Xu hướng “công nhận tương đương”
Hầu hết các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đều có các tổ chức chuyên trách kiểm định chất lượng nguồn nhân lực CNTT. Không chỉ có vậy, các quốc gia đều rất quan tâm tổ chức đào tạo, sát hạch và đối chiếu kết quả này với các quốc gia khác. Đầu tháng 12/2009, một hội nghị quốc tế về đánh giá chất lượng nhân lực CNTT giữa các nước châu Á đã được tổ chức tại Hàn Quốc. Theo báo cáo của đại diện các cơ quan tổ chức đánh giá chất lượng nhân lực CNTT, việc tổ chức đào tạo và sát hạch theo chuẩn đã được Chính phủ các quốc gia đặc biệt quan tâm.
Hệ thống các chuẩn quốc gia của Việt Nam nếu có chuẩn kỹ năng CNTT sẽ tạo thuận lợi cho các chiến lược quốc gia và doanh nghiệp về khoa học công nghệ nói chung và CNTT nói riêng.
|
Tại Hàn Quốc, hệ thống kiểm định chất lượng kỹ thuật quốc gia đã được Cơ quan Phát Triển nguồn nhân lực triển khai từ năm 1977. Đến 2007, có 564 loại hình sát hạch với xấp xỉ 3 triệu người tham dự. Trung Quốc đã tiến hành sát hạch CNTT từ năm 1985. Đến nay, hàng năm Trung Quốc tổ chức 2 kỳ sát hạch theo 27 loại hình với hơn 200 ngàn lượt người tham dự. Việc tổ chức sát hạch CNTT tại Ấn Độ do Cơ quan Đảm bảo Chất lượng giáo dục CNTT (DOEACC) - Bộ Thông tin Truyền thông đảm nhiệm. Hàng năm DOEACC tổ chức sát hạch theo 4 mức O, A, B, C. Cho đến nay DOEACC đã tiến hành kiểm định cho hơn 150 ngàn lượt người.
Tại Nhật Bản, các kỳ sát hạch đã được tổ chức thường xuyên từ 1969 với 1 triệu lượt người/năm. Đến nay, Nhật Bản đã công nhận tương đương chuẩn kỹ năng với hầu hết các quốc gia trên thế giới: Hoa Kỳ, Anh, Đức, Canada, Australia, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Tương quan với khu vực
Là quốc gia đi sau (hệ thống chuẩn kỹ năng CNTT được triển khai từ năm 2001), Việt Nam đang cố gắng rút ngắn giai đoạn nhằm đưa nguồn nhân lực CNTT Việt Nam hội nhập với thị trường quốc tế. Qua 8 năm áp dụng chuẩn kỹ năng CNTT Nhật Bản vào điều kiện Việt Nam, đã có 16 kỳ sát hạch được tổ chức với 4 loại hình: kỹ sư CNTT cơ bản (FE), kỹ sư thiết kế và phát triển phần mềm (SW), kỹ sư thiết kế hệ thống mạng (NW) và kỹ sư thiết kế hệ thống cơ sở dữ liệu (DB). Việt Nam cũng tiến tới tổ chức thi sát hạch cùng ngày, cùng đề, cùng hệ thống chấm điểm với các nước thành viên ITPEC (Hội đồng Chuyên môn Sát hạch kỹ sư CNTT theo chuẩn kỹ năng khu vực gồm 7 nước thành viên: Nhật Bản, Thái Lan, Philippine, Malaixia, Myanmar, Mông Cổ và Việt Nam). Đến nay, chứng chỉ của các thí sinh đỗ sát hạch hai chuẩn FE và SW tại Việt Nam đều được công nhận tương đương với chứng chỉ tương ứng của Nhật Bản, Hàn Quốc).
Vậy qua các kỳ thi chung, mặt bằng trình độ nhân lực CNTT trong nước so với khu vực ra sao? Theo tổng kết các kết quả 8 kỳ thi chung nội dung FE của các nước ITPEC gần đây nhất, ngoại trừ Nhật Bản luôn ở vị trí khá xa, 3 quốc gia dẫn đầu về số thí sinh dự thi là Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam đứng đầu về tỷ lệ thi đạt (15,6%), tiếp đến là Philippines (11,2%) và Thái Lan (xấp xỉ 10%).
Chi tiết số thí sinh Việt Nam đăng ký, tham gia thi và thi đỗ nội dung FE |
Trong nước, 6 khu vực tổ chức thi thường xuyên là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế, Hải Phòng (xếp lần lượt theo số lượng thí sinh dự thi giảm dần). Như vậy, có thể thấy, trình độ nhân lực CNTT Việt Nam không hề thua kém so với các nước trong khu vực, 4 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ vẫn là điểm thu hút đầu tư hấp dẫn nhờ có nguồn nhân lực CNTT dồi dào.
Theo ông Đỗ Văn Bình, Giám đốc Trung tâm Đào tạo VITEC – đơn vị chịu trách nhiệm triển khai hệ thống sát hạch kỹ sư CNTT theo chuẩn Nhật Bản, thực tế triển khai cho thấy hệ thống khách quan trong phân loại và đánh giá phẩm chất nhân lực CNTT Việt Nam. Hệ thống cũng phù hợp với nhu cầu thị trường cần thước đo chung. Kết quả sát hạch đã giúp các cơ quan hoạch định chính sách nắm bắt được tiềm năng, nhu cầu sử dụng nhân lực CNTT và khả năng đáp ứng của các cơ sở đào tạo trong nước.
Nếu những kết quả đã làm được với 2 chuẩn FE và SW được nhân rộng cho các chuẩn khác và lạc quan hơn là được công nhận tương đương với nhiều quốc gia, các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ thuận lợi hơn khi xem xét tiềm năng nguồn nhân lực cho kế hoạch phát triển tại Việt Nam của mình.