Thứ bảy, 20/04/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 04/09/2018
Nguồn nhân lực vẫn là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam

Cho biết nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, song Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng, nguồn nhân lực vẫn là yếu tố quan trọng nhất với Việt Nam trong giai đoạn hiện tại.

"Chuyển đổi số là một xu thế không thể cưỡng lại được"

Hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ XXII chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội cho Đồng bằng sông Cửu Long” vừa khai mạc hôm nay, 29/8/2018 tại Vĩnh Long.

Là sự kiện được tổ chức định kỳ hàng năm, luân phiên tại các tỉnh, thành trong cả nước, hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam do Bộ TT&TT, Hội Tin học Việt Nam và UBND tỉnh, thành đăng cai tổ chức. Hội thảo nhằm mục đích tạo diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và tạo cơ hội hợp tác phát triển CNTT-TT giữa các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước theo xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Đây cũng là dịp để các nhà quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT có cơ hội tiếp xúc, trao đổi, nắm bắt về hiện trạng, nhu cầu, giới thiệu về hoạt động, năng lực của đơn vị mình, tìm kiếm hợp tác, giới thiệu, tư vấn những giải pháp, sản phẩm, kỹ thuật công nghệ mới.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng tham quan khu trưng bày sản phẩm, giải pháp CNTT-TT, bên lề hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT lần thứ XXII chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội cho Đồng bằng sông Cửu Long” (Ảnh Ban tổ chức cung cấp)

Phát biểu tại hội thảo, đánh giá cao UBND tỉnh Vĩnh Long và Hội Tin học Việt Nam trong việc tổ chức hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT năm nay, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhận định, khu vực ĐBSCL trong đó có tỉnh Vĩnh Long, không chỉ là vựa lúa lớn nhất của cả nước mà còn là vùng trọng điểm thủy sản, trái cây, nông sản, đồng thời là vùng có tiềm năng lớn về du lịch, công nghiệp chế biến, một trung tâm kinh tế lớn của cả nước... Mặc dù vậy, một số lĩnh vực của ĐBSCL còn có tốc độ phát triển chưa tương xứng, điển hình như y tế, giáo dục, nguồn nhân lực chất lượng cao... Đặc biệt, ĐBSCL còn đang đứng trước thách thức lớn của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn mặn gay gắt.

Thời gian qua, theo Thứ trưởng, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều sự quan tâm, ưu tiên đầu tư trong ứng dụng CNTT và xây dựng Chính phủ điện tử tại địa phương. Do đó, Vĩnh Long đã có thay đổi rõ nét về các chỉ số như hạ tầng CNTT, nhân lực, hạ tầng kinh tế xã hội, đặc biệt là chỉ số ứng dụng CNTT của tỉnh đã tăng 18 bậc (từ 35 lên 17) và dịch vụ công trực tuyến tăng 8 bậc (từ 38 lên 30), theo báo cáo Vietnam ICT Index 2018. “Đây là những bước tiến rất đáng ghi nhận của tỉnh Vĩnh Long nói chung cũng như ngành CNTT-TT Vĩnh Long nói riêng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Nhấn mạnh CMCN 4.0 đang diễn ra, liên quan đến mọi lĩnh vực trong đó CNTT-TT là một trong những thành phần nền tảng với những yếu tố cốt lõi là trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho hay, với Việt Nam, CMCN 4.0 được kỳ vọng tạo ra những thay đổi lớn trong phương thức quản lý, sản xuất, kinh doanh. CMCN 4.0 được coi là cơ hội lớn đưa đất nước đi lên hiện đại và thịnh vượng.

Cụ thể hóa bằng hành động, nhằm kịp thời nằm bắt cơ hội, lợi thế của CMCN 4.0, tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 về việc tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0. Bộ TT&TT cũng đang tích cực triển khai nghiên cứu, xây dựng đề án nhằm thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Thứ trưởng cũng khẳng định, chuyển đổi số là một xu thế không thể cưỡng lại được trong bối cảnh hiện nay. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là một tiền đề quan trọng để Việt Nam có thể hiện thực hóa các cơ hội do cuộc CMCN 4.0 mang lại. “Nhiều giải pháp đưa ra nhằm thúc đẩy chuyển đổi số như phát triển hạ tầng, thúc đẩy ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp… Nhưng trong đó theo tôi nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện tại”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Với mong muốn hội thảo đóng góp thiết thực vào sự phát triển của ĐBSCL nói riêng và các địa phương trong cả nước nói chung, Thứ trưởng đã đề nghị các đại biểu tham gia thảo luận các nội dung quan tâm đến các yếu tố đặc thù của ĐBSCL, phù hợp với thực tiễn của các địa phương cũng như xu thế chung của thế giới và chủ trương của Chính phủ. “Các đề xuất, kiến nghị của các chuyên gia, đại biểu tại hội thảo cần mang tính khả thi, thiết thực để biến được thành các hành động, giải pháp cụ thể, giúp ích cho các địa phương trong việc phát triển và ứng dụng CNTT, phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương”, Thứ trưởng lưu ý.

Công bố báo cáo Vietnam ICT Index 2018

Nhận định lợi thế lớn của Hội Tin học Việt Nam là có lịch sử phát triển lâu đời, quy mô rộng khắp toàn quốc, quy tụ được các thành viên đa dạng đến từ doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu, đào tạo, các chuyên gia và từ các cơ quan nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng, Hội cần biến lợi thế thành những hành động cụ thể có tính thực tiễn nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của mình trong sự nghiệp thúc đẩy ngành CNTT-TT nước nhà.

Lấy dẫn chứng từ việc Câu lạc bộ các Khoa-Viện-Trường CNTT-TT được thành lập và ra mắt tháng 4 vừa qua là một chi hội trực thuộc Hội Tin học Việt Nam, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Đây cũng là một lợi thế mà khó có Hội hay Hiệp hội nào có được. Nguồn nhân lực về CNTT-TT Việt Nam có sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0 hay không một phần phụ thuộc và các hành động của các đồng chí. Các tỉnh vùng ĐBSCL và Câu lạc bộ Khoa-Viện-Trường CNTT-TT đã có kế hoạch bàn bạc cụ thể nào về việc tăng cường nguồn nhân lực công nghệ cao cho địa phương chưa?”.

Với hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT, Thứ trưởng đề nghị, trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức của CMCN 4.0, Hội Tin học Việt Nam thời gian tới cần xác định được hướng đi và trách nhiệm, qua đó tiếp tục mạnh dạn đổi mới phương thức tổ chức hội thảo.

“Sau các hội thảo, đề nghị Hội Tin học Việt Nam cần có những kiến nghị, đề xuất cụ thể, mạnh mẽ với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT và các Bộ, ngành liên quan khác để hoàn thiện khung pháp lý nói chung cũng như triển khai các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực CNTT-TT. Bộ TT&TT sẽ luôn phối hợp và hỗ trợ Hội Tin học Việt Nam trong các hoạt động của mình, đồng thời trong thời gian tới sẽ có những hành động cụ thể, đổi mới và quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển ngành CNTT-TT”, Thứ trưởng nói.

Theo chương trình, ngoài phiên khai mạc, hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT năm nay có 2 phân ban chuyên đề về “Định hướng xây dựng chính quyền điện tử trong tình hình mới” và “Giải pháp ứng dụng CNTT thích ứng biến đổi khí hậu” diễn ra song song vào chiều ngày 29/8/2018.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT lần thứ XXII, Hội Tin học Việt Nam và Vụ CNTT - Bộ TT&TT đã công bố báo cáo đánh giá xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT ở Việt Nam - Vietnam ICT Index 2018 của 2 nhóm đối tượng: các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là lần thứ 13 báo cáo này được thực hiện.

Công bố báo cáo Vietnam ICT Index 2018 / Khai mạc hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam 2018 / Nguồn nhân lực vẫn là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam

Xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT Việt Nam của 19 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công.

Theo đó, ở khối ở nhóm 19 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công, Bộ Tài chính tiếp tục dẫn đầu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng. Ba vị trí tiếp theo trong Top 5 lần lượt thuộc về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ TT&TT và Bộ VHTT&DL. Bộ GD&ĐT bị giảm 3 bậc, từ vị trí thứ 3 theo xếp hạng năm ngoái xuống vị trí thứ 6/19.

Công bố báo cáo Vietnam ICT Index 2018 / Khai mạc hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam 2018 / Nguồn nhân lực vẫn là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam

Trong nhóm 5 cơ quan thuộc Chính phủ không có dịch vụ công, dẫn đầu là Thông tấn xã Việt Nam, 2 vị trí tiếp theo thuộc về Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam. Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam xếp ở vị trí thứ 4 và 5 trong bảng xếp hạng.

Công bố báo cáo Vietnam ICT Index 2018 / Khai mạc hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam 2018 / Nguồn nhân lực vẫn là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam

Top 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu bảng xếp hạng Vietnam ICT Index 2018 vừa được công bố hôm nay, ngày 29/8/2018.

Với 63 địa phương, vị trí dẫn đầu bảng bảng xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT vẫn thuộc về Đà Nẵng, với điểm số cách biệt so với các tỉnh, thành phố khác. Cùng với Đà Nẵng, có tên trong Top 10 tỉnh, thành phố được đánh giá cao về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT theo báo cáo mới công bố còn có: TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Thừa Thiên – Huế, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Lào Cai, Hưng Yên và Hà Nam.

Theo Ictnews.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0