Động thái trên của EC là nhằm gây áp lực buộc gã khổng lồ tìm kiếm Internet phải có những nhượng bộ để giải quyết các khiếu nại chống độc quyền và ngăn chặn một cuộc chiến dai dẳng.
Cuộc điều tra của EC được khởi động 9 tháng sau khi trang web chuyên so sánh giá cả Foundem (Anh) và công cụ tìm kiếm luật pháp ejustice.fr (Pháp) cáo buộc thuật toán tìm kiếm của Google đã hạ thấp các website của họ trong các kết quả tìm kiếm bởi họ là những đối thủ của hãng này.
Bing, bộ máy tìm kiếm web của Microsoft cũng đệ đơn khiếu nại lên EC về những điều kiện và điều khoản sử dụng tiêu chuẩn của Google.
“EC sẽ điều tra xem liệu Google có lạm dụng vị thế thống trị trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến bằng cách hạ thấp xếp hạng các kết quả tìm kiếm không trả tiền của các đối thủ cạnh tranh hay không”, EC cho biết trong một tuyên bố mới đây.
Tuy nhiên, Joaquin Almunia, Phó Chủ tịch EC phụ trách vấn đề cạnh tranh thương mại khẳng định cuộc điều tra của EC không có nghĩa khẳng định Google đã làm sai. “Còn quá sớm để nói như thế”.
Phía Google cho biết sẽ hợp tác với cuộc điều tra này và sẽ làm việc với Ủy ban để làm rõ những vấn đề liên quan.
“Chúng tôi đã xây dựng Google cho người dùng nói chung chứ không phải cho các website và đương nhiên là có nhiều website không hài lòng với thứ tự tìm kiếm website của họ”, phát ngôn viên của Google cho biết.
“Những website trên đã phàn nàn và thậm chí còn kiện chúng tôi trong suốt nhiều năm nay. Nhưng trong tất cả các trường hợp này đều có những lý do thuyết phục tại sao website của họ được xếp hạng kém bởi các thuật toán của chúng tôi”.
Ủy ban châu Âu cũng sẽ xem xét những cáo buộc cho rằng Google đang thiết lập những nghĩa vụ độc quyền đối với các đối tác quảng cáo, ngăn họ đặt một số quảng cáo cạnh tranh trên các website của họ cũng như trên máy tính và các phần mềm nhằm hạ bệ các công cụ tìm kiếm cạnh tranh.
Hồi tháng 1, Microsoft đã kết thúc cuộc chiến pháp lý kéo dài một thập kỷ với EC bằng việc đồng ý cung cấp cho người tiêu dùng châu Âu cách truy cập tốt hơn tới các trình duyệt Internet cạnh tranh ngay trên hệ điều hành Windows của hãng.
Gã khổng lồ phần mềm đã bị phạt tổng cộng 2,4 tỷ USD vì những hành vi vi phạm luật chống độc quyền ở châu Âu.
Ủy ban châu Âu có thể phạt các công ty tới 10% doanh thu toàn cầu của họ vì vi phạm những nguyên tắc của EU. Ủy ban này đã từng phạt Intel 1,06 tỷ euro vì đã lạm dụng vị thế thống trị thị trường của hãng.
Theo www.dantri.com.vn