Thứ bảy, 20/04/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 29/08/2015
Thư ngỏ của Chủ tịch VFOSSA gửi Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Viettel, ...

THƯ NGỎ CỦA CHỦ TỊCH CLB PHẦN MỀM TỰ DO NGUỒN MỞ VIỆT NAM
GỬI CÁC CƠ QUAN: BỘ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO, TẬP ĐOÀN VIETTEL, UỶ BAN QUỐC GIA VỀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, BỘ THÔNG TIN & TRUYỀN THÔNG, BÁO TUỔI TRẺ, CÔNG TY IIG VIỆT NAM
VỀ SỰ KIỆN CUỘC THI «Vô địch Tin học Văn phòng Thế giới » (MOSWC)

Kính gửi các quý cơ quan,

CLB Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) là tổ chức xã hội nghề nghiệp trực thuộc Hội Tin học Việt Nam, với thành viên là các cá nhân, tổ chức cổ vũ Phần mềm Tự do Nguồn mở tại Việt Nam. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, VFOSSA được biết về cuộc thi «Vô địch Tin học Văn phòng Thế giới» (MOSWC 2015) tại Việt Nam trong dịp tháng 4/2015 do Bộ GD&ĐT, Công ty IIG Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông quân độiViettel và Báo Tuổi trẻ đồng tổ chức trên phạm vi toàn quốc. Hơn thế, Viettel còn là nhà tài trợ duy nhất của vòng chung kết cuộc thi này tại Hoa Kỳ mới đây vào tháng 8/2015.

Ảnh lấy lại từ trang Tuoitre online

Chủ tịch IIG Việt Nam Đoàn Hồng Nam, Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phạm Vũ Luận, Phó TGĐ Viettel Hoàng Công Vĩnh và Tổng Biên Tập báo Tuổi Trẻ Tăng Hữu Phong trao giải cho 3 nhà vô địch MOSWC 2015 tại Việt Nam.

Những câu hỏi và băn khoăn VFOSSA đặt ra xung quanh cuộc thi này

1. Tên gọi cuộc thi khi dịch ra tiếng Việt không đúng với tên gốc tiếng Anh. Nếu dịch đúng phải là “Cuộc thi vô địch thế giới Chuyên gia Microsoft Office" (tiếng Anh: Microsoft Office Specialist World Championship - MOSWC).

Việc gọi tên là "Cuộc thi Vô địch Tin học Văn phòng Thế giới" không phản ánh đúng bản chất cuộc thi, chỉ dành cho một phần mềm độc quyền cụ thể là bộ phần mềm văn phòng Microsoft Office, hoàn toàn không phải là Phần mềm Tin học văn phòng nói chung. Với tên gọi này Ban tổ chức cuộc thi đã gián tiếp định nghĩa cho công chúng rằng Phần mềm Tin học Văn phòng chính là Microsoft Office. Đây là điều hoàn toàn sai sự thật và có thể có dụng ý không trong sáng.

2. Điều khó hiểu là tại sao Bộ GD&ĐT lại đứng ra đồng tổ chức một cuộc thi quốc gia về kỹ năng sử dụng một phần mềm văn phòng độc quyền. Trong các dự thảo về kỹ năng CNTT (Tin học) của đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông do Bộ đang tiến hành đã không chỉ đích danh một phần mềm nào cả và mang tính trung lập. Sự đổi mới này rất đúng đắn và được cộng đồng CNTT rất hoan nghênh. Nay việc Bộ ủng hộ cuộc thi phần mềm văn phòng độc quyền này được hiểu thế nào đây?

3. Hơn nữa, trong thể lệ cuộc thi năm MOSWC 2015 Việt Nam còn cho phép «Kinh phí tổ chức vòng thi cấp trường, cấp tỉnh được sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên”, tức là MOSWC đã được xem là một hoạt động thường xuyên của ngành Giáo dục?! Bộ trưởng Bộ GD&ĐT còn tặng bằng khen cho thí sinh đoạt giải chung kết thế giới và đích thân đến dự và trao giải cho vòng chung kết quốc gia thi kỹ năng sử dụng một phần mềm văn phòng. Trong khi đó, Bộ trưởng chưa từng đến trao giải cho thí sinh đoạt giải kỳ thi Olympic Tin học thưởng niên của các trường Đại học và Cao đẳng toàn quốc đã có bề dày hơn 20 năm và có ý nghĩa sáng tạo cao hơn rất nhiều so với kỹ năng sử dụng một phần mềm văn phòng đơn thuần.

Phải chăng Bộ GD&ĐT muốn hướng người dùng Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ sử dụng phần mềm độc quyền Microsoft Office cho công việc văn phòng, và nhiều thế hệ sẽ tiếp tục phụ thuộc vào một phần mềm độc quyền duy nhất ấy? Phải chăng kỹ năng sử dụng thuần túy một phần mềm đơn lẻ lại được đánh giá cao hơn các tài năng sáng tạo của sinh viên công nghệ thông tin các trường Đại học Việt Nam?

4. Cuối cùng, Viettel, một Tập đoàn Viễn thông Nhà nước, lại đi tài trợ, quảng bá một cách hào phóng cho cuộc thi kỹ năng sử dụng một phần mềm độc quyền, nổi tiếng đắt đỏ của một hãng phần mềm độc quyền Mỹ giàu có nhất thế giới và trên chính đất Mỹ cũng là một điều khó hiểu. Viettel có nghĩ đến việc, khi đồng hành cùng cuộc thi, tập đoàn viễn thông hàng đầu Việt Nam đã cổ vũ cho việc sử dụng thành thục một phần mềm độc quyền, tước đi quyền lựa chọn của các em học sinh về phần mềm tin học văn phòng? Hậu quả có thể rất lâu dài, qua nhiều thế hệ.

Những sự khó hiểu này bắt nguồn từ những quan sát sau đây:
- Cả thế giới đều biết rõ rằng LibreOffice và OpenOffice là các bộ phần mềm văn phòng nguồn mở, miễn phí, chạy trên mọi hệ điều hành, hiểu tốt các văn bản do Microsoft Office (MSO) sinh ra, sử dụng khuôn dạng chuẩn mở quốc tế, đã được Việt hóa, hoàn toàn có thể thay thế cho MSO độc quyền. LibreOffice và OpenOffice đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới và cả ở Việt Nam.
- Libre/Open Office đã được Bộ TT&TT khuyến cáo sử dụng rộng rãi trong các cơ quan nhà nước từ năm 2009.
- Bộ GD&ĐT còn có thông tư từ cuối 2009 yêu cầu các cơ sở giáo dục cả nước phải sử dụng phần mềm nguồn mở này thay cho MSO.
- Bản thân Tập đoàn Viettel từ nhiều năm trước đã từng đi đầu trong việc sử dụng Linux và OpenOffice trong các cơ sở của mình và đã được dư luận hoan nghênh và đánh giá cao như một tấm gương sáng về ứng dụng PMNM, thể hiện sự tự chủ về công nghệ, tiết kiệm ngoại tệ cho quốc gia.

VFOSSA mong muốn có được lời giải thích rõ ràng của Bộ GD&ĐT và của Tập đoàn Viettel cho những băn khoăn nêu trên. VFOSSA cũng sẵn sàng gặp gỡ trực tiếp giữa các bên liên quan, có sự tham gia của các cơ quan báo chí, truyền thông để thảo luận, trao đổi chân thành và thẳng thắn về vấn đề này.

Nhân sự việc này, và để tránh những sự việc đáng tiếc tương tự xảy ra trong tương lai, VFOSSA kiến nghị Chính phủ và Uỷ ban Quốc gia về Ứng dụng Công nghệ thông tin ra qui định:

a. Các Công ty, Tập đoàn, cơ quan Nhà nước không cổ vũ và/hoặc tài trợ dưới mọi hình thức cho những sự kiện có tác dụng tôn vinh, quảng bá cho một sản phẩm phần mềm thương mại độc quyền.
b. Các Bộ, Ngành và các cơ quan Nhà nước hữu quan không chủ trì, tổ chức hay bảo trợ các sự kiện có tác dụng tôn vinh, quảng bá cho một sản phẩm phần mềm thương mại độc quyền, kể cả sự kiện đó không dùng ngân sách nhà nước.

Để đảm bảo tính trung thực của tên gọi tiếng Việt của cuộc thi, tránh sự hiểu lầm trong dư luận cũng như đảm bảo sự công bằng cho các phầm mềm văn phòng, VFOSSA yêu cầu ban tổ chức cuộc thi MOSWC tại Việt Nam sửa lại tên tiếng Việt cuộc thi, trên website mos.edu.vn và trên các tài liệu quảng bá cho cuộc thi từ nay về sau, theo đúng bản chất của nó, là “Cuộc thi Vô địch thế giới Chuyên gia Microsoft Office”.

Trân trọng cảm ơn,

TS. Nguyễn Hồng Quang
Chủ tịch VFOSSA

--
Phụ lục: các thông tin liên quan đến cuộc thi MOSWC 2015 tại Việt Nam và cuộc thi chung kết tại Hoa kỳ đã được tổng hợp và công bố tại website của VFOSSA

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0