Tham gia sự kiện có các lãnh đạo Trung ương Đảng, Chính phủ, các Bộ ngành...
Ngày 6/10/2017, tại Lào Cai đã diễn ra hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ XXI năm 2017, với chủ đề Nâng cao hiệu quả chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0. Sự kiện do Bộ TT&TT, UBND tỉnh Lào Cai và Hội Tin học Việt Nam đồng tổ chức.
Tham gia sự kiện có các lãnh đạo Trung ương Đảng, Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT, đại diện lãnh đạo tỉnh ủy Lào Cai cùng gần 800 đại biểu đại diện cho các các hội, hiệp hội ngành, nghề liên quan đến lĩnh vực CNTT-TT trong và ngoài nước.
Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ XXI đã khẳng định là diễn đàn quan trọng để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và tạo cơ hội hợp tác phát triển CNTT-TT các Bộ, các ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước nhằm nâng cao hiệu quả chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, đây cũng là dịp để các nhà quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT có cơ hội tiếp xúc, trao đổi, nắm bắt về hiện trạng, nhu cầu, giới thiệu về hoạt động, năng lực của đơn vị mình, tìm kiếm hợp tác, giới thiệu, tư vấn những giải pháp, sản phẩm, kỹ thuật công nghệ mới.
Tại hội thảo, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng chính phủ khẳng định: “Xây dựng các đơn vị hành chính công là để phục vụ nhân dân, muốn quyền của dân được đáp ứng phải cải cách thủ tục, đi liền với ứng dụng tiến bộ công nghệ kĩ thuật để khắc phục tồn tại. Hội thảo chính là dịp để các các bộ cùng nêu lên quan điểm, tiếng nói của mình để làm sao chúng ta không bị đi lùi trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.
Gian hàng của VNPT
Trên thực tế theo các chuyên gia, mối quan tâm đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ của riêng một cá nhân hay tổ chức, doanh nghiệp nào, mà còn là vấn đề cấp thiết của cả nước. Việc xây dựng các mô hình kinh tế, cơ sở hạ tầng đi kèm với các công nghệ số hóa hiện đại được dự báo sẽ làm thay đổi mạnh mẽ nền sản xuất của thế giới và của Việt Nam trong một tương lai không xa.
Với đặc thù là một quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được dự báo sẽ tạo ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm, đồng thời cũng là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ khoa học công nghệ tiên tiến.
Hiểu rõ được tầm quan trọng đó, các đại biểu tham dự hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ XXI đều thể hiện tinh thần nhất trí cao độ trên tinh thần học hỏi và tìm hiểu các thành tựu KHCN của các quốc gia trên thế giới cũng như doanh nghiệp Việt Nam được giới thiệu trong hội thảo lần thứ XXI.
Ông Cao Hoàng Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Công nghệ FSI bày tỏ FSI mong muốn các cơ quan chức năng xây dựng các chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp CNTT, giải pháp phần mềm như giảm thuế VAT, hỗ trợ thủ tục hành chính... cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia triển khai, tư vấn các dự án CNTT trong lĩnh vực cải cách hành chính và các dự án mang tính chất chuyên ngành.
Cũng tại hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm chia sẻ: “Chuyển đổi số cho đô thị là cần thiết để tối ưu quá trình vận hành và hạ tầng đô thị, trao quyền nhiều hơn cho nhân viên công quyền, những người đang thực sự tham gia vận hành đô thị cũng như kết nối gần hơn, chặt chẽ hơn với người dân”.
Còn theo ông Lê Xuân Công, Vụ Trưởng vụ khoa học và Công nghệ, Việt Nam cần học hỏi, tìm hiểu những ví dụ thực tiễn về thành phố thông minh ở nhiều quốc gia trên thế giới như Dubai, Hàn Quốc, Nhật Bản… từ đó nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước.
Nhiều sản phẩm, giải pháp của doanh nghiệp công nghệ trong nước có khả năng cạnh tranh ngang ngửa với doanh nghiệp nước ngoài
Tại triển lãm – hội thảo CNTT -TT lần thứ XXI, cộng đồng công nghệ cũng được chứng kiến doanh nghiệp trong nước đem tới những sản phẩm, giải pháp khẳng định năng lực trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển các sản phẩm theo định hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và không thua kém sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài.
Ví dụ, Công ty Cổ phần MISA trình diên phần mềm điều khiển bằng giọng nói trên phần mềm Quản lý cán bộ QLCB.VN giúp tìm kiếm thông tin và liên lạc trong nội bộ đơn vị nhanh chóng và đơn giản; trợ lý nhập điểm bằng giọng nói trên phần mềm Quản lý trường học QLTH.VN; giám đốc tài chính số đầu tiên tại Việt Nam cung cấp tình hình kinh doanh hoàn toàn bằng giọng nói; nhân viên order số bằng giọng nói trên phần mềm quản lý nhà hàng, quán cafe Cukcuk.vn.
Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ XXI có các phiên đối thoại tập trung thảo luận các chủ đề chính gồm Chính phủ điện tử, những thành tựu đạt được, các giải pháp, định hướng. Thảo luận đề xuất giải pháp và định hướng dùng chung hạ tầng CNTT-TT, cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, kết nối ứng dụng cấp quốc gia với các ứng dụng tại địa phương; Chính sách đảm bảo nguồn lực, nguồn nhân lực cho phát triển CNTT-TT; giới thiệu một số mô hình nổi bật của Lào Cai và các tỉnh, thành phố trên cả nước…
Ngoài ra, sự kiện còn có Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam- những bằng chứng lịch sử”; triển lãm sản phẩm CNTT, hoạt động trao thiết bị tin học cho một số xã khó khăn trên địa bàn tỉnh…
Theo Ictnews.vn