Chủ nhật, 21/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 28/05/2012
CP lớn nhất Việt Nam ôm mộng làm thương mại điện tử

Được biết đến là CP lớn của Việt Nam, nhưng VMG lại tuyên bố nhảy vào lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) qua thẻ tích điểm Lingo Card và website bán hàng online Lingo shop. ICTnews đã trò chuyện với ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng Giám đốc VMG về hướng đi mới này.

MrHa.jpg
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc VMG

Đang hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ nội dung số (CP), tại sao VMG lại quyết định nhảy vào lĩnh vực TMĐT và ra mắt thương hiệu Lingo trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, thưa ông?

Ý tưởng ra mắt Lingo đã được VMG “thai nghén” cách đây 2 năm. Chúng tôi đã khảo sát thị trường ở cả 3 miền; cụ thể là ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Trong quá trình thiết kế, phát triển sản phẩm, dịch vụ có rất nhiều sự thay đổi như mô hình kinh doanh, phương thức thanh toán. Ví dụ như về thẻ ưu đãi, lúc đó thẻ ưu đãi có nhiều điểm bất tiện khi mà DN cấp thẻ nhưng chưa có cách kiểm soát giao dịch. Vì thế, VMG muốn tạo nên 1 thẻ mua hàng mà DN có thể kiểm soát được. Ban đầu, VMG định tích hợp vào phần mềm bán hàng của DN nhưng không phải ai cũng thích đầu tư phần mềm bán hàng và phải thao tác cộng điểm, tích điểm, đối soát khi có người mua hàng. Do đó, VMG đã thay thế bằng hệ thống PoS (thiết bị bán hàng) và phần mềm PoS, hệ thống tính điểm tự động…

Trong 2 năm đó, thị trường TMĐT cũng có rất nhiều biến động như sự xuất hiện của mô hình Groupon (mua hàng theo nhóm). Tuy nhiên, đó là mô hình giảm giá và đòi hỏi đầu tư lớn thay vì đem lại hiệu quả lâu dài cho các bên, nhất là khi Zing khai tử Zing Deal, VMG đã suy nghĩ rất nhiều về việc có làm Groupon hay không? Cuối cùng, VMG quyết định dừng việc mở website theo mô hình Groupon (dù đã làm được 85% khối lượng công việc). Mỗi lần thay đổi như vậy đều làm chậm quá trình ra mắt Lingo vì phải xây dựng lại hệ thống.

Tháng 8/2011, VMG chạy thử nội bộ Lingo. Khi đó đã phát sinh nhiều vấn đề như người dùng đăng ký vào website như thế nào, quy trình chăm sóc khách hàng, thanh toán ra sao, nhiều tính cần phải thay đổi để tiện dụng hơn… và phải đến tháng 5/2012 mới chính thức cho ra mắt Lingo. Chúng tôi tin rằng, Lingo ra mắt trong thời điểm kinh tế khó khăn sẽ tạo cầu nối giữa khách hàng và DN, giúp các DN tăng doanh số bán hàng và khách hàng tiết kiệm được nhiều hơn.

Để phát triển, Lingo phải xây dựng 2 cộng đồng lớn gồm doanh nghiệp và khách hàng. Làm thế nào Lingo có thể xây dựng 2 cộng đồng này?

Lingo xây dựng một hệ thống cho tất cả các bên kết nối với nhau và có những chính sách để hỗ trợ DN tham gia, truyền thông để khách hàng biết đến. Khi khách hàng, DN đã tham gia vào Lingo sẽ có sự lan tỏa bởi chính những giá trị của sản phẩm, dịch vụ cũng như lợi ích mang lại. Ví dụ, một người thu nhập 5 triệu đồng/tháng, với thẻ Lingo sẽ tiết kiệm được 10%/tháng cho việc đi uống café, ăn uống, mua sắm… Điều này chắc chắn sẽ khiến khách hàng hài lòng. Hiện Lingo đã có trên 100 đối tác và dự kiến trong thời gian tới sẽ có 2.000 đối tác; trong đó chú trọng đến dịch vụ ăn uống, thời trang, giải trí... Sau 3 tháng chạy ở Hà Nội, Lingo sẽ phát triển thị trường ở TP.HCM.

Kỳ vọng của VMG là tham gia sâu hơn vào hệ thống của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để giúp cho họ phát triển và tạo sự liên kết gắn bó. Mô hình của Lingo giống với mô hình nội dung số ở chỗ tính mở rất cao,VMG chỉ là người tạo nên hệ thống kết nối, còn việc phát triển đối tác như thế nào thì phải xã hội hóa, tạo điều kiện cho tất cả mọi người cùng tham gia và hưởng lợi.

Tại sao VMG lại chọn tên gọi Lingo? VMG đã từng nghĩ đến những tên gọi khác không?  

Đầu tiên, tôi đã đặt tên dự án là SaveBuy, với ý tưởng là tạo ra một công cụ giúp mọi người mua sắm tiết kiệm hơn. Nhóm phát triển SaveBuy ban đầu chỉ gồm 2 người và sau đó mở rộng thêm, nhiều người nhận xét rằng tên SaveBuy không hay. Cuối cùng, cả nhóm đã chốt tên Lingo - là kết hợp của từ "link" nghĩa là kết nối và "go" nghĩa là tiến lên. Lingo là dịch vụ kết nối để cùng thành công.

Ông đã từng làm chiến lược kinh doanh của Viettel mà Viettel làm gì cũng có triết lý, ông có áp dụng điều này với Lingo không?

Lingo “ra đời” xuất phát từ quan điểm, mình làm gì mà đem lại lợi ích cho xã hội, cộng đồng thì cả cộng đồng và xã hội sẽ quay lại giúp đỡ mình. Việc đầu tư xây dựng Lingo đòi hỏi rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức nhưng lợi ích trước mắt mình thu về rất nhỏ. Giá trị của Lingo chủ yếu dành cho các đối tác, cho doanh nghiệp và khách hàng. Vì thế, khi Lingo lớn và có tên tuổi thì sẽ quay lại giúp VMG thay đổi.

Từ xưa đến nay, VMG hoạt động trong lĩnh vực giá trị gia tăng và nội dung số, tính mạng của VMG phụ thuộc chủ yếu vào các nhà mạng, bởi vì, các nhà mạng “cắt” là VMG sẽ “chết” do khách hàng, phương tiện thanh toán chủ yếu thuộc về các nhà mạng chứ không phải VMG.

Vì thế, việc tham gia vào thị trường thương mại điện tử, dù nó mất thời gian và vất vả nhưng khi trang web lớn lên thì dịch vụ, khách hàng, phương tiện thanh toán đều là của Lingo. Lúc đó, VMG sẽ thay đổi từ một doanh nghiệp “phụ thuộc” sang một doanh nghiệp tự chủ hơn.

Mục tiêu của VMG cũng như các doanh nghiệp nội dung số của Việt Nam muốn phát triển được, đầu tiên phải được đảm bảo về mặt thị trường, về kênh thanh toán. Khi nào còn phụ thuộc vào nhà mạng về khách hàng, công cụ thanh toán thì chỉ là tạm thời, được năm nào hay năm đó.

Hiện VMG vẫn có thể sống tốt trong lĩnh vực nội dung số thì nên đầu tư sang một lĩnh vực khác, “lấy cái ngắn hạn nuôi cái dài hạn” và khi kéo được doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như khách hàng đi cùng với mình thì khi đó VMG đã thành công, gỡ được bài toán phụ thuộc.

Sự thay đổi của VMG mang tính chiến lược, không đi theo lối mòn, chuyển từ công việc thuần mang tính sáng tạo, ý tưởng sang một mô hình mạng lưới, liên kết để cùng phát triển.

Ông có thể chia sẻ  khát vọng mà VMG "gửi gắm" vào Lingo?

Trước đây khi Alibaba ra đời trong vòng 5 năm đã rất khó khăn và gần như không thể tiếp tục và chỉ sống khi có một đối tác là ngân hàng từ Hồng Kông đầu tư vào. Bản chất, Alibaba đi theo mô hình B2B (Business To Business - mô hình kinh doanh thương mại điện tử trong đó giao dịch xảy ra trực tiếp giữa các doanh nghiệp với nhau) và mô hình này sẽ không mang lại giá trị nếu nó không giúp cho các doanh nghiệp Trung Quốc đi ra nước ngoài. Ban đầu, các doanh nghiệp Trung Quốc đưa thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm của họ lên website với ít hy vọng hợp tác với đối tác nước ngoài, cách làm này có vẻ rất mơ hồ và không rõ ràng. Nhưng khi Alibaba đã giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc có các đơn hàng từ nước ngoài, chính việc này đã đem lại sự sống cho Alibaba và trở thành một thương hiệu rất lớn, đóng góp cho sự phát triển của kinh tế - xã hội. 

Tương tự, khát vọng của VMG là làm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể của Việt Nam (chiếm gần 1 triệu đơn vị), những đơn vị chưa biết thế nào là bán hàng online, chăm sóc khách hàng, thanh toán online….và không biết kêu ai giúp đỡ như các doanh nghiệp lớn, tập hợp lại và giúp đỡ họ. Đây sẽ là cơ hội để cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.   

Từ những năm 2008-2009, khi ngồi nói chuyện với một chủ doanh nghiệp sách đến hợp tác, họ đã đặt vấn đề về việc làm thế nào để giúp đỡ cho 800 nghìn-1 triệu doanh nghiêp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể ở Việt Nam. Điều đó đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều và khi thấy có mô hình về thẻ ưu đãi, groupon….và tự hỏi sao mình không làm cái gì đó để kết nối tất cả những cái đó lại với nhau.

VMG đã “mò mẫm” rất nhiều như làm website bán ứng dụng, nội dung nhưng không hiệu quả. Mô hình website thương mại điện tử B2C (Business to Customer, các công ty cung cấp và các sản phẩm và dịch vụ của mình tới khách hàng trực tiếp thông qua mạng Internet) nhưng gặp những trở ngại về thanh toán online, COD (giao hàng và nhận tiền trực tiếp), vận chuyển hay sản phẩm khó tiếp cận vì người dùng không thể đến tận nơi kiểm tra hàng hóa. Mô hình này không tạo ra giá trị, thành công chung cho tất cả các bên tham gia.

VMG muốn tạo ra những bước đơn giản để dần thay đổi thói quan, hành vi khách hàng, với Lingo khách hàng có thể mua sắm tại điểm ưu đãi như hình thức thông thường và mua sắm online trên mạng, điều này tạo nên bước chuyển từ thương mại truyền thống sang thương mại online dễ dàng hơn. Do đó, VMG đã xây dựng Lingo, tập hợp một chuỗi các cửa hàng để người dùng có thể đến trực tiếp hoặc cũng có thể đặt hàng trên website.

Tương tự, đối với thanh toán online, hiện đã có 8 doanh nghiệp được cấp phép làm ví điện tử nhưng việc chuyển từ thanh toán dùng tiền mặt sang ví điện tử là một khoảng cách rất xa và rất khó để người dùng thay đổi thói quen. Vì thế, để thay đổi thói quen này, ta phải làm từng chút một tạo cho người dùng thói quen dùng thẻ mua hàng offline trước khi thanh toán online. Đối với doanh nghiệp, khi mình có tập khách hàng đủ lớn, các doanh nghiệp trước đây chưa quen với thương mại điện tử cũng sẽ dần dần đẩy sản phẩm lên online và xa hơn nữa là xuất khẩu sang nước ngoài.

Cảm ơn ông!

Thế Phương (Thực hiện)

Theo Ictnews.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0