|
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư R&D đang được ví là miếng ngon nhưng khó xơi. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Nhà nước đã có quy định hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), song không ít doanh nghiệp ICT chưa biết hoặc biết nhưng vẫn chẳng thể tận dụng được khoản hỗ trợ này.
Để rộng đường dư luận, ICTNews đã trao đổi với một số chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp về hiện trạng cũng như những việc cần làm để đẩy mạnh hoạt động R&D trong cộng đồng doanh nghiệp ICT Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT: “Nên dùng ngân sách lập quỹ đầu tư trực tiếp cho doanh nghiệp làm R&D”
Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp làm R&D bằng cách cho phép các doanh nghiệp giữ lại 10% thu nhập trước thuế để đầu tư cho hoạt động R&D. Song trên thực tế, đối với lĩnh vực CNTT-TT, hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phần mềm và nội dung số thường chỉ có quy mô vừa và nhỏ, lợi nhuận còn khá khiêm tốn, trong khi chi phí đầu tư cho R&D thường khá lớn, nên doanh nghiệp thường phải đầu tư lớn hơn nhiều so với 10% thu nhập trước thuế để có thể làm ra được một sản phẩm hoàn thiện thực sự ra tấm ra món.
Không phải các doanh nghiệp CNTT Việt Nam chưa chú trọng tới việc đầu tư R&D. Có thể nói rằng hầu như doanh nghiệp CNTT nào cũng đều đã làm R&D ở những mức độ khác nhau. Chẳng hạn doanh nghiệp phần mềm khi muốn xây dựng một dự án phần mềm theo một công nghệ mới nào đó thì cũng phải nghiên cứu, tìm hiểu công nghệ đó. Nhiều doanh nghiệp "nuôi quân" nghiên cứu hàng năm trời mới có thể có một sản phẩm đưa ra thị trường hay đấu thầu nhận được một dự án. Nhiều khi chỉ riêng khoản tiền chi cho việc nghiên cứu công nghệ cũng đã lớn hơn 10% thu nhập trước thuế rồi, chưa tính tới chuyện đầu tư để nghiên cứu phát triển ra một sản phẩm mới.
Gần đây, một số doanh nghiệp CNTT-TT lớn như Viettel, FPT công bố về việc đẩy mạnh đầu tư R&D để có những sản phẩm công nghệ “made in Vietnam” có công nghệ tiên tiến hàng đầu, điều này rất đáng mừng vì đây là những doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận khá lớn, và có chiến lược đầu tư quy mô, bài bản, cụ thể cho R&D.
Nhìn một cách tổng thể thì từ trước tới nay, Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ R&D nhưng chưa có nhiều chương trình hỗ trợ đầu tư trực tiếp cho doanh nghiệp làm R&D. Hầu hết kinh phí R&D từ ngân sách nhà nước chủ yếu vẫn hướng sự hỗ trợ tới các trường học, viện nghiên cứu, song sản phẩm làm ra thường có tính thương mại hóa không cao, khó đưa được ra thị trường.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hơn nữa hoạt động R&D trong thời gian tới và thị trường có thêm ngày càng nhiều sản phẩm công nghệ thương hiệu Việt, thiết nghĩ Nhà nước nên cho phép lấy một phần kinh phí đủ lớn trong khoản 2% GDP dành cho hoạt động khoa học công nghệ hàng năm để lập quỹ đầu tư trực tiếp cho các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu phát triển sản phẩm khả thi. Bộ Khoa học và Công nghệ nên lập một Hội đồng gồm các ban chuyên ngành do các Bộ chuyên ngành làm trưởng ban để xem xét đề xuất của các doanh nghiệp, nếu thấy khả thi thì Nhà nước hỗ trợ kinh phí để họ nghiên cứu, sản xuất sản phẩm đưa ra thị trường. Như vậy có lẽ sẽ khả thi, hiệu quả hơn là dành khá nhiều ngân sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học không có tính thực tiễn, không bám sát sự thay đổi cũng như nhu cầu của thị trường.
Ông Trần Lương Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phần mềm Việt (VietSoftware): “R&D là hoạt động rủi ro cao”
R&D là hoạt động đương nhiên phải có của các doanh nghiệp ICT. Lấy ví dụ như chính công ty VietSoftware, theo đuổi mục tiêu trở thành tập đoàn công nghệ với tên gọi VSI Corporation, chúng tôi nhận thức rất rõ tầm quan trọng của R&D, với bất kỳ sản phẩm, giải pháp CNTT-TT nào, sau khi lên thiết kế đều phải có quá trình nghiên cứu công nghệ và phát triển hoàn thiện.
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp CNTT-TT ở Việt Nam vẫn chưa có đầu tư R&D một cách bài bản, chẳng hạn như lập một quỹ riêng cho R&D với quy mô kinh phí đầu tư đủ lớn. Nhiều công ty CNTT-TT lớn có vị thế dẫn dắt thị trường tại Việt Nam lại thành công từ hoạt động thương mại hơn là đầu tư R&D để tạo ra được những sản phẩm công nghệ có danh tiếng và có khả năng chinh phục thị trường.
Nhìn nhận một cách khách quan thì hoạt động đầu tư R&D của các doanh nghiệp CNTT-TT Việt đang gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ riêng VietSoftware mà hầu hết các doanh nghiệp CNTT-TT, đặc biệt là doanh nghiệp phần mềm và nội dung số đều không dễ gì lập được Quỹ đầu tư R&D ổn định khi hoạt động kinh doanh bấp bênh trong bối cảnh kinh tế chung rất nhiều khó khăn. Dù rằng quy định Nhà nước cho phép trích lập tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, song với những doanh nghiệp lỗ dài dài hoặc lợi nhuận thấp thì không thể tận dụng chính sách ưu đãi này.
Đầu tư R&D cho CNTT-TT có một đặc thù là rủi ro rất lớn, thậm chí nhiều khi có thể coi như một hoạt động đầu tư mạo hiểm. Trong bối cảnh công nghệ liên tục cập nhật tiên tiến, rất có thể tiêu hết sạch tiền rồi vẫn không có được một sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường, hoặc đến khi đầu tư R&D xong thì lại bị chậm chân hơn các đối thủ khác.
Chính vì thế, các doanh nghiệp rất cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước nhiều hơn nữa cho hoạt động R&D. Tôi thiết nghĩ cần có những chính sách ưu đãi mạnh hơn, chẳng hạn cho phép doanh nghiệp giữ lại 5% doanh số cho R&D.
Ông Nguyễn Phước Hải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Máy tính CMS: “Thiếu cơ chế hỗ trợ cho nhà sản xuất đích thực”
Nếu không triển khai R&D thì các doanh nghiệp không thể trở thành tập đoàn công nghệ mạnh. Gần đây, Viettel và FPT đã có một số tuyên bố về việc đẩy mạnh đầu tư cho R&D. Đây là một định hướng đúng đắn, rất đáng ủng hộ.
Song nhìn chung, chưa có nhiều doanh nghiệp làm được điều tương tự Viettel và FPT. Bởi để nghiên cứu hiệu quả thì phải sản xuất thương mại hóa được và phải có lãi khi bán sản phẩm. Tuy nhiên, môi trường kinh tế Việt Nam vẫn đang thiếu lắm cơ chế cho hỗ trợ các nhà sản xuất đích thực. Nếu buôn bán thương mại hoặc kinh doanh fast food thì thuận lợi và ít gặp rủi ro hơn.
Để thúc đẩy hoạt động R&D trong các doanh nghiệp ICT Việt Nam, đầu tiên cần định hướng phát triển mạnh mẽ của Đảng và Chính phủ một số ngành sản xuất có tiềm năng, tiếp theo cần có chính sách lâu dài tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm “made in Vietnam”, có sản xuất và có thị trường thì mới nói chuyện phát triển R&D được.
Theo Ictnews.vn