Với tốc độ tiêu thụ IPv4 nhanh nhất thế giới, khu vực Châu á Thái Bình Dương đã chính thức hết IPv4 và chuyển sang áp dụng chính sách cấp IPv4 hạn chế từ 15/4/2011. Trong bối cảnh đó, việc triển khai IPv6 trở thành yêu cầu cấp thiết và bắt buộc đối với tất cả các cơ quan, tổ chức trong khu vực nếu muốn duy trì hoạt động Internet ổn định. IPv6 là địa chỉ Internet thế hệ mới với thiết kế chiều dài 128 bit cho phép đánh số địa chỉ Internet lên tới con số gần như vô hạn là 2128 địa chỉ (IPv4 chỉ gồm 232 địa chỉ). IPv6 cũng được thiết kế với những khả năng ưu việt đáp ứng nhu cầu của thế hệ mạng mới và hỗ trợ bảo mật vượt trội. Hiện tại, các cơ quan quản lý cũng đang làm việc với các doanh nghiệp Internet để triển khai IPv6 cung cấp cho người dùng cuối. Tuy nhiên, việc triển khai IPv6 đến nay tại nhiều nước trên thế giới nói chung cũng như tại Việt Nam nói riêng vẫn gặp nhiều khó khăn về thiết bị cũng như nguồn nhân lực. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đang nỗ lực thúc đẩy các nguồn lực để sớm triển khai và đưa IPv6 tới người dùng. Việc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) – Bộ TT&TT tổ chức hội thảo về IPv6 lần này cũng là sự kiện nhằm tăng cường thúc đẩy sự chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 của Việt Nam.
Ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc VNNIC cho biết, hội thảo lần này được tổ chức là để tạo điều kiện cho cộng đồng Internet Việt Nam có thể sớm chuyển đổi từ IPV4 sang IPV6. Thời gian vừa qua, Bộ TT&TT cũng đã thành lập Ban Công tác Thúc đẩy IPv6 quốc gia (Ban công tác có nhiệm vụ nghiên cứu, hoạch định chiến lược phát triển và ứng dụng IPv6, xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai việc chuyển đổi IPv4 sang IPv6 tại Việt Nam. Ban cũng có trách nhiệm theo dõi, điều phối hoạt động triển khai IPv6 của các đơn vị theo lộ trình, kế hoạch đã đặt ra). Khác với những hội thảo về IPv6 trước đây, lần này hội thảo sẽ được chú trọng tập trung vào công nghệ chuyển đổi để thấy rằng IPv6 có vai trò hết sức quan trọng trong thời đại mới).
Khẳng định sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong sự chuyển đổi của IPv4 sang IPv6, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, đây là lần đầu tiên một sự kiện lớn về IPv6 với sự quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới và nhiều tổ chức quản lý tài nguyên Internet quốc tế được tổ chức tại Việt Nam nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6, đồng thời hưởng ứng sự kiện “Khai trương IPv6 thế giới”. Ngoài ra, việc tổ chức hội thảo cũng là một trong những nỗ lực của Bộ TT&TT, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, góp phần tạo nên sự thành công cho kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 và sự phát triển bền vững của ngành CNTT Việt Nam.
Thứ trưởng cũng cho biết, lộ trình chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 đã được Bộ TT&TT phê duyệt trong Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 năm 2012. Năm 2012 cũng là năm được đánh giá có ý nghĩa rất quan trọng, là năm kết thúc giai đoạn chuẩn bị nhằm trang bị đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm, nguồn nhân lực phục vụ cho giai đoạn khởi động và chuyển đổi sẽ diễn ra khẩn trương trong những năm sau. Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn, thông qua hội thảo lần này, các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp sẽ được cung cấp nhiều thông tin, giải đáp kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế về IPv6 của Việt Nam và thế giới.
Tại hội thảo, các diễn giả trong và ngoài nước đã tập trung trao đổi các nội dung như: kinh nghiệm thực tiễn trong việc triển khai IPv6 trên cơ sở hạ tầng mạng lưới, chuyển đổi sang IPv6; Triển khai IPv6 trên hệ thống mạng DNS và hệ thống trung chuyển lưu lượng Internet; vấn đề an toàn, an ninh trong việc triển khai IPv6; chia sẻ thông tin về tình hình và chiến lược thúc đẩy Ipv6 của quốc gia, khu vực; vấn đề trong việc thúc đẩy phát triển IPv6; kinh nghiệm nâng cao nhận thức về IPv6 và đưa nội dung IPv6 vào các chương trình đào tạo…