|
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng phát biểu khai mạc Hội thảo - Tọa đàm. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo – Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng trong thời gian qua Công nghiệp CNTT, bao gồm các lĩnh vực công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số, công nghiệp phần cứng – điện tử và dịch vụ CNTT là một ngành kinh tế tri thức được Nhà nước đặc biệt ưu đãi đầu tư phát triển. Hy vọng qua hội thảo này, các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT sẽ góp ý để Bộ TT&TT hoàn thành Dự thảo Chương trình quốc gia phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020. Đây cũng là cơ hội tốt để các chuyên gia, các doanh nghiệp CNTT gặp gỡ, chia sẽ kinh nghiệm quý báu tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển…
Dự thảo Chương trình quốc gia phát triển công nghiệp công nghệ thông tin đến 2020 với sáu nội dung chính để phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, gồm môi trường chính sách; phát triển nhân lực công nghệ thông tin; phát triển doanh nghiệp, thương hiệu; phát triển sản phẩm, thị trường; thu hút đầu tư, khu công nghệ thông tin tập trung và phần mềm nguồn mở.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực CNTT trình bày các báo cáo và tham luận: Giới thiệu Chương trình quốc gia phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020 do đại diện Vụ CNTT – Bộ TT&TT trình bày; Góp ý, đề xuất nội dung và giải pháp phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ nâng cao nhân lực, năng lực hoạt động, sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp CNTT do ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM (HCA) trình bày; Góp ý, đề xuất nội dung và giải pháp phát triển sản phẩm và thị trường cho công nghiệp phần mềm Việt Nam do ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT (VINASA) trình bày; Góp ý về nội dung, giải pháp và sự tham gia của địa phương và chương trình công nghiệp CNTT do ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM trình bày; Đề xuất nội dung, giải pháp và phương án triển khai dự án hỗ trợ phát triển một số sản phẩm, dịch vụ CNTT trọng điểm của Việt Nam do ông Nguyễn Tuấn Hoa, Đơn vị Tư vấn chính sách cho Bộ TT&TT trình bày; Góp ý, đề xuất nội dung và giải pháp phát triển ngành dịch vụ CNTT Việt Nam và đề xuất tham gia của VNPT vào chương trình công nghiệp CNTT do ông Vũ Hoàng Liên, Trưởng Ban 4G (VNPT), Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam trình bày; Ý kiến và đề xuất tham gia của Viettel vào Chương trình công nghiệp CNTT để phát triển doanh nghiệp CNTT mạnh và sản phẩm, dịch vụ CNTT chủ lực của Việt Nam do ông Nguyễn Đình Chiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Viettel trình bày…
Tại buổi Tọa đàm chiều ngày 31/05/2012, nhiều ý kiến, đề xuất đã được đưa ra và thẳng thắn thảo luận nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu để công nghiệp CNTT Việt Nam có nhiều bước phát triển bứt phá trong thời gian tới. Một số ý kiến cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước cần chỉ ra trọng tâm, trọng điểm đầu tư và cho phép các doanh nghiệp cùng tham gia để có thể hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong "hành trình" phát triển công nghiệp CNTT Việt Nam. Một số ý kiến khác thì cho rằng Nhà nước cần tạo ra và duy trì môi trường phát triển, định hướng thị trường cho các doanh nghiệp phát triển. Nhà nước chỉ đứng ra làm những công việc mà doanh nghiệp ngại làm vì lợi nhuận thấp hoặc không thể làm được. Chẳng hạn xây dựng các bản báo cáo theo tháng/quý/năm, cập nhật thông tin thị trường trong và ngoài nước làm định hướng cơ sở cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư có sở cứ để đầu tư đúng đắn hơn; triển khai chương trình mỗi tháng mời chuyên gia hàng đầu thế giới về CNTT sang Việt Nam để thuyết trình, truyền cảm hứng phát triển ngành CNTT-TT cho cộng đồng CNTT-TT Việt Nam;.
Cũng có ý kiến đề xuất Bộ TT&TT cần có cách tiếp cận độc đáo hơn trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách, như dựa trên 3 yếu tố gồm văn hóa Việt, chế độ chính trị, xu thế phát triển để hoạch định cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn, đem lại hiệu quả thực tế cho các doanh nghiệp cũng như thị trường CNTT-TT. Để giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển, Nhà nước có thể hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc hỗ trợ không nhất thiết cứ phải bằng tiền mà có thể bằng nhiều cách thức khác không cần phải chi tiền từ ngân sách Nhà nước, chẳng hạn như thúc đẩy và cụ thể hóa các quy định về hoạt động hợp tác công - tư để tạo thị trường cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề xuất Bộ TT&TT sớm ban hành các chế tài đủ mạnh để các Thông tư, Nghị định đã ban hành thực sự đi vào cuộc sống.
Đại diện cho Bộ TT&TT, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT cho biết tất cả các ý kiến góp ý được ghi nhận đầy đủ, Bộ TT&TT sẽ tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu, tìm ra những giải pháp thúc đẩy sự phát triển công nghiệp CNTT nước nhà./.
Theo Mic.gov.vn