Thứ tư, 24/04/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 21/03/2008
“Có những quy luật cũ không thể áp dụng”

Internet đã thay đổi mọi thứ trong việc đưa các nội dung trí tuệ đến với công đồng. Những vụ kiện về bản quyền số diễn ra hàng ngày hàng giờ đang khiến nguời ta tự hỏi về tuơng lai của các sản phẩm trí tuệ trong thế giới mạng.

VnEconomy đã hỏi chuyện ông Nguyễn Thế Tân, Phó tổng giám đốc VC Corporation về vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ số trong thế giới mạng - thế giới mà theo cách gọi của ông, là thế giới “siêu phẳng”.

Bản quyền sở hữu trí tuệ số là chuyện đã được tranh cãi từ rất lâu, giữa một bên là cộng đồng những nguời dùng trên Internet và một bên là các nhà sản xuất cung cấp sản phẩm trí tuệ. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Tôi là người thích mã nguồn mở, nội dung mở. Những gì phục vụ và mang lợi ích đến xã hội thì tôi ủng hộ.

Liệu điều đó có ảnh hưởng đến quyền lợi nhà sản xuất và xa hơn, có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của một ngành nào không, thưa ông?

Không. Họ sẽ không bị ảnh hưởng.

Lấy ví dụ về báo điện tử. Nếu xét từng thành tố nội dung thì 90% thông tin hiện nay của các báo điện tử có sự “tham khảo” lẫn nhau. Nhưng theo tôi điều đó không hề xấu, nó làm đa dạng nội dung và tạo thêm giá trị cho người đọc. Bạn đọc sẽ có lợi và tổng giá trị sẽ xã hội sẽ cao hơn.

Báo điện tử có thể sẽ không có doanh thu cao hơn báo giấy, nhưng tôi tin rằng họ phục vụ người đọc tốt hơn so với báo giấy. Như vậy, vấn đề không phải là việc lấy thông tin của nhau, mà điểm mấu chốt ở đây là mô hình kinh doanh đã thay đổi. Chính sự thay đổi của môi trường đã tạo ra một mô hình kinh doanh mới.

Chuyện về bản quyền âm nhạc số cũng thế thôi. 99% thu nhập của ca sĩ không đến từ bản quyền nhạc mà đến từ các show diễn, quảng cáo… Vậy thì tại sao không cho phép âm nhạc đến với người nghe một cách miễn phí? Nó sẽ là điều kiện rất tốt để ca sĩ mở rộng số lượng người hâm mộ của mình.

Bàn về chuyện bản quyền nhạc số, những điều ông nói thì liệu điều đó có phải chỉ đúng với các ca sĩ chưa có tên tuổi hay không, bởi vì họ không có nhiều thứ để mất. Nhưng đối với các ca sĩ chuyên nghiệp đã thành danh rồi thì sao? Thả lỏng việc download nhạc số chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến số lượng đĩa họ bán ra. Bởi đơn giản đối với phần lớn người nghe, họ sẽ chọn không mua đĩa, khi họ có thể tìm thấy nó dễ dàng trên Internet?

Thu nhập của ca sĩ, như tôi đã nói, phần lớn không đến từ việc bán album. Xin hãy nhìn đến lợi ích tổng thể của xã hội, và cái gì đang đem lại lợi ích lớn nhất đến cho toàn xã hội.

Đấy chính là cách nghĩ của tư duy “nội dung mở” trên Internet. Nó lấy người nghe làm trọng tâm, lấy những ca sĩ chưa đủ nổi tiếng làm điểm quan trọng, chứ không chỉ tập trung vào quyền lợi của người thu đĩa. Thực tế sự phát triển của Internet ngày nay đã chứng minh điều này là đúng đắn.

Lấy ví dụ về một số bạn tham gia website sannhac.com của chúng tôi chẳng hạn. Rất nhiều bạn hát rất tốt. Thế giới phẳng với tính mở trong nội dung đã cho họ có cơ hội thể hiện mình, để họ đóng góp nội dung cho công đồng. Đổi lại, fan hâm mộ, khán giả sẽ đến với họ, còn họ thì đuợc cộng đồng biết đến, đuợc nổi tiếng.

Trong truờng hợp này bản thu âm đuợc cung cấp miễn phí. Bạn sẽ hỏi: vậy họ làm gì để có tiền? Đơn giản là họ có thể kiếm tiền từ việc bán CD cho fan hâm mộ - những nguời thực sự muốn mua đĩa CD của thần tuợng của mình.

Họ cũng có thể kiếm tiền nhờ hát show, nhờ bán chữ ký ký hoặc có thể họ sẽ đuợc mời hát trong những phòng trà. Sẽ có nhiều cách kiếm tiền khi bạn nổi tiếng.

Hãy thử hình dung nếu tất cả đều áp dụng luật bản quyền chặt chẽ thì thế giới Internet của chúng ta sẽ buồn chán đến thế nào. Bản quyền quá chặt là bảo vệ quyền lợi cá nhân, đi ngược lại với quyền lợi của cộng đồng. Phải luôn có sự cân đối một cách hợp lý giữa sở thích cá nhân và sở thích của cộng đồng.

Có những quy luật cũ, thuộc về thế giới cũ, áp dụng cho thế giới cũ, không thể áp dụng cho thế giới ngày nay.

Có một thực tế là các site cung cấp nhạc miễn phí trước đây như Napster hay Allofmp3 đã bị buộc phải ngừng hoạt động hoặc chuyển sang hình thức khác là bán nhạc. Còn đối với các site tìm kiếm như Yahoo China hoặc Baidu của Trung Quốc thì đã bị Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Quốc tế (IFPI) kiện? Đối với các trường hợp đang bị kiện, ông đánh giá thế nào về khả năng thắng cuộc của họ? Liệu sẽ còn những trường hợp tương tự - như Napster hay Allofmp3 trước kia - phải chuyển sang hình thức bán nhạc?

Baidu thắng kiện ở Trung Quốc, còn Youtube thì hiện hầu hết là không ai kiện nữa. Thực tế là ngành công nghiệp âm nhạc phương Tây đã bắt đầu nhận ra sai lầm của mình và đi tìm kiếm cơ hội mới. Lý do đơn giản là nếu họ không theo sự phát triển của thế giới phẳng thì họ sẽ chỉ còn lại không nhiều ca sĩ nổi tiếng, do các ca sĩ khác sẽ từ bỏ họ và đi theo hướng mới.

Nên lưu ý là có sự khác biệt giữa ngành công nghiệp ghi đĩa, công nghiệp thu âm và âm nhạc nói chung. Công nghiệp ghi đĩa có thể chết đi, nhưng ngành công nghiệp thu âm thì không và càng không đối với âm nhạc nói chung. Âm nhạc sẽ tồn tại mãi mãi, chỉ có người phân bố sẽ khác đi.

Người sử dụng sẽ quyết định ai chiến thắng, chứ không phải ai kiện giỏi hơn thì sẽ chiến thắng.

Ý ông có phải là, trong tương lai ngành công nghiệp ghi đĩa sẽ không tồn tại nữa?

Vẫn còn, nếu như họ chấp nhận thay đổi. Họ chính là những người có điều kiện tốt nhất để thay đổi, họ có tiền, có độc giả, có ca sĩ, có công nghệ thu âm. Cái họ thiếu chỉ là một tư duy mới mà thôi.

Tư duy mới là gì? Tức là họ sẽ phải chấp nhận thực tế rằng những người dùng thế hệ mới muốn nghe nhạc trực tuyến, muốn copy nhạc vào điện thoại di động, muốn gửi nhạc cho bạn qua Yahoo, muốn chia sẻ nhạc với bạn và muốn biên tập lại nhạc theo ý họ. Với tư duy mới, họ sẽ tạo điều kiện cho người dùng làm tất cả những điều đó một cách dễ dàng nhất.

Còn làm thế nào để có được lợi nhuận thì đó là sáng tạo của họ. Không còn cách nào khác là phải nghĩ, phải sáng tạo. Nếu họ không dám bước vào thì sẽ không thể tìm ra con đường. Một điều tôi chắc chắn là khi anh mang lại lợi ích cho người sử dụng thì anh sẽ có cách thu tiền từ họ.

Theo tôi đuợc biết thì vừa qua Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Quốc tế có gửi văn bản đến Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam, cảnh báo về tình trạng vi phạm bản quyền của một loạt các trang tìm kiếm - trong đó có website Baamboo của công ty ông. Vậy xin hỏi là nếu bị kiện thì các ông sẽ phản ứng như thế nào?

Chúng tôi sẽ làm theo luật.

Nhưng vấn đề là luật cần phải chỉ rõ ràng Baamboo cần làm gì, hành vi nào đã vi phạm, hành vi nào phù hợp, chứ không thể có chuyện bỗng nhiên Baamboo phải đóng cửa hoặc nộp phạt. Hiện tôi thấy chúng ta vẫn chưa có chỉ dẫn rõ ràng.

Lưu ý là so với Youtube thì Baamboo không lưu trữ nhạc như họ, còn so với Google thì chúng tôi có hình thức hoạt động khá tương đuơng. Hãy vào Google và thử gõ từ khóa “Mỹ Linh video” anh sẽ thấy bài hát của cô ấy có thể xem đuợc ngay trong kết quả đầu tiên tìm thấy.

Tôi cũng muốn nói thêm là tại Mỹ, giờ người ta cũng đã dừng không kiện Youtube và Google nữa. Tôi nghĩ, ngày càng nhiều người đã nhận thức đuợc vấn đề, và ở một mức nào đã đó chấp nhận quyền sử dụng công bằng cho tất cả mọi người.

Theo Vneconomy

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0