Thứ ba, 03/12/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 16/04/2010
Xây dựng Chính phủ điện tử: Nên để Công - Tư cùng làm

Quan điểm này nhận được sự đồng thuận rất cao của các chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia Hội thảo Mô hình hợp tác Nhà nước – Doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT-TT (ICT) do Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) tổ chức tại Hà Nội, sáng nay, 15/4/2010.

Mắc lỗi cơ bản

Theo ông Andrew Hodges, Phụ trách Quan hệ Chính phủ, Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Microsoft, Mô hình hợp tác Công – Tư (Public Private Partnerships) trong lĩnh vực ICT chính là công cụ giải quyết những thách thức trong đời sống kinh tế xã hội tại Việt Nam. ICT là động lực để phát triển rất nhiều lĩnh vực như giao thông, môi trường, kinh doanh, giáo dục… Song trên thực tế, tại nhiều địa phương ở Việt Nam, ICT vẫn chưa thể phát huy được tối đa vai trò của mình. Một trong những nguyên nhân là do các cơ quan Nhà nước chưa làm tốt việc huy động nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp ICT.

Phân tích rõ hơn sự sai lầm suốt thời gian dài qua của khối cơ quan Nhà nước trong cách thức huy động nguồn lực từ khối doanh nghiệp trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, ông Trần Lương Sơn, Giám đốc Công ty Vietsoftware chia sẻ: Các phần việc liên quan tới hệ thống CNTT hiện nay đều đang thuộc quyền sở hữu hoàn toàn của các cơ quan quản lý Nhà nước, từ mua máy chủ, đường truyền, nhân lực vận hành… (đáng lẽ cơ quan Nhà nước không cần làm những phần việc này, nên dành thời gian cho công tác quản lý Nhà nước - PV). Vai trò của doanh nghiệp chỉ là đối tác được thuê để mua sắm hoặc hỗ trợ triển khai nhỏ lẻ từng phần việc đó. Hệ quả, hệ thống CNTT của cơ quan Nhà nước rất cồng kềnh mà vẫn không có khả năng tích hợp, giữa các bộ phận nhiều khi không tương tác, làm việc được với nhau.

Mặt khác, cũng theo phân tích của ông Sơn, quan hệ giữa doanh nghiệp và Nhà nước trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam chỉ là những hợp đồng dự án được triển khai với tinh thần thiện chí là chủ yếu. Đơn cử như phần dịch vụ CNTT, nếu ở những quốc gia phát triển hơn, Chính phủ để cho doanh nghiệp đứng ra làm với tư cách chủ trì hoàn toàn, và có trả chi phí hàng năm cho doanh nghiệp thì chỉ cần một năm đầu, doanh nghiệp cũng đã bắt đầu có lãi. Còn tại Việt Nam, chi phí cho dịch vụ CNTT được tính trọn gói chứ không chi trả hàng năm, đó cũng chính là lý do khiến cho các gói thầu dịch vụ CNTT của khối cơ quan Nhà nước không đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp. Số ít công ty ICT “lao vào” những gói thầu kiểu này đều chỉ làm bằng tinh thần thiện chí. Và hệ luỵ không khó hiểu là chất lượng dịch vụ chẳng mấy chốc sẽ nảy sinh “vấn đề”.

“Các gói thầu không hấp dẫn đã hạn chế số lượng doanh nghiệp tham gia vào những dự án CNTT của khối cơ quan Nhà nước. Đây cũng là một sự thiệt thòi đối với các cơ quan Nhà nước bởi hệ quả kéo theo sẽ là sự vận hành hệ thống CNTT khó đạt hiệu quả cao”, ông Sơn nhận định.

Xu thế dịch vụ hoá

Mô hình hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp còn được gọi là hợp tác công - tư  đã được triển khai ở nhiều quốc gia, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhằm tăng cường khả năng thu hút và khai thác hiệu quả nguồn lực trong xã hội cùng với đầu tư của Nhà nước để xây dựng, triển khai và thực hiện các chương trình dự án phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội.

Ông Sơn cho rằng các cơ quan Nhà nước phải thay đổi cơ chế hoạt động theo xu thế dịch vụ hoá để tận dụng tối đa những lợi điểm từ mô hình hợp tác Công –Tư. Gần như tất cả các phần việc trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử đều có thể dịch vụ hoá. Thay vì chi phí đầu tư hàng tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, trả lương cho cán bộ nhân viên vận hành hệ thống…, nên thuê các doanh nghiệp ICT làm trong dài hạn và trả cho doanh nghiệp chi phí dịch vụ hàng năm, tổng chi phí sẽ không lớn như tự đầu tư, mà hiệu quả đem lại chắc chắn sẽ cao hơn hẳn so với khi cơ quan Nhà nước tự làm.

Một điểm cần lưu ý nữa là với mô hình PPP, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ giảm thiểu rủi ro vận hành hệ thống CNTT. Giả sử trường hợp hệ thống CNTT bị sập, khi Nhà nước tự làm thì sẽ phải mất rất nhiều thời gian, công sức để khắc phục, gây ảnh hưởng rất lớn tới cộng đồng, còn khi doanh nghiệp cùng làm thì cơ quan Nhà nước có thể lựa chọn doanh nghiệp khác để phối hợp tìm cách khắc phục nhanh chóng.

“Với mô hình PPP, chúng ta sẽ có một vòng xoáy lạc quan: doanh nghiệp có thêm cơ hội việc làm – tăng doanh thu – nâng cao năng lực - phục vụ Nhà nước tốt hơn”, ông Sơn nhận xét.

Phân tích thêm về hiệu quả của mô hình PPP, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT cho rằng PPP có 3 lợi ích cơ bản: Một là giảm tải gánh nặng vốn đầu tư cho Nhà nước; Hai là nâng cao hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp; Ba là Nhà nước tận dụng được năng lực của doanh nghiệp và đảm bảo hiệu quả vận hành hệ thống CNTT (cơ chế lương của cơ quan Nhà nước thấp như hiện nay thì khó có thể “nuôi” được đội ngũ cán bộ ICT đủ giỏi - PV).

Cần nhân rộng mô hình

Nhìn nhận một cách khách quan thì mô hình PPP cũng đã bắt đầu được triển khai trên thực tế ở nước ta trong một vài năm gần đây.

Đơn cử như Microsoft đã có nhiều hoạt động hợp tác Công – Tư với Việt Nam. Điển hình như phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo tái ký kết hợp tác cung cấp dịch vụ trực tuyến cho các trường trung học, đại học (hiện đã có 53 trường học được hưởng lợi từ dự án này, hơn 100.000 tài khoản email đã được cấp cho các trường đại học, đa phần ở TP.HCM).

Hoặc Công ty Vietsoftware đã triển khai một số dự án Cổng thông tin điện tử cho các cơ quan Nhà nước như Thành phố Hà Nội, Tỉnh Quảng Ninh… Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Công an theo hình thức hướng tới hợp tác Công – Tư chứ không chỉ đơn thuần là hợp đồng thuê mướn thông thường.

“Việt Nam cần đầu tư 11% GDP cho cơ sở hạ tầng song thực tế mới có được 9% GDP, với mô hình PPP thì có thể huy động được 2% còn thiếu từ khối Tư nhân – Doanh nghiệp”, bà Victori Kwakwwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam minh chứng về sự cần thiết áp dụng mô hình PPP tại Việt Nam.

Tuy nhiên, dấu ấn của PPP vẫn chưa đủ đậm.

Muốn CNTT thực sự trở thành mũi nhọn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì cần phải nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc khai thác tối đa các nguồn lực trong xã hội để đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT ở Việt Nam, trong đó có việc tận dụng nguồn lực từ phía doanh nghiệp qua mô hình PPP.

Phát biểu tại Hội thảo sáng nay, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định “Ngân hàng Thế giới luôn quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ các nước đang phát triển nghiên cứu và áp dụng mô hình PPP. PPP là một trong những giải pháp hữu hiệu cho việc phát triển cơ sở hạ tầng xã hội, cung cấp dịch vụ công trong điều kiện hạn chế về vốn đầu tư của Nhà nước. Ngân hàng Thế giới sẽ cố gắng thúc đẩy chương trình hợp tác ở Việt Nam, giúp Việt Nam lấp đầy lỗ hổng về đầu tư và trở thành một nước mạnh về CNTT”.

Có thể thấy đã tiềm ẩn những điều kiện thuận lợi để mô hình PPP được mở rộng phạm vi triển khai ở Việt Nam trong tương lai không xa. Điều cốt yếu bây giờ chỉ là sự sẵn sàng, quyết tâm và thiện chí hơn nữa của cả 2 phía: Nhà nước và Doanh nghiệp.

Theo taichinhdientu.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0