Thứ năm, 05/12/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 12/06/2020
Đại học Bách Khoa Hà Nội thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm với số vốn lên tới 50 tỷ đồng

BK Fund nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ kết hợp với phong trào khởi nghiệp quốc gia hiện nay.

Đại học Bách Khoa Hà Nội hôm nay công bố điều lệ thành lập Quỹ BK Fund chuyên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp. Mục tiêu ban đầu là giúp các đề tài nghiên cứu tiềm năng và những ý tưởng đổi mới, sáng tạo của giảng viên và sinh viên Bách Khoa từ trên giấy bước ra đời sống, trở thành các sản phẩm thương mại đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Quỹ BK Fund tạm thời do công ty Công ty Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK Holdings) quản lý. Đại học Bách Khoa Hà Nội không góp vốn bằng tiền mà đóng góp bằng thương hiệu và quyền sử dụng thương hiệu của Trường, tương đương 15% cổ phần của Quỹ, mức cổ phần này sẽ không thay đổi theo thời gian và quy mô của Quỹ.

TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch mạng lưới Cựu sinh viên trường ĐHBK Hà Nội

Với số vốn 20-50 tỷ đồng, BK Fund dự kiến đầu tư vào mỗi dự án khoảng 1 tỷ đồng, hướng đến các công ty đang trong giai đoạn “ươm tạo”. Thời gian đầu tư kéo dài 4-5 năm, sau đó Quỹ sẽ thoái vốn. TS. Nguyễn Quân, chủ tịch mạng lưới cựu sinh viên, nguyên bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, hy vọng quy mô vốn của BK Fund sẽ tăng nhanh. “Đây là quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên chính thức của các trường đại học ở Việt Nam”, cựu bộ trưởng phát biểu. “Nếu hiệu quả, tăng vốn sẽ đơn giản”, ông nhắc đến triển vọng các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức liên tục rót vốn vào trong tương lai. Ngoài ra, ông đánh giá cao vai trò của Đại học Bách Khoa trong việc dùng thương hiệu và uy tín của Trường để giúp Quỹ vận hành ổn định.

BK Fund không chỉ rót vốn mà còn huy động “chất xám” từ mạng lưới hơn 200.000 cựu sinh viên Bách Khoa. Với sự từng trải và dạn dày của người làm kinh doanh, những cựu sinh viên của Bách Khoa vừa góp vốn vừa đóng góp trí tuệ bằng cách cố vấn trực tiếp cho các công ty khởi nghiệp. Tại buổi tọa đàm “Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Bách Khoa Hà Nội” hôm nay, có nhiều cựu sinh viên của Trường, hiện là doanh nhân thành công và lãnh đạo các công ty lớn, tham gia đóng góp ý kiến.

Ông Dương Quốc Tuấn, chủ tịch tập đoàn cửa cuốn Austdoor, cựu sinh viên K32 ngành Hóa Thực phẩm, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu sản phẩm mới đối với sự phát triển của một doanh nghiệp. “BK Fund như chiếc cầu nối để chuyển các giá trị nghiên cứu tiềm năng thành giá trị đích thực trong đời sống”, ông Quốc Tuấn nói. “Với sự nhạy bén của một người làm kinh doanh, ví dụ tôi thấy ngay dự án tấm phim cách nhiệt, chống bụi của Bách Khoa có thể phát triển thành sản phẩm bán ra thị trường”. Ông Lê Việt Thanh, cựu sinh viên K29 ngành Nhiệt Công nghiệp, với gần 30 năm kinh nghiệm trên thương trường trong nước và nước ngoài, cho biết muốn “đền đáp nối tiếp” cho Trường trên cả phương diện tài chính và tinh thần. Trong khi đó, ông Nguyễn Đoàn Thăng, chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, cam kết dành phần lớn quỹ đầu tư mạo hiểm của công ty để rót vào BK Fund. Mỗi năm Rạng Đông trích 5-7% lợi nhuận sau thuế để đổ vào các hoạt động đầu tư mạo hiểm với mục đích giúp công ty chuyển đổi số thành công. “Doanh nghiệp hiện nay không đổi mới là tự hủy diệt”, ông Đoàn Thăng nói về vai trò của đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh doanh.

Đại học - môi trường lý tưởng của các công ty khởi nghiệp

“Đại học là nơi sản sinh ra công nghệ và các công trình nghiên cứu. Khu vực tư nhân thường phải đặt hàng hoặc mua công nghệ từ các trường đại học”, bà Thạch Lê Anh, người sáng lập, chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley (VSV), chia sẻ bên lề hội thảo. Bà cho biết ở Mỹ, các trường đại học đều có quỹ đầu tư ủy thác như BK Fund để tài trợ cho các nghiên cứu khoa học. Bà Lê Anh lấy ví dụ hàng năm Google vẫn đều đặn trả 2% doanh thu cho Stanford vì thuật toán tìm kiếm là một nghiên cứu được “ấp trứng” tại đại học này.

Bà Thạch Lê Anh, người sáng lập Quỹ Đầu tư Vietnam Silicon Valley

Trên thế giới, quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất không phải là tư nhân mà là trường đại học, cụ thể là hai trường đại học hàng đầu của Mỹ là Havard với quỹ hơn 300 tỷ USD và Stanford với khoảng 290 tỷ USD. “Đại học Bách Khoa có đầy đủ điều kiện để tạo ra một quỹ như thế”, bà Lê Anh nói, các nhà đầu tư ủy thác cho BK Fund mang tiền của họ đi đầu tư. Ngược lại, Trường cũng có thêm nguồn thu để phát triển hệ thống đào tạo và giáo dục. “Havard mỗi năm chỉ dùng  5% quỹ ủy thác là đủ trả tiền lương cho toàn bộ cán bộ giảng viên của trường”, bà Lê Anh cho biết.

 

Ông Brian Spence, nhà sáng lập quỹ đầu tư S&P của Anh, cho rằng đầu tư vào người trẻ là “món đầu tư hời nhất”. Vấn đề là làm sao giúp các công ty khởi nghiệp tiệm cận gần với chuẩn quốc tế. “Khi mở rộng quy mô, nếu điều hành tốt, họ sẽ dễ dàng thu hút thêm vốn”, ông Spence nhận xét BK Fund sẽ kết hợp được “năng lượng của người trẻ với sự thông thái của những người đi trước”.

 ‘BK Fund ra đời là điều tất yếu’

PGS. TS. Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhấn mạnh ba vai trò chính của một trường đại học bao gồm công tác đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. BK Fund ra đời là để hoàn thành sứ mệnh chuyển giao công nghệ cho khu vực tư nhân.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng ĐHBK Hà Nội (giữa); Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng (phải) tại buổi toạ đàm về Quỹ Sáng tạo Khởi nghiệp BK Fund ngày 11/6

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết chính phủ hướng trọng tâm vào hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và thông qua doanh nghiệp để đưa sản phẩm ra xã hội. “Bộ coi doanh nghiệp làm trung tâm, tạo ra các doanh nghiệp khoa học công nghệ, khởi nghiệp tăng trưởng cao”, ông nói.

Mỗi năm, các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Mỹ thu hút được 70 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm từ các nhà đầu tư tư nhân, tương đương 0,2% GDP của nước Mỹ. Và “cứ một đồng vốn thì tạo ra 100 đồng lời”, bà Thạch Lê Anh chia sẻ số liệu thống kê trong 10 năm qua, số tiền lãi thu về hàng năm bằng khoảng 21%-23% GDP của Mỹ. Năm 2019, lượng vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào các doanh nghiệp Mỹ gia tăng đột biến, lên tới gần 140 tỷ USD. Các công ty khởi nghiệp của Israel mỗi năm huy động khoảng hơn 5 tỷ USD. Dù thế mạnh của Singapore không là phát triển và nghiên cứu công nghệ, đảo quốc này mỗi năm vẫn thu hút khoảng 7 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm. “BK Fund ra đời là điều tất yếu, hợp với xu thế phát triển”, bà Lê Anh kết luận.

Theo Congnghevadoisong.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0