Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từ ngày 2 - 3/9/2016 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các cơ quan, đối tác của hai nước đã ký kết 12 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực. Trong 12 văn kiện hợp tác mới được ký kết giữa Việt Nam và Ấn Độ, có 2 văn kiện thuộc lĩnh vực TT&TT.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng và Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác lĩnh vực CNTT. (Ảnh: VGP)
Cụ thể, ngày 3/9, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Ấn độ Narendra Modi, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish đã thay mặt Chính phủ Ấn Độ ký với Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyên Minh Hồng “Bản ghi nhớ về hợp tác lĩnh vực CNTT” giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Thông tin từ Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông thuộc Bộ TT&TT cho hay, cùng ngày 3/9, bà Preeti Saran - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ và ông Vũ Văn San - Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã ký kết Thỏa thuận hợp tác thực hiện dự án “Thiết lập hạ tầng đào tạo CNTT bền vững trong việc đào tạo CNTT chất lượng cao trong khuôn khổ hợp tác giữa ASEAN - Ấn Độ”. Tại Việt Nam, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là đơn vị duy nhất được thụ hưởng và thực hiện dự án này theo quyết định của Bộ trưởng Bộ TT&TT.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Preeti Saran và Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Bộ TT&TT) ký thỏa thuận hợp tác. (Ảnh Học viện cung cấp)
Dự án viện trợ không hoàn lại nêu trên có tổng trị giá lên đến 1,3 triệu USD được trích từ nguồn Quỹ ASEAN - Ấn Độ, bao gồm các nội dung: Tài trợ các thiết bị máy tính, các thiết bị ngoại vi, hạ tầng CNTT để thành lập Trung tâm ủy quyền đào tạo CNTT chất lượng cao tại TP.HCM; Cung cấp 3.000 cuốn giáo trình và 3.200 đầu sách tham khảo chuyên ngành để phục vụ cho các khóa học tại Trung tâm; Đào tạo 10 chuyên gia của Học viện sang học tại Ấn Độ trong thời gian 6 tháng; cử 2 chuyên gia Ấn Độ sang hỗ trợ các hoạt động vận hành Trung tâm trong 6 tháng đầu thành lập.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng cho biết, Trung tâm ủy quyền đào tạo CNTT chất lượng cao thuộc dự án sẽ được đặt tại cơ sở đào tạo TP.HCM của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ở số 11 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, Quận 1. Thời gian thực hiện dự án “Thiết lập hạ tầng đào tạo CNTT bền vững trong việc đào tạo CNTT chất lượng cao trong khuôn khổ hợp tác giữa ASEAN - Ấn Độ” là 36 tháng, trong đó có 12 tháng là thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất và đào tạo, bồi dưỡng cho các giảng viên.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhận định, việc tham gia dự án đã khẳng định vị thế và uy tín của Học viện trong đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực CNTT-TT những năm qua, đồng thời góp phần không nhỏ trong việc nâng cao cơ sở vật chất, năng lực chuyên môn cho đội ngũ giảng viên và công tác hợp tác quốc tế của Học viện trong việc tham gia các dự án quốc tế.
Theo Ictnews.vn