Chủ nhật, 12/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 13/06/2012
Chàng SV kiếm nửa tỷ nhờ bán phần mềm cho BlackBerry

500 triệu đồng là khoản thu nhập của Nguyễn Long, anh chàng sinh viên năm thứ tư, ngành Cơ khí, trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) nhờ vào việc viết và bán phần mềm SayIt cho điện thoại di động BlackBerry.

Mọi việc khởi đầu từ việc Long sở hữu một chiếc điện thoại di động của hãng điện thoại này.

Chưa từng học thiết kế

Trên các diễn đàn công nghệ, tên tuổi của chàng sinh viên Nguyễn Long đang nổi như cồn. Thế nhưng ít ai biết, lên đại học, Long mới làm quen với máy tính và chuyên ngành học của Long cũng không hề liên quan gì đến phần mềm. Long tâm sự: "Mình viết SayIt vì thấy mọi người viết phần mềm cho điện thoại di động. Mình cũng muốn thử sức". Trước SayIt, Long đã viết 16 phần mềm khác nhưng tất cả đều… rơi vào im lặng. Chỉ đến khi SayIt ra đời, Long mới đạt được thành công và tạo được tiếng vang lớn trong cộng đồng các nhà phát triển phần mềm Việt Nam.

Nguyễn Long, sinh viên năm thứ tư, ngành Cơ khí, trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM).
Nguyễn Long, sinh viên năm thứ tư, ngành Cơ khí, trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM).

Để viết phần mềm SayIt, Nguyễn Long lên các diễn đàn người sử dụng điện thoại BlackBerry khảo sát. Đa số người dùng BlackBerry đều mong muốn có một ứng dụng giống như chức năng Siri trên điện thoại iPhone. Long lý giải: "Thật ra, ứng dụng điều khiển bằng giọng nói khá phổ biến trên một số dòng điện thoại nhưng với BlackBerry thì chưa. Do đó, việc tạo được ứng dụng này cho BlackBerry chắc chắn sẽ tạo được sự hưởng ứng lớn". Long bỏ ra 30 đêm để nghiền ngẫm và hoàn thành phần mềm. Đến ngày 13/1/2012, SayIt bắt đầu đưa lên mạng chào bán đến người tiêu dùng toàn cầu. Tính đến thời điểm hiện tại, phần mềm này đã có hơn 6.000 lượt mua. Để sở hữu SayIt, người dùng ở châu Mỹ phải trả 5 đôla/lần, còn người dùng ở châu Á trả 3 đôla/lần tải. Ngay sau đó, hãng BlackBerry RIM đã cử người đại diện sang Việt Nam gặp Nguyễn Long. Theo đó, mỗi lần người sử dụng điện thoại BlackBerry tải về, Long sẽ chia cho công ty sản xuất điện thoại BlackBerry RIM 30% doanh thu. Trên các diễn đàn, người dùng SayIt đánh giá, phần mềm này rất hay và rẻ. Điều này lý giải vì sao chỉ trong thời gian ngắn, SayIt đã có  lượng người sử dụng lớn đến thế.

Long cho biết thêm, SayIt là phần mềm mà mình đầu tư công sức nhiều nhất. Đến thời điểm hiện tại, Long chưa hề học qua lớp thiết kế phần mềm nào hết. Tất cả là do Long tự mày mò từ sách vở và Internet.

Tự học

Thời điểm viết phần mềm SayIt, Long vừa viết vừa làm đồ án tốt nghiệp nên phải chia thời gian biểu là ban ngày học tập và làm đồ án, còn ban đêm viết phần mềm. Long tâm sự: "Do theo học chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp nên ngay từ năm thứ nhất, mình đã quen học tập, làm việc với cường độ cao. Viết thành công phần SayIt trong thời gian ngắn là nhờ được rèn luyện như vậy". Đến nay, với hàng ngàn lượt tải, số tiền Long thu được lên tới 500 triệu đồng. Bạn bè đặt cho Long biệt danh mới là "Long triệu phú". Dù SayIt đã chiếm được cảm tình của rất nhiều người sử dụng và hái ra tiền, tuy nhiên, Long vẫn tiếp tục nâng cấp, mở rộng một số tính năng mới và bổ trợ thêm một số ngôn ngữ để tăng số lượng người sử dụng.

Một số ý kiến cho rằng, SayIt chỉ là "ăn theo" ứng dụng Siri của iPhone nhưng Long nghĩ khác: Bất cứ cái gì cũng cần sự đầu tư, học hỏi và chấp nhận thất bại. 16 phần mềm trước đó đã bị rơi vào quên lãng là những viên gạch đầu tiên để đưa Long đến với SayIt. Những phần mềm đầu tay đó được viết khi Long bắt đầu tập tành tiếp cận, tìm hiểu lĩnh vực lập trình. Long cho biết, việc tự học chắc chắn sẽ gặp nhiều trở ngại hơn so với được đào tạo bài bản ở trường lớp, nhưng lại phát huy tính chủ động. Mỗi lần bí, Long lại lên mạng Internet lục lọi, tìm kiếm tài liệu rồi nghiền ngẫm, nghiên cứu. Chính nhờ có vốn tiếng Anh tốt mà Long có thể tiếp cận được những tài liệu hay, thiết thực liên quan đến ứng dụng của mình.

Cũng như việc mày mò viết phần mềm, khả năng tiếng Anh rất "siêu" của Long cũng hoàn toàn nhờ quá trình tự học. Dù thời phổ thông đã từng sở hữu 2 giải nhì cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh nhưng theo Long, đó chỉ là những kiến thức căn bản. Môi trường học tập ở bậc đại học đòi hỏi nỗ lực kiểu khác. Ngay cả khi học thêm tiếng Pháp do yêu cầu của chương trình đào tạo,  Long vẫn trung thành với phương pháp tự học. Với Long, chỉ cần có chiếc máy tính là sẽ giải quyết được mọi vấn đề: "Nếu biết chuyên tâm và học đúng cách thì phương pháp tự học mang lại hiệu quả rất cao".

Với chương trình liên kết đào tạo, sắp tới Long sẽ có bằng kỹ sư ngành Cơ khí, đồng thời lấy được bằng thạc sĩ của Pháp ở tuổi đời 23. Đến tháng 7 tới, Long mới chính thức rời giảng đường nhưng nhiều doanh nghiệp đã có lời mời chàng sinh viên triệu phú này về làm việc.
 

4 chức năng của SAYIT

Phần mềm SayIt của Long có 4 chức năng:

- Nhận dạng giọng nói để thực hiện một số thao tác như xem thông tin thời tiết của một thành phố, khu vực; tìm kiếm khách sạn, câu lạc bộ, nha sĩ, bác sĩ, nhà hàng, sân golf..., tạo e-mail, tin nhắn, điều khiển mở trình duyệt, memopad, task, addressbook, thực hiện cuộc gọi đến số điện thoại trong danh bạ bằng giọng nói.

- Chuyển đổi từ văn bản sang giọng nói và có thể lưu tập tin được chuyển đổi dưới dạng MP3, có thể gửi tập tin được chuyển đổi qua e-mail, PIN, BBM.

- Chuyển đổi giọng nói sang văn bản.
- Hỗ trợ soạn e-mail, SMS, BBM, Task, Memo, MMS, PIN bằng giọng nói.

Hiện tại, SayIt đã ra mắt phiên bản 1.2, hoạt động qua các kết nối GPRS/EDGE, 3G và WiFi, cũng như gói dịch vụ BIS của BlackBerry. SayIt chỉ sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Anh.

Theo Dantri.com.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0