Thứ sáu, 19/04/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 24/12/2009
Triển khai TMĐT ở các tỉnh: Cách nào hợp lý?

Trong số các lĩnh vực ứng dụng CNTT ở một tỉnh, thương mại điện tử (TMĐT) nổi lên như đề tài hấp dẫn và dễ được chấp nhận. Tuy nhiên, để có ứng dụng TMĐT thành công, các bên phải hiểu đúng và sẵn sàng cho chuyển đổi này.

Các ứng dụng CNTT vào quản lý nhà nước hay giáo dục đào tạo còn có những trở ngại nhất định về giải pháp và phương pháp triển khai, nhưng TMĐT tỏ ra dễ tiếp cận hơn, ít nhất cũng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía người sử dụng là các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh.

Sớm “tàn” dù là sàn hay cổng

Khi được hỏi nên triển khai như thế nào, đa số các đơn vị tư vấn đều cho rằng xây dựng cổng hay sàn giao dịch TMĐT, xây dựng website thương mại cho các DN, tổ chức các lớp bồi dưỡng, huấn luyện cách tiếp cận và làm chủ TMĐT… Theo họ, làm như thế sẽ tạo ra môi trường thích hợp cho cộng đồng DN trong tỉnh làm quen với phương thức thương mại tiên tiến để từng bước chủ động vươn ra thị trường khu vực và quốc tế. Tỉnh sẽ có cổng TMĐT của riêng mình với tên miền có dạng www.tentinh.com.vn, các DN trong tỉnh sẽ giới thiệu sản phẩm hàng hóa lên đó, sẽ thực hiện các giao dịch thương mại qua cổng, mọi việc diễn ra ở tỉnh nên dễ giải quyết và điều chỉnh. Những nội dung này chinh phục phần lớn các cơ quan chức năng của tỉnh và đa số có cảm giác là việc thực hiện không mấy khó khăn.

“Mọi quá trình điện tử hóa đều ngầm chứa bên trong cuộc cách mạng về thông tin và kéo theo nó là những thay đổi về chất từ khía cạnh tổ chức, quản lý, đến thói quen làm việc, ứng xử”.

Ông Nguyễn Tuấn Hoa,
Trung tâm Học tập và Phát triển TP.HCM

Nội dung của đề tài triển khai TMĐT tại các tỉnh tương đối giống nhau, cơ bản tương tự như đã nêu ở trên. Kinh phí cho một đề tài như vậy xấp xỉ 400 – 500 triệu đồng chưa bao gồm phần cứng, trong đó chi phí thiết kế, xây dựng cổng TMĐT thường chiếm hơn 60%, khoảng 15 – 20% dành cho đào tạo. Chỉ khi bắt tay vào thực hiện và nhất là vào giai đoạn bàn giao để khai thác thì những gì chưa lường trước được mới phát sinh và phơi bày một cách rõ rệt: Ai quản lý và điều hành cổng? Ai đầu tư để duy trì sự tồn tại của cổng? Ai đứng ra tư vấn, hỗ trợ hay cung cấp dịch vụ cho các DN thực hiện mua bán qua cổng? Cổng sẽ cài đặt (hosting) ở đâu? Sẽ kết nối với các thị trường khu vực và quốc tế như thế nào? Sẽ quảng bá cho các DN trong tỉnh bằng cách nào?...
Thường ban đầu cũng có khoảng vài chục DN tham gia (phần đông là được giúp tham gia chứ không tự làm được) sau đó im ắng dần rồi tàn lụi và chỉ vài tháng thì cổng TMĐT bị rơi vào... lãng quên!

Phải hiểu đúng và sẵn sàng

Không nhận thức đúng vấn đề: TMĐT và bất cứ một quá trình điện tử hóa nào khác (chính quyền, giáo dục, đào tạo…) đều là những quá trình chuyển đổi bản chất giữa hai phương thức quản lý thủ công và điện tử hóa. Mỗi phương thức lại gắn kết hữu cơ với hàng loạt những yếu tố khác như trình độ tổ chức, quản lý, nhân lực, cơ chế hoạt động, khả năng công nghệ… Cụ thể hơn, TMĐT được thực hiện trong môi trường CNTT phát triển, được thực thi bởi lực lượng chuyên nghiệp về TMĐT, trong khuôn khổ pháp lý TMĐT và áp dụng các cơ chế riêng mang tính quốc tế cao (như cơ chế kiểm tra tính hợp thức, cơ chế thanh toán điện tử…). Nếu chỉ có một phần của phương tiện TMĐT thôi (cổng hay sàn giao dịch, website…) thì chưa thể là TMĐT được.

Không tìm đúng đối tác tư vấn: Khi đề cập đến đề tài triển khai TMĐT, các tỉnh thường hướng đến các đơn vị tin học mà lại không tìm đến các chuyên gia thương mại. Các nhà tin học chỉ nhìn thấy khía cạnh kỹ thuật của phương tiện thực hiện TMĐT chứ không thấy bản chất của các hoạt động thương mại trong môi trường điện tử, mà đây mới là vấn đề trọng tâm. Cần phải tìm đến các nhà kinh tế, các chuyên gia về thương mại thì mới tìm được lời giải.

DN chưa sẵn sàng: TMĐT là một phương thức thương mại, đó là việc của các DN, họ sẽ quyết định dùng hay không dùng, nếu có lợi thì họ sẽ dùng dù phải vượt qua nhiều khó khăn. Các cơ quan chức năng (Sở TTTT, KHCN, Công Thương) chỉ có thể hỗ trợ, tác động, không thể làm thay. Theo cách mà chúng ta đang làm thì DN là người thụ hưởng thụ động. Họ được mời tham dự, được thiết kế website miễn phí, được bồi dưỡng, làm quen với những khái niệm và công cụ mới trong trạng thái chưa sẵn sàng.

Cũng từ thực tiễn triển khai TMĐT trong nước, nhiều vấn đề được đặt ra, vẫn còn được tranh luận và chưa ngã ngũ. Nổi bật hơn cả là có nên xây dựng cổng hay sàn TMĐT cho mỗi tỉnh không? Các đơn vị tư vấn thường khuyến khích các tỉnh có cổng TMĐT riêng nhưng có rất nhiều lý do chứng minh điều ngược lại: Tỉnh không đủ khả năng đầu tư cổng TMĐT chuyên nghiệp, không đủ lực lượng có khả năng vận hành cổng đó và thật sự là không cần thiết.

Để xây dựng một cổng TMĐT chuyên nghiệp thật sự (bao gồm cả cơ chế kiểm soát pháp nhân tham gia và thanh toán điện tử, mạng máy tính chuyên nghiệp) thì cần có vài trăm nghìn USD đến hàng triệu USD. Giả sử hệ thống đó đã được xây dựng thì mỗi tỉnh cũng không có đủ lực lượng chuyên nghiệp để vận hành và quản lý hệ thống này từ nghiệp vụ TMĐT đến quản trị hệ thống phần cứng, phần mềm vốn hoạt động trực tuyến trên Internet và đối mặt với rất nhiều hiểm hoạ từ Internet. Cho dù hệ thống này có hiện hữu thì để thiết lập được các cầu nối thương mại đến các thị trường khu vực và quốc tế thì cũng còn rất nhiều nỗ lực mới làm được.

Vì DN trong tỉnh chưa sẵn sàng nên có xây dựng cổng TMĐT chuyên nghiệp thì cũng không để làm gì. Cái DN cần bây giờ là tập dượt, làm quen với môi trường TMĐT thực thụ. Vậy cách tốt nhất là hướng dẫn họ sử dụng ngay những sàn TMĐT có sẵn như www.vnemart.com.vn hay www.alibaba.com...

Theo Pcworld

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0