|
Ảnh: VGP/Huy Thắng
|
Nhằm góp phần xây dựng Đề án “Phát triển khoa học, công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, ngày 5/6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo "Đầu tư và cơ chế tài chính phát triển khoa học, công nghệ”.
Ngân sách cho khoa học còn khiêm tốn
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, hiện nay, ngoài nguồn tài chính từ Ngân sách nhà nước, hoạt động đầu tư cho khoa học, công nghệ vẫn chưa huy động được nguồn lực của xã hội và doanh nghiệp. Qua khảo sát có thể thấy, nhiều quốc gia có mức đầu tư từ xã hội cho khoa học, công nghệ gấp 5-10 lần đầu tư từ ngân sách.
Nói như vậy để thấy nguồn lực cho đầu tư khoa học, công nghệ của Việt Nam không chỉ thiếu về lượng mà còn yếu về khả năng huy động sự góp sức từ xã hội.
Ngay như mục tiêu đầu tư cho khoa học, công nghệ giai đoạn 2003 -2010 phải đạt 1,5% GDP, năm 2020 là 2% GDP, song mức tổng đầu tư xã hội hiện nay chưa đạt tới 1% GDP, trong đó, quá nửa đầu tư là từ ngân sách Nhà nước, còn lại từ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, gần đây, các tập đoàn đã bắt đầu quan tâm đầu tư cho khoa học, công nghệ, xây dựng phòng thí nghiệm...
Đại diện địa phương có những bước đi năng động về cơ chế tài chính cho khoa học, bà Nguyễn Thị Thanh Kiều, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết một vấn đề nữa đặt ra là các đơn vị đầu tư cho khoa học công nghệ, các dự án trình lên phê duyệt rất lâu vì vậy nếu không đổi mới cơ chế tài chính thì khó có thể phát huy hiệu quả của các đề tài nghiên cứu khoa học.
Với cương vị nhà khoa học có nhiều năm nghiên cứu trong nước và nước ngoài, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu cũng cho rằng cần thiết phải thay đổi quan điểm cho đầu tư khoa học công nghệ là chú trọng đầu tư cơ sở vật chất kĩ thuật. Thực tế, quan trọng hơn là đầu tư con người để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất cho khoa học, đó mới là yếu tố phát triển thành công của khoa học công nghệ.
Tăng cường nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp
Lấy kinh nghiệm từ TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Thanh Kiều cho biết thành phố luôn coi trọng mối liên kết sản phẩm đầu ra của công trình khoa học bằng cách tạo dựng môi trường liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ quan nghiên cứu. Có cơ chế đặt hàng, tiêu chí tương đối rõ, xác định giá trị ứng dụng đề tài. Ví dụ, kết nối các doanh nghiệp điện tử với và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trong sản xuất chip điện tử.
Đứng trên góc độ doanh nghiệp, ông Tống Viết Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, cho biết trong năm 2011, đơn vị này đã dùng 10% lợi nhuận trước thuế là khoảng 2.000 tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, nếu với quy định của luật thuế quy định hiện nay được trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế cho khoa học công nghệ thì nhiều doanh nghiệp không trích vẫn không sao. Do đó, để nâng cao hiệu quả, cần phải quy định mức tối thiểu 5% cho nghiên cứu khoa học, nếu tuân thủ nghiêm, thì nguồn lực nghiên cứu khoa học từ các doanh nghiệp khá dồi dào.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho biết sẽ sớm hoàn thiện các quỹ phát triển khoa học khoa học, công nghệ. Cụ thể, xây dựng chức năng nhiệm vụ của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, thực hiện nhiệm vụ cho vay và bảo lãnh vốn vay. Nghiên cứu sửa đổi các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trích lập và sử dụng có hiệu quả quỹ phát triển khoa học, công nghệ. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ kết quả hoạt động khoa học công nghệ, đánh giá nghiệm thu kết quả nghiên cứu và hỗ trợ ứng dụng.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng cần tập trung đầu tư cho các hướng khoa học, công nghệ trọng điểm. Cụ thể, cần phân loại và chọn lọc một số Viện, trường hoạt động có hiệu quả trong nghiên cứu khoa học, công nghệ để tập trung đầu tư đạt trình độ khu vực, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong hoạt động ngành khoa học, công nghệ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực xã hội, nhất là từ doanh nghiệp, cho phát triển khoa học, công nghệ.
Theo Baodientu.chinhphu.vn