|
Ảnh: Getty Images |
Thay vì chỉ đơn giản kiểm duyệt các chủ đề chỉ trích Chính phủ hay biến Trung Quốc trở nên xấu hơn trong mắt quốc tế, nghiên cứu của các nhà khoa học Harvard (Mỹ) chỉ ra hệ thống kiểm duyệt đang tập trung đặc biệt vào các bài viết có khả năng kích động biểu tình hay các hình thức tụ tập khác, để lại khoảng trống dễ thở hơn cho người dùng web Trung Quốc chỉ trích Chính phủ của mình.
Nghiên cứu về Khoa học mạng xã hội được nhà khoa học chính trị Gary King hướng dẫn, liên kết với 2 ứng viên Tiến sĩ Jennifer Pan và Margaret Roberts cũng bước đầu sử dụng xu hướng kiểm duyệt để dự đoán hành vi của Chính phủ Trung Quốc. Trong các trường hợp nghiên cứu, những sự kiện chính trị quan trọng thường xảy ra sau khi có sự thay đổi quyết liệt trong hành động kiểm duyệt. Nghiên cứu tập trung vào các hình thức blog và bảng tin nhắn dài, thay vì nền tảng tiểu blog nổi tiếng nhất Trung Quốc là weibo. Vì thế, kết quả cung cấp cái nhìn nội bộ về cách Trung Quốc kiểm duyệt thông tin trực tuyến và mối quan hệ với hành động của Chính phủ trong thế giới thực.
Theo ông King, hàng trăm ngàn người có liên quan tới chương trình khổng lồ ngày, song nghịch lí là chương trình được thiết kế để không cho mọi người tiệp cận thông tin, lại bộc lộ rất rõ bản thân mình.
Nghiên cứu dựa trên dữ liệu thu thập của hãng Crimson Hexagon, không xem xét các trang web Trung Quốc cấm qua hệ thống lọc Internet có tên “Great Firewall” hay bộ kiểm duyệt từ khóa nhạy cảm để kiểm soát người dùng dùng Trung Quốc đang tìm kiếm và đăng gì trên các trang mạng xã hội do công dân bản địa thừa thông minh để vượt qua 2 cỗ máy tự động này. Mối đe dọa thực sự tới tự do ngôn luận Trung Quốc chính là đội quân do Chính phủ và công ty Internet tuyển dụng để theo dõi và xóa bỏ các bài viết trên mạng.
Sau khi kiểm tra hơn 11 triệu bài viết trên 1.383 trang mạng xã hội Trung Quốc, nghiên cứu ước tính khoảng 13% các bài viết bị kiểm duyệt.
Nghiên cứu chia các bài viết thành 3 nhóm chính dựa trên mức độ nhạy cảm chính trị: danh mục nhạy cảm nhất bao gồm cụm từ như “Trần Quang Thành” (nhà hoạt động mù Trung Quốc đang ẩn náu tại Mỹ) và “Thiên An Môn”; danh mục trung bình bao gồm “chính sách 1 con” và “môi trường, ô nhiễm” trong khi nhóm thấp nhất bao gồm các từ như “giao thông Bắc Kinh” hay tên các trò chơi nổi tiếng. Tỉ lệ kiểm duyệt 3 danh mục cũng gần ngang bằng nhau: lần lượt là 24%, 17% và 16%.
Sau khi kiểm tra dữ liệu một lần nữa, các nhà nghiên cứu nhận ra không phải bài viết nào cũng bị kiểm duyệt bằng nhau. Ví dụ, phàn nàn về thiếu điện mùa xuân năm 2011 và dự đoán kết thúc của chính sách 1 con trong kì họp Quốc hội 2011 không bị sờ tới.
Đây là những gì một người dùng Internet viết nhưng (rất ngạc nhiên) không bị kiểm duyệt: “... chính phủ đối xử cuộc sống bằng sự khinh miệt, ... quan chức điều hành điên cuồng, chính phủ không có công lý, chính phủ thích thú với những điều tầm thường, nơi tất cả quan chức đều có bồ nhí.”
Nhóm chuyên gia lưu ý: Không phải ngẫu nhiên mà bài viết tiêu cực kiểu này lọt qua hệ thống kiểm duyệt. Bằng chứng cho thấy kiểm duyệt hiện nay không nhằm ngăn chặn thông tin, mà tập trung vào xóa bỏ các bài viết có tiềm năng kích động biểu tình, bất kể là do người Trung Quốc lãnh đạo hay không. Ví dụ, theo sau các vụ đánh bom biểu tình phản đối trục xuất tại tỉnh Phúc Kiến tháng 5/2011, không chỉ các bài viết chỉ trích, mà ngay cả bài viết ủng hộ Chính phủ cũng bị gỡ xuống.
Ngoài ra, các trang web mạng xã hội địa phương – như những dịch vụ thông báo trực tuyến – cũng ngày càng bị kiểm duyệt mạnh hơn. Ví dụ, sau trận động đất Nhật Bản năm 2011, các bài viết về i-ốt – chất mà nhiều người tin mù quáng sẽ giúp chống nhiễm xạ - dẫn tới người dân đổ xô đi mua muối tại các cửa hàng đã bị gỡ bỏ khỏi các trang dịch vụ địa phương, nhưng vẫn còn sót lại trên diễn đàn quốc gia.
Giải thích vấn đề này, nghiên cứu cho rằng đó là vì “hành vi tụ tập không được hệ thống kiểm duyệt cho phép, dù là ủng hộ hay chỉ trích chính phủ”.
Chỉ có 2 trường hợp ngoại lệ là các bài viết liên quan tới khiêu dâm trẻ em hay chỉ trích kiểm duyệt Internet Trung Quốc là bị gỡ bỏ mọi nơi, bất kể lúc nào và ở mức độ nào. Khi được phỏng vấn, ông King cho rằng hệ thống kiểm duyệt phản ứng khắt khe hơn khi chính nó bị chỉ trích, hơn là các chỉ trích liên quan tới chính phủ.
Phát hiện gây bất ngờ hơn chính là các thay đổi trong kiểm duyệt có thể dùng để dự đoán động thái chính trị lớn của các nhà chức trách Trung Quốc. Trong 3 trường hợp – thỏa thuận với Việt Nam vì tranh chấp biển Đông; giáng chức Giám đốc công an Trùng Khánh – Wang Lijun và vụ bắt giữ nghệ sĩ “phản động” Ai Weiwei, nghiên cứu nhận thấy sự thay đổi khốc liệt trong mô hình kiểm duyệt xảy ra vài ngày trước khi sự kiện diễn ra.
Trường hợp của ông Ai, nhóm nghiên cứu tìm ra hành động xóa bỏ bài viết liên quan bắt đầu tăng từ 5 ngày trước khi ông Ai bị bắt giữ, đặc biệt là dấu hiệu hay cảnh báo về vụ bắt giữ. Kiểm tra các đợt xóa bỏ bài viết thảo luận về ông Ai suốt cả năm, King tìm ra mức độ kiểm duyệt giai đoạn kể trên là cao nhất.
“Chúng tôi giả thuyết rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra quyết định hành động trong xấp xỉ 5 ngày và chuẩn bị cho nó bằng cách thay đổi mức độ kiểm duyệt khác hoàn toàn so với những thời điểm khác”. Ông King cho biết thêm, hành vi kiểm duyệt “dường như dễ dự đoán hành động tương lai và nhiều thông tin hơn ngay cả khi truyền thông im lặng”.
Những phát hiện của nhóm nghiên cứu về sức mạnh của kiểm duyệt mới là sơ bộ, song ông King tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi đề tài này.
Theo Ictnews.vn