh, thành phố chưa hiểu "mô tê" gì về PMNM, thậm chí nhiều người nghĩ rằng PMNM đồng nghĩa với miễn phí nên chẳng phê duyệt kinh phí đối ứng từ phía địa phương hỗ trợ cho việc triển khai PMNM.
Một nguyên nhân khách quan khiến cho nguồn vốn đầu tư bị "nhỏ giọt" là bối cảnh kinh tế khó khăn chung ở trong nước và thế giới, ngân sách khó có thể "gánh" thêm một khoản hỗ trợ triển khai PMNM cho các CQNN lên tới 75,6 tỷ đồng (cho 4 năm 2009 – 2012), trong khi còn rất nhiều vấn đề khác được xếp hạng ưu tiên hơn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguy cơ mất an toàn an ninh mạng tăng mạnh, nhiều quốc gia đã chuyển hướng sang sử dụng PMNM vì PMNM được nhìn nhận là nâng cao tính an toàn cho hệ thống CNTT của các CQNN hơn là phần mềm thương mại (nguồn đóng) thì việc tăng cường đầu tư phát triển ứng dụng PMNM được cộng đồng liên tiếp đề xuất tới các cơ quan hữu quan.
Đáng lưu ý nhất, ngày 17/5/2010, Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT ban hành Thông báo 05, đề xuất Bộ Tài chính phối hợp với Bộ TT&TT bổ sung kinh phí phát triển PMNM cho các địa phương theo Quyết định số 50/2009/QĐ-TTg về Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số, trong đó bổ sung 100% kinh phí còn thiếu (170 triệu/năm) cho các địa phương khó khăn, không có khả năng tự cân đối ngân sách và bổ sung 50% kinh phí còn thiếu (85 triệu/năm) cho các địa phương nhận hỗ trợ ngân sách từ Trung ương còn lại để triển khai ứng dụng PMNM. Song tới giờ, chỉ còn nửa năm là kết thúc giai đoạn 4 năm 2009 -2012 trong Quyết định 50 của Thủ tướng, vẫn chưa thấy đề xuất này được chấp thuận.
"Với sự hỗ trợ kinh phí hiện tại từ ngân sách Nhà nước thì 50 năm nữa Bắc Giang mới xong lộ trình chuyển đổi máy tính cho cán bộ, công chức sang dùng PMNM”, ông Nguyễn Văn Diệu, Giám đốc Sở TT&TT Bắc Giang bức xúc chia sẻ.
Thiếu kinh phí là một trong những lý do chính khiến cho các CQNN ở địa phương chưa tích cực ứng dụng PMNM.
Theo thống kê vừa được ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT công bố tại Hội thảo "PMNM trong cơ quan, tổ chức Nhà nước" diễn ra mới đây, tới tháng 4/2011, mặc dù hầu hết các địa phương đều có kế hoạch phát triển ứng dụng PMNM, nhưng mới có 46/63 tỉnh, thành phố đã hướng dẫn cài đặt PMNM (những gương điển hình tiên phong trong việc triển khai PMNM hầu hết là địa phương nghèo, không có tiền đầu tư phát triển CNTT-TT, phải tìm cách triển khai ứng dụng CNTT-TT một cách tiết kiệm nhất - PV) và mới có hơn 7.000 lượt người được đào tạo về PMNM (con số này quá nhỏ bé so với tổng số khoảng 2 vạn cán bộ, công chức đang làm việc trong các CQNN).
Lóe lên hy vọng mới
Để tạo sự phấn khích trong triển khai PMNM ở các CQNN, Bộ TT&TT dự kiến đề xuất Chính phủ áp dụng cơ chế hỗ trợ cho các CQNN triển khai ứng dụng các sản phẩm, giải pháp PMNM trong hoạt động quản lý điều hành và cung cấp dịch vụ công, trong đó, mỗi sản phẩm giải pháp như vậy được hỗ trợ từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng để hoàn thiện.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết: Năm 2011, khi đề xuất phê duyệt kinh phí hỗ trợ triển khai PMNM theo Quyết định 50 của Thủ tướng thì Bộ Tài chính không đồng ý phần hỗ trợ cho đào tạo, vì thấy tình trạng nhiều địa phương nhận tiền về chỉ để đào tạo chứ không thấy triển khai các hoạt động khác. Bộ Tài chính cho rằng như vậy là trùng lắp kinh phí, nên chỉ duyệt hỗ trợ phần tạo ra các sản phẩm, giải pháp PMNM với mức kinh phí 500 triệu đồng – 1 tỷ đồng và cũng chỉ lựa chọn hỗ trợ cho những địa phương có tên trong danh sách 17 địa phương được Bộ TT&TT đánh giá triển khai tốt hoạt động ứng dụng PMNM trong năm 2010.
Cũng theo ông Đường, hiện chưa có nhiều địa phương có những sản phẩm PMNM hoàn chỉnh. Ý tưởng của Bộ TT&TT là sẽ hỗ trợ để hoàn chỉnh các sản phẩm này, ưu tiên những sản phẩm quản lý văn bản và điều hành, một cửa điện tử, cổng thông tin điện tử, email…
Dự kiến quy trình triển khai hỗ trợ là sẽ ký hợp đồng 3 bên: địa phương là đơn vị thụ hưởng - Trung ương (Bộ TT&TT) là chủ đầu tư - đơn vị phát triển sản phẩm (DN cung cấp sản phẩm, giải pháp PMNM hoặc Trung tâm CNTT của CQNN) là nhà thầu. Đơn vị phát triển sản phẩm phải hoàn thiện và triển khai sản phẩm ở địa phương nhận hỗ trợ, sau khi thử nghiệm xong phải chuyển giao mã nguồn cho Bộ TT&TT. Sau đó, Bộ TT&TT thông báo cho các địa phương, nếu địa phương nào có nhu cầu sử dụng sản phẩm thì đăng ký để Bộ TT&TT chuyển giao mã nguồn. Địa phương phải tự lo kinh phí hoàn thiện, chỉnh sửa lại sản phẩm cho phù hợp và các loại chi phí cài đặt, triển khai, đào tạo...
Dự kiến hỗ trợ nêu trên đang được trình lãnh đạo Bộ TT&TT chờ phê duyệt.
* Một số CQNN triển khai tốt PMNM:
- Tỉnh Bắc Giang có 6 CQNN sử dụng trang thông tin điện tử được xây dựng trên nền nguồn mở Joomla; 2 huyện, 3 sở sử dụng phần mềm một cửa điện tử xây dựng trên nền nguồn mở Drupal...
- Tỉnh Quảng Nam: 90% trang thông tin điện tử CQNN trên nền nguồn mở; nhiều đơn vị triển khai phần mềm một cửa điện tử, trường học điện tử trên nền nguồn mở.
- TP.HCM: Triển khai sử dụng phần mềm cấp phép trên nền nguồn mở.
- Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước: Triển khai PMNM phục vụ quản lý điều hành công việc và trong hoạt động cung cấp dịch vụ công.
* Sản phẩm, giải pháp PMNM đã được sử dụng nhiều trong CQNN:
- Các PMNM đã được nghiên cứu áp dụng trong các hệ thống thông tin như: hệ điều hành Server Linux, Quản trị nội dung Joomla, Drupal, phần mềm thư điện tử SquerrelMail, phần mềm cổng thông tin điện tử Liferay, cơ sở dữ liệu Mysql, PostgreSql,...
• Các phần mềm trên máy trạm: Ubuntu, OpenOffice, LibOffice, Firefox, Unikey, Thunderbird, Stardict,...
Theo Ictnews.vn