Trước tình trạng làng báo xảy ra một số vụ tiêu cực, phóng viên viết bài sai lệch sự thật nhằm mục đích không trong sáng, thậm chí vi phạm pháp luật, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thừa nhận, thời quan qua Bộ và các Sở TT-TT đã quyết liệt xử lý sai phạm ấy nhưng vẫn còn những hạt sạn trong hoạt động tác nghiệp báo chí.
|
Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son trong buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân chiều nay, 12/6
|
Tại buổi đối thoại trực tuyến chiều nay (12/6), Bộ trưởng dẫn chứng, 17.000 nhà báo được cấp thẻ là những nhà báo được đào tạo về trình độ nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, cập nhật được hoạt động tác nghiệp báo chí hiện đại ngày nay. Hầu hết các nhà báo đã thực hiện tốt các vai trò, chức năng của báo chí. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số ít nhà báo có hành vi tiêu cực và đã bị xử lý nghiêm minh. Năm 2008, chúng ta đã tiến hành thu thẻ 15 nhà báo, trong đó có Tổng biên tập, Phó tổng biên tập. Năm 2010 vừa qua, Bộ TT-TT đã xử phạt 51 trường hợp, phạt tiền 254,5 triệu đồng, thu hồi 4 thẻ nhà báo.
Mấy ngày gần đây, có xảy ra hiện tượng một số tờ báo tranh luận chỉ trích nhau là lá cải, làm hao mòn niềm tin của người đọc. Có ý kiến cho rằng số lượng cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở nước ta hiện tại quá nhiều so với yêu cầu, trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn đã xảy ra sự cạnh tranh không lành mạnh.
Bộ trưởng cho rằng, Luật Báo chí quy định rõ, báo chí là phương tiện thông tin, truyền thông hữu hiệu của Đảng Nhà nước, các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân. Chúng ta không có báo lá cải.
"Thời gian qua, có một số độc giả nói rằng phải “cải” một chút để tăng doanh thu. Tôi cho rằng đó là vi phạm đạo đức người làm báo, vì mục tiêu lợi nhuận trước mắt mà làm mất đi chữ tín lâu dài. Điều đó cần phải chấn chỉnh. Những hiện tượng như giật tít câu khách, đưa tin không đúng sự thật... cũng cần phải được kiên quyết chấm dứt trong thời gian tới", Bộ trưởng khẳng định.
Internet sinh ra lứa nhà báo "mỳ ăn liền"
Bên cạnh hiện tượng chỉ trích báo lá cải, một số hạt sạn trong làng báo chí, một số độc giả bày tỏ sự bất bình khi có tình trạng một số người hằng ngày gõ từ khóa trên mạng, cắt, dán, sao chép từ những bài báo khác nhau thành sản phẩm của mình. Thông tin ít nhiều bị sai lệch và tự nhiên thời đại Internet lại nảy sinh một lứa nhà báo mỳ ăn liền.
Theo Bộ trưởng, hiện tượng sao chép, cắt dán trên báo điện tử là không phổ biến, nhưng vẫn tồn tại. Đây là hiện tượng vi phạm đạo đức báo chí, quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ mà ta không cho phép tồn tại trong đời sống báo chí.
"Tôi cho rằng, sự tôn vinh các tờ báo được quyết định ở các bài báo. Các nhà báo được tôn vinh tên tuổi nhờ các bài báo - đứa con tinh thần của họ. Nếu chúng ta cắt dán, sao chép thì sản phẩm đưa ra không hoàn thiện, nếu không muốn nói là quái thai. Nếu có nhà báo nào hay làm như vậy xem buổi giao lưu trực tuyến hôm nay thì tôi nghĩ rằng họ cũng phải suy nghĩ lại, sớm chấm dứt hành vi của mình. Nhà báo chỉ được tôn vinh khi viết những bài báo không trái với lương tâm, đạo đức báo chí".
Bộ trưởng cho rằng, tình trạng cắt dán này có 2 phía. Thứ nhất có thể do người làm báo không nêu cao vai trò trách nhiệm của mình. Cũng có thể do người đọc đọc lướt qua, không quan tâm nội dung tác nghiệp nhiều, dẫn tới việc chưa được phản ánh kịp thời cho cơ quan báo chí các cấp.
Sự yếu kém, đi lệch hướng hoặc không thực hiện tôn chỉ mục đích của nhà báo cộng với sự dễ dãi của độc giả là mảnh đất cho những hoạt động báo chí không đúng như vậy.
Vì vậy, chúng ta phải thấy được việc chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý báo chí, đặc biệt là Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập, ban biên tập khi chúng ta bỏ qua quy trình tác nghiệp của báo chí, dẫn đến những sai sót này.
Theo Baomoi.com