|
Game thuần Việt lấy đề tài chiến tranh chống Pháp (1946 - 1954) do Emobi Games sản xuất, với tên gọi "7554". |
Không còn rầm rộ như trước
Trong quãng thời gian nửa cuối năm 2011, hàng loạt dự án game Việt đã bất ngờ xuất hiện và được các công ty lớn, nhỏ trong nước quảng bá một cách rầm rộ. Rất nhiều người đã hi vọng một bước chuyển mình của làng game khi người Việt có thể tự sản xuất ra game phục vụ người chơi trong nước, sau một thời gian dài chỉ biết "nhập khẩu" là chính.
Thế nhưng, làn sóng đó có vẻ như đã chững lại, khi các dự án game Việt dần đi vào quên lãng và không còn được quan tâm nhiều trong cộng đồng người chơi. Sự quảng bá trên các phương tiện truyền thông cũng không còn xuất hiện dày đặc như trước. Nhiều DN nhỏ có vẻ đã “hụt hơi” trong cuộc chiến có tính chất đường dài này và đang phải nằm im chờ cơ hội phát triển, mặc dù chính họ là người khởi động cho làn sóng sản xuất game Việt.
Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 2 DN lớn vẫn đẩy mạnh phát triển game Việt là VTC Online và VNG; chỉ có họ mới tạo tiếng vang khi đưa được game của mình sản xuất ra nước ngoài. Trong đó, VNG đầu tư hẳn một lực lượng hùng hậu với hơn 300 con người cùng 4 studio lớn và 1 mini studio để làm game Việt. VTC Online cũng đầu tư cho studio của mình không kém về quy mô lẫn lực lượng. Nhưng nhìn một cách khách quan, 2 DN này chưa tạo được bước ngoặt nào lớn, các game họ sản xuất ra rất hạn chế và chủ yếu ở quy mô nhỏ.
Cuộc chơi quá mạo hiểm
Sự hụt hơi của các dự án game Việt trong nước thực tế đã được chỉ ra từ trước, do đây là một cuộc chơi không hề đơn giản, nếu không có sự đầu tư kỹ lưỡng. Không phải ngẫu nhiên mà đến bây giờ FPT Online - DN kinh doanh game được xem lớn thứ 3 trong nước đến giờ vẫn chưa nhảy vào lĩnh vực này.
Theo những người trong ngành, để làm game Việt phải có sự đầu tư kỹ lưỡng từ con người đến cơ sở vật chất và tất nhiên phải có tiền. Chẳng hạn như VNG và VTC Online muốn có được một vài thành công “khiêm tốn” đã phải trải qua một quá trình rất dài. Cụ thể, họ khởi đầu bằng con đường phát hành game và thu được lợi nhuận lớn từ các game mình phát hành sau đó mới tiến hành tái đầu tư để sản xuất game. Bởi để làm game, DN phải bỏ ra số tiền khá lớn đầu tư xây dựng studio, gửi nhân viên ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm…
Nhiều DN game khác gần như chỉ có sự tâm huyết, trong khi đó vấn đề cốt yếu là vốn đầu tư và nhân lực có trình độ lại đang thiếu trầm trọng...
Chính vì thế, khi đề cập đến vấn đề tại sao các DN chưa đầu tư mạnh vào sản xuất game Việt, mặc dù được khuyến khích và ưu đãi mà suốt ngày đi phát hành game “nhập khẩu”. Đại diện một nhà phát hành game đã thẳng thắn nhìn nhận rằng, đây là một cuộc chơi quá mạo hiểm, rủi ro cao. Đa số các DN làm game Việt đều chưa đủ trình độ để làm ra được những game hấp dẫn người chơi. Một số game khi đưa ra thị trường không được nhiều người quan tâm.
Phương thức an toàn nhất của các công ty kinh doanh game ở Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu là phát hành game, đây được xem như cách dễ thu lợi nhuận và ít rủi ro nhất. Bởi giá thành bản quyền game hiện tại khá rẻ và khi phát hành chỉ cần duy trì với một lượng người chơi vừa đủ là có thể an tâm thu tiền.
Theo Ictnews.vn